Chùa Hàn Sơn (Nga Sơn, Thanh Hóa)

Chùa Hàn Sơn (Nga Sơn, Thanh Hóa)

Vị trí

Chùa Hàn Sơn được xây dựng cạnh chân núi Cọc Đó, nay thuộc làng Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa – nơi đây trước kia có hai dãy núi ở hai bên sông Hoạt dựa sát vào nhau, mặt trời không chiếu xuống được nên chỗ khúc sông này rất lạnh, vì thế mà người ta đặt tên cho chùa là Hàn Sơn Tự. Ngoài ra chùa còn có tên gọi khác là chùa Không Lộ, vì trong chùa thờ Nguyễn Minh Không hiển sư tôn thần. 

Xưa kia làng Chính Đại xã Nga Điền nằm trong cửa biển Thần Phù, đây là khu vực giao thông đường thủy Bắc – Nam quan trọng, nối liền giữa đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Mã. Vì vậy, mà vùng đất này đã từng chứng kiến không ít những sự kiện diễn ra trong lịch sử dân tộc và trở thành những huyền thoại còn mãi với thời gian! 

Không chỉ có vai trò quan trọng về mặt giao thông và quân sự, địa thế nơi đây còn được bao bọc bởi dãy núi đá vôi (Tam Điệp) với địa hình Cacxtơ tạo nên cảnh quan kỳ thú với những hang động: Từ Thức, Chùa Tiên, Chùa Hàn Sơn… núi non kết hợp với trời mây sông nước.

Tín ngưỡng ở chùa

Hàn Sơn tự không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không tôn thần, đây là vị “Thần có phép thuật dời núi, chuyển nước, rút đất. 

Chùa Hàn Sơn còn thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương, có thần tích: “Thần là Hoàng Hậu và các Công Chúa triều Nam Tống, khi bị người Nguyên vào chiếm Trung Nguyên, phải lên thuyền chạy ra biển, bị bức bách phải nhảy xuống sông tự vẫn, rồi xác trôi dạt đến cửa biển Càn Hải – Diễn Châu – Nghệ An, có nhiều hiển ứng linh nghiệm lớn, nhân dân lập đền thờ. Các triều vua Lê đem quân đi đánh giặc được thần phù trợ cho thành công, vì thế được phong là: “Nam Hải Phúc Thần”, duệ hiệu là Tứ vị Thánh Nương. Các triều đại đều có phong tặng”

Cấu trúc

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh … chùa Hàn Sơn bị phá hết, những năm gần đây, chùa mới được xây dựng lại vào năm Mậu Dần (1998), gồm có các hạng mục sau: cổng, sân, chùa chính, nhà mẫu, nhà thờ Đức Thánh Trần, điện thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, tháp…

  • Cổng: quay hướng đông nhìn ra sông Hoạt. Hai bên cổng chùa được trồng hai cây si, tuy tuổi chưa nhiều nhưng bóng đã tỏa ra che mát cho khu vực cổng chùa, tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, thanh tịnh khi vào viếng chùa.
  • Chùa Chính là ngôi nhà ba gian gồm tiền đường và hậu cung, được kết cấu hình chữ Đinh (J). Chùa chính quay hướng nam, mỗi gian có một cửa ra vào, tạo cho ngôi nhà thông thoáng và thuận tiện cho khi cúng tế. Hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ, theo lối truyền thống của người Việt, mái được lợp bằng ngói mũi.

Hệ thống thờ tự ở Hậu cung: được bài trí các tượng Phật thành 5 lớp theo thứ tự từ trên xuống dưới.

  • Lớp thứ nhất: Là ba pho tượng Tam Thế, ba vị ngồi ngang nhau ở vị trí cao nhất gần sát vách thượng điện, đại diện cho ba thời: Quá khứ; Hiện tại và Tương lai.
  • Lớp bàn thứ hai: Là pho tượng A Di Đà, ngồi trong tư thế tọa thiền trên tòa sen. Ở hai bên tượng A Di Đà là hai pho tượng Bồ Tát đứng và có kích cỡ nhỏ hơn, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát, bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Đó là hai vị thị giả giúp việc cứu thế cho Phật A Di Đà nên được tạc đứng chầu bên cạnh A Di Đà.
  • Lớp thứ ba: là bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
  • Lớp thứ tư: Là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh).
  • Lớp thứ năm: Là bát hương và hai lộc bình hai bên

Bên trái chùa chính là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đây là một gian nhà quay hướng nam giống như hướng của chùa chính. Trên ban thờ có tượng Đức Thánh Trần, có một cái đỉnh đồng cổ, kẻng đồng cổ, ba đài nước bằng đồng cổ, một chiếc độc bình cổ và kiếm thờ.

Phía sau, chếch về phía trái là điện thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, là một gian nhà hướng đông, nhìn ra sông, sau lưng tựa vào thế núi. Trước mặt nhìn về nguồn nước, nơi khởi thủy của cuộc sống con người, mong muốn dân làng làm ăn phát đạt như nước thủy triều lên. Sau lưng tựa vào thế núi vững chãi, cầu mong dân làng có được cuộc sống an lành, sung túc.

Như vậy, chùa Hàn Sơn là ngôi chùa thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Thánh Trần. Đây là một ngôi chùa mang nét đặc trưng của những ngôi chùa Bắc Bộ, các dòng tín ngưỡng đan xen với nhau, bổ trợ cho nhau, trong đó Đức Phật được thờ chủ đạo và khi xây dựng chùa đầu tiên để thờ Phật, còn các hình thức thờ tự khác người ta mới đưa vào phối thờ sau này. Và trong khuôn viên chùa, các hạng mục công trình thờ tự được xây dựng, bài trí theo lối “Tiền Phật hậu thánh” và trong đó nhà thờ Phật được xây dựng quy mô lớn nhất, ở vị trí trung tâm của chùa. 

Trải qua thời gian dài tồn tại, một số hiện vật tại di tích đã bị mất mát và hư hỏng. Tuy nhiên, nhân dân địa phương đã bảo vệ và gìn giữ được tương đối các hiện vật cổ của chùa và từng bước bổ sung thêm một số đồ thờ cần thiết vào trong chùa.

Hiện nay, chùa Hàn Sơn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý rất có giá trị như: độc bình bằng sứ cổ; đỉnh đồng; các đài nước đồng; kẻng đồng; Thánh vị và bia đá, ngoài ra còn một số đá kê chân tảng. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa rất có giá trị về nghiên cứu lịch sử văn hóa, đặc biệt là vị trí địa lý quan trọng, nơi có sơn thủy hữu tình nổi tiếng đã đi vào thi ca, vì thế nó có giá trị rất lớn về tiềm năng phát triển du lịch…

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016 

 

3/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Chua-Han-Son-Thanh-Hoa (5)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *