Vị trí và giá trị lịch sử
Chùa Hồi Long ở xã Lương Hà, tổng Ngọc Chuế (nay là 2 xã Hoằng Tiến và Hoằng Thanh) huyện Hoằng Hóa. Là một trong số những ngôi chùa lớn nổi tiếng được xây dựng vào thời Lý ở Thanh Hóa.
Trước năm 1945, đây là nơi thường xuyên lui tới, hội họp của các cán bộ tiền khởi nghĩa. Đồng chí Tố Hữu đã về đây cùng với ông Lê Quang Trường và một số đồng chí khác là cán bộ tại địa phương gây dựng cơ sở cách mạng, các ông đã lấy chùa Hồi Long làm đầu mối liên lạc hoạt động cách mạng. Những lớp học về chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về cách mạng Tháng Mười Nga cũng được tổ chức nhiều đêm ở chùa này. Năm 1946, đồng chí Lê Tất Đắc trở về thăm lại nơi hoạt động cũ cùng đi còn có Vua thoái vị Bảo Đại.
Dãi dầm qua năm tháng và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa không có người trông coi, không có điều kiện tu sửa nên đã xuống cấp và hư hỏng nặng.
Đầu thế kỷ XX, thực hiện chủ trương phân chia lại địa giới hành chính, xã Lương Hà xưa được chia làm tách về 2 xã Hoằng Tiến và Hoằng Thanh. Đất cũ của chùa cũng vì thế mà ngày nay thuộc quản lí của 2 xã khác nhau – Chùa Hồi Long cũ thuộc về thôn Phong Lan, xã Hoằng Tiến, một phần diện tích đất phía trước chùa thuộc về xã Hoằng Thanh.
1. Chùa Hồi Long (xã Hoằng Tiến)
Đến năm 1986, nhờ sự hằng tâm, hằng sản của thập phương tín thí, nhân dân trong làng đã phục dựng lại ngôi cổ tự, với ý nguyện xây dựng lại nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, đem giáo lý tốt đẹp của Phật đến cho mọi người.
Chùa Hồi Long ngày nay tuy đơn sơ, nhưng không gian thờ cúng vẫn hết sức trang nghiêm và theo quy cũ Phật giáo. Chùa chia làm 3 công trình chính:
– Tam bảo Phật, chia làm 3 phần: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung.
– Nhà Mẫu, ở ngôi cao nhất là tượng Ngọc Hoàng có niên đại thời Lê cao khoảng 80cm, khi chùa bị phá, tượng được một người dân trong xã đem về thờ tại nhà, sau này gia đình đã trao trả hiện vật lại cho chùa.
– Nhà Tổ, bài trí thờ Tổ Tây và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặc dù bị bào mòn bởi thời gian cũng như sự tàn phá của chiến tranh nhưng chùa Hồi vẫn giữ được lại những vết tích của kiến trúc xưa như hình tượng 4 con Nghê trên 4 nóc mái chầu vào nhau cũng đủ cho ta thấy sự tinh xảo trong kiến trúc và độ bền đẹp trong chất liệu xây dựng. Chính giữa cổng là bức đại tự khắc 3 chữ “Phúc thiện môn”, cổng Tam quan nay chỉ còn lại cổng Nhất quan nhưng dấu vết cổng phụ 2 bên còn lại khá rõ ràng cho phép chúng ta có thể hình dung ra một Tam quan trước kia uy nghi, đồ sộ đến dường nào.
Chùa Hồi Long cũ hiện nay đang được các cụ trong Hội người cao tuổi thôn Phong Lan thay nhau trông coi đèn nhang hương khói. Vì không có sư trụ trì nên các hoạt động Phật sự chưa được diễn ra một cách thường xuyên. Công tác trùng tu tôn tạo đang gặp nhiều khó khăn rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cấp lãnh đạo Giáo hội cũng như sự hằng tâm của thập phương tín thí.
2. Chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh)
Sau khi chia tách lại đơn vị hành chính, một phần đất chùa thuộc về xã Hoằng Thanh. Khu đất xưa là khuôn viên vườn chùa được trưng dụng để làm nghĩa trang cho Công giáo và xã Hoằng Thanh. Đến năm 1996, Hội người cao tuổi xã Hoằng Thanh đã làm tờ trình lên UBND huyện Hoằng Hóa, xin được phục dựng lại ngôi cổ tự. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, ngày 29/07/1996, UBND huyện Hoằng Hóa đã phê duyệt cho phép phục dựng lại chùa trên phần đất của chùa Hồi Long cũ. Năm 1998, ngôi chùa nhỏ được được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân địa phương.
Dự án xây dựng chùa Hồi Long được thực hiện làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2009 đến năm 2015, gồm xây dựng và hoàn thành ngôi Tam Bảo, lầu chuông, nhà khách phía tây, khu Nội tự, hệ thống giao thông, hệ thống kỹ thuật liên quan.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2015 đến năm 2025, hoàn thành ngôi nhà thờ Mẫu, thư viện phía đông, đồng thời xây dựng lầu trống, nhà thờ Tổ, nhà Tứ ân, giảng đường cho Phật tử tu tập, cổng Tam quan, các hạng mục phụ trợ và hệ thống giao thông còn lại.
- Giai đoạn thứ 3: từ 2025 – 2035, xây dựng trung tâm từ thiện, phòng khám nhân đạo và trung tâm dưỡng lão.
Hiện nay, sau 5 năm thực hiện việc xây dựng giai đoạn I. Bằng tấm lòng hảo tâm công đức của chư Tăng Ni và bà con Phật tử khắp mọi nơi, sức của, chùa Hồi Long mới đã và đang được khẩn trương hoàn thành một số hạng mục công trình chính.
Khu tâm linh với trung tâm là ngôi Đại Hùng bảo điện đã được hoàn thành, được thiết kế theo kiểu chữ Công và được chia thành 3 phần: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung.
- Tiền đường gồm 5 gian và 2 chái. Bên phải là tượng thờ Đức Thánh Hiền, bên trái là tượng thờ Đức Chúa Ông, ở gian hồi bên phải là tượng thờ Phật A Di Đà.
- Trung đường gồm 3 gian nối thông với Hậu cung
- Hậu cung gồm 3 gian dọc được bài trí thờ theo 4 cấp: cấp thứ nhất là bộ tượng Tam Thế Phật; cấp thứ 2 là bộ tượng Tây phương tam thánh; cấp thứ 3 là bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh; cấp dưới cùng bài trí 7 pho Thích Ca cỡ nhỏ và là nơi dâng lễ.
Trong tương lai gần, Khu Từ thiện sẽ được xây dựng nhằm với mục đích đây sẽ là nơi dành cho các hoạt động từ thiện nhân đạo tại chỗ như: Phòng khám chữa bệnh từ thiện, nuôi dưỡng trẻ mồ côi – trẻ khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, khu sản xuất hỗ trợ cho những người không có việc làm trong khu vực.
Trong tương lai, chùa Hồi Long không chỉ là một trung tâm Phật giáo của 8 xã ven biển Hoằng Hóa mà chùa cũng sẽ là một điểm du lịch vệ tinh lí tưởng bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa khác.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016