Lịch sử
Chùa Hoà Liễu, tên chữ là Thiên Phúc tự, được xây dựng ở giữa cánh đồng làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, trên nền cao khoảng 50cm so với vườn đất xung quanh. Chùa Hòa Liễu nằm cạch đầm Cửa Phủ xưa. Chùa Hòa Liễu bố cục hình chữ Đinh, gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Hậu cung xây kiểu chồng liềm hai tầng mái, mái lợp ngói mũi hài. Trong vườn chùa có hai ngôi tháp tổ cao 2 tầng và 3 tầng trông như đài nghiên vươn thẳng lên trời xanh.
Kiến trúc
Chùa Hòa Liễu giống như bảo tàng điêu khắc tượng tròn thời Mạc thu nhỏ. Phật điện là nơi tọa lạc của bộ lượng Tam Thế, tên gọi đầy đủ là Thường Trụ Tam Thế Diệu Pháp Thân, thể hiện ngồi trên tòa sen trong thế nhập thiền, chân khoanh lại “bán kiết già”, hai tay đặt trên lòng đùi, bàn tay ngửa chồng lên nhau ở thế định ấn. Tượng to gần bằng người thực. Nét đẹp của tượng, trước hết là sự nhấn mạnh ngôn ngữ khối hình. Các khối lồi lõm đối nhau, dùng một số mảng chìm tôn lên các mảng nổi chủ đạo. Trên tổng thể đài sen được làm gần như vuông để nhấn độ chắc khỏe của khối tạo hình. Tượng phát triển bề ngang với bộ ngực nở nang, cặp vú căng nhô ra đây sức sống. Thân thon dần gần như “thắt đáy lưng ong”.
Mặt ngắn và bầu bĩnh, mũi to ngang, cánh bè, cổ thấp, chỏm tóc nhô cao hình tháp tròn, trông rõ “vô kiến đỉnh tướng”. Với lối tạo hình thoải mái, không câu nệ, không gò bó, sôi nổi mà tươi tắn, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã xếp bộ tượng này vào niên đại thế kỷ XVI (thời Mạc). Cùng niên đại với tượng các thân vương, tượng Quán Âm Tọa Sơn, phù điêu Hoàng Thái Hậu, tượng sấu đá, bia “Thiên phúc tự tu tạo”…
Tượng “Vương” được thể hiện như một số pho cùng loại ở các chùa quanh vùng như Trà Phương, Đại Trà, Phúc Hải và Nhân Trai. Tượng ngồi trên ngai rồng, đầu đội mũ bình thiên, mặt trái xoan thon thả, trẻ trung, hiền từ mà thông minh. Nét tài hoa dường như được tập trung vào thể hiện chân dung và nêu bật thần thái.Tượng Quán Âm Tọa Sơn mang dáng dấp một phụ nữ trung niên, gương mặt phúc hậu, khoác áo cà sa. Tượng ngồi trên hòn “giả sơn” được làm liền khối, chân co, chân duỗi rất thoải mái, tự nhiên; miệng thoáng cười cảm thông, cứu độ.Phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được chạm nổi trong lòng bia. Chân bia là đài sen hình chữ nhật kép gồm 3 lớp cánh ngửa và 2 lớp cánh úp được đặt trên cột đá nhô lên từ giếng sâu.
Tượng Người hưng công được làm theo phong cách của tượng các ông tổ nghề. Tượng ngồi trên bệ đá, một chân khoanh lại, chân kia chống xuống mặt bệ trông rất nhàn tản. Đầu đội mũ “thanh cát” hình trụ tròn, đỉnh phẳng, vành thun lại bó sát đầu. Mặt vuông chữ điền, mắt sáng, mũi thẳng thanh tú, trán cao rộng, tai to, miệng thoáng cười khoáng đạt. Nét mặt trẻ trung, thân thể cường tráng, thần thái lộ rõ vẻ viên mãn.
Tấm bia đá đứng trên lưng rùa là một tài liệu văn tự quý, một tác phẩm nghệ thuật đẹp. Trên văn bia, dòng lạc khoản chỉ dẫn: “Quang Bảo năm cuối, tứ nguyệt thập bát nhật tạo thạch bi”, nghĩa là bia được dựng ngày 18 tháng 4 năm 1561, đời Mạc Phúc Nguyên. Bia được làm bằng đá xanh, đặt trên rùa đá lớn. Bia hình hộp chữ nhật dẹt, 2 mặt khắc chữ Hán.
Chiều cao khoảng l,8m; chiều rộng khoảng 0,9m và dày khoảng 0,15m. Trán bia hình cong cánh cung, chạm lưỡng long chầu nguyệt, mặt nguyệt tròn, xung quanh có các tua mây mảnh bay thẳng ngang. Rồng có thân ngắn, đầu to, sống lưng có làn vây răng cưa không đều nhau, miệng há rộng. Một mặt bia khắc tên các ông hoàng bà chúa, thân vương triều Mạc như Thái Hoàng Thái hậu họ Vũ, Khiêm Vương Mạc Kính Điển, Hoàng Hậu họ Phạm, Đoàn Quận Công… Mặt bia kia ghi “tín thí điền”, gồm tên các vị tín chủ cúng dâng ruộng Tam Bảo.
Thành tựu
Văn bia cho biết chùa Hòa Liễu có tới 25 mẫu 8 sào, 2 thước. Cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1993.