Chùa Hưng Long (Hưng Long Tự – Thanh Trì, Hà Nội)

Chùa Hưng Long (Hưng Long Tự – Thanh Trì, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Tên chữ của chùa là Long Hưng Tự. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chùa còn có các tên gọi khác như chùa Hưng Hoá, chùa Nhót, chùa Phù Liệt, chùa Đông Phù. 

Lược sử

Chùa Hưng Long được khởi dựng năm 1011 do chính vua Lý Thái Tổ ban chiếu và cấp tiền xây dựng. Chùa từng là nơi tu hành của công chúa Từ Thục và Từ Huy, con vua Lý Thánh Tông (1054 -1072). Hai bà là người đã cấp ruộng đất và truyền nghề phụ cho 9 làng trong khu vực Thanh Trì, được nhân dân trong vùng biết ơn và ca tụng. Do không nghe lời vua cha về cung gả chồng, một lòng quy y cửa Phật, nhà vua tức giận đã cho đốt ngôi chùa. Nhân dân đón hai bà về làng Tự Khoát và dựng lại am thờ tại núi Trúc (sau này đã mở rộng thành chùa Tự Khoát). 

Trong giai đoạn kháng chiến cứu quốc, chùa cũng là địa bàn hoạt động, cất giữ nhiều tài liệu bí mật, truyền đơn và vũ khí cách mạng. Năm 1929, cán bộ cách mạng đã họp tại chùa để thành lập chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí.

Trụ trì tại chùa

Trụ trì chùa hiện tại là sư thầy Thích Minh Tiến.

Kiến trúc

Trước khi bước vào tam quan, du khách phải đi qua một con đường cổ gọi là đường Thông. Tam quan chùa rộng như một cổng thành, được xây dựng theo kiểu vòm cuốn – một hình thức kiến trúc chỉ xuất hiện ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX. 

Sân trước chùa rộng rãi, được lát đá phẳng phiu; hai bên sân có tượng Phật A Di Đà và tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, ngoài hiên đặt hai tấm bia đá. Chùa chính được ngăn cách với sân tiền đường và sân chùa trong bởi những bức tường có cửa ngách.

Đường vào chùa trong khá dài và cũng được lát đá. Bên trái là các gian thượng điện và hậu cung. Bên phải là dãy nhà tăng, nhà khách, còn Tổ đường thì ở cuối sân hậu. Các công trình thờ tự xây trên nền chùa cũ theo kiểu “nội Công ngoại Quốc, tiền Phật hậu Thánh”.

Lễ hội

Hàng năm, chùa tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn và ngưỡng mộ đạo đức của hai vị công chúa mà nhân dân tôn kính  là “Nhị vị Bồ Tát”. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 14,15,16 tháng 03 âm lịch. Đây không chỉ là lễ hội của riêng làng Đông Phù mà còn được tổ chức ở 9 làng khác trong huyện Thanh Trì, nơi hai bà đã đến triệu tập nhân dân khai hoang và truyền nghề phụ. 

Sự kiện – Thành tựu

  • Chùa Hưng Long đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990 và UBND Thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử Cách mạng năm 2004.
  • Năm 2010, UBND Thành phố Hà Nội đã gắn biển chùa Hưng Long là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tham khảo

  • Chùa làng Đông Phù (Đông Mỹ – Thanh Trì), http://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/ThangLongHN/Lists/Posts/Post.aspx?ID=58
  • Ngôi chùa nghìn tuổi in dấu hoạt động cách mạng của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngoi-chua-nghin-tuoi-in-dau-hoat-dong-cach-mang-cua-nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-20181006175154286.htm
  • Chùa Hưng Long, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C6%B0ng_Long
  • Chùa Hưng Long (Đông Mỹ), https://360.hncity.org/spip.php?article149
  • CHÙA ĐÔNG PHÙ, NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN Ở NGOẠI THÀNH HÀ NỘI 01/02/2016, https://thanhtri.hanoi.gov.vn/kinh-te/-/view_content/1312719-chua-dong-phu-noi-thanh-lap-chi-bo-dang-dau-tien-o-ngoai-thanh-ha-noi-01-02-2016.html

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Hunglongtu

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)