Quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, Mỹ Đức – Hà Nội)

Quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, Mỹ Đức – Hà Nội)

Lịch sử

Quần thể thắng cảnh Chùa Hương bao gồm 18 đền chùa hang động nằm rải rác ở thôn Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá Và Phú Yên thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hệ thống chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực này dựa theo những ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, tổng diện tích khoảng 6km2. Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn 2000 năm và đã được đặt tên Hương Sơn.

Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất chùa Thiên Trù và ở đây lần lượt đã có 3 vị Hòa thượng đến đây trác tích khai sơn. Đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1687), khi Hòa Thượng Trần Đạo Viên Quang treo ấn từ quan, xuất gia đầu phật về đây hóa đạo thì động Hương Tích mới được đưa vào phụng sự (thờ Phật), chùa Thiên Trù từ đó được khai sơn thành hệ thống chùa Trong (Hương Tích) và chùa Ngoài (Thiên Trù). Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Cho đến đầu thế kỷ XX, trong khu vực đã có hơn 100 ngôi chùa.

Vị trí

Chùa Hương là tên thường gọi, tên gọi tắt của chùa là Hương Sơn. Chùa thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Hòa xưa, nay thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Giữa sông núi là cả một khe, nối suối ngầm (Suối Tuyết, Suối Yến) dẫn nước qua lại cung cấp cho Thung Dâu, Thung Mơ,…Động Hương Tích còn gọi là động Hương Sơn, ở địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiếp giáp tỉnh Hà Nam.

“Đường vào Hương Tích lượn quanh,
Nước non gấm dệt, màu xanh phủ màn.
Người niệm Phật, khách tham quan.
Suối thanh tịnh, rửa nhẹ nhàng trần duyên.”

Trụ Trì

Vào đời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), có 3 vị hòa thượng tích trượng đến đây tu hành. Tên tuổi các ngài là ai cũng không nhớ rõ. Di tích các ngài để lại là hai ngôi mộ cổ bằng đá xanh, được đục đẽo thô sơ trong vườn tháp Thiên Trù.

Năm 1687 – niên hiệu Chính Hòa mới có hòa thượng Trần Đạo Viên Quang ở Ty Tăng Lục chống thiền trượng tới đây mới lập cảnh Phật ở Hương Sơn. Tiếp theo là các vị hòa thượng Viên Quang trụ trì 20 năm, đại sư Thông Lâm thuộc dòng Thiền Tế, hòa thượng Thanh Quyết, Thanh Hữu,…

  • Hòa thượng Thích Thanh Tích (sinh năm 1881 – mất năm 1964)
  • Hòa thượng Thích Thanh Chân (sinh năm 1905 – mất năm 1989)
  • Hòa thượng Thích Thanh Lai (sinh năm 1903 – mất năm 1977)
  • Hòa thượng Thích Viên Thành (sinh năm 1950 – mất năm 2002)
  • Hòa thượng Thích Minh Hiền 

Kiến trúc

Quần thể thắng cảnh chùa Hương gồm 18 đền chùa hang động, các chùa, động được phát hiện và xây dựng vào thế kỷ XVIII và XIX, 18 điểm được chia thành 4 khu vực sau:

  • Khu Hương Thiên có 8 di tích là động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng, động Đại Binh.
  • Khu Thanh Hương gồm chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.
  • Khu Long Vân gồm 4 điểm chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế, hang Thánh Hóa
  • Khu Tuyết Sơn gồm 4 di tích: chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì, đền Trình Phú Yên.

Động hương tích

Động được phát hiện vào thế kỷ XI và đưa vào thờ Phật năm 1678. Truyền rằng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm công chúa Diệu Thiện, con vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm và thành đạo quả ở động này nên đặt tên là Hương Tích. Ở đây có pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời kỳ Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô. Đây là điểm chính của thắng cảnh gọi là Chùa Chính. Cổng Động nhìn xuống Thung Châu có một quả núi tròn xinh. Quả núi giống như viên Minh Châu trước cửa miệng con rồng động Hương. Cổng chùa bằng đá làm từ năm Bính Dần (1914) đến năm Đinh Mão (1918). Người ta nói động Hương là cái hàm của một con rồng mà đuôi ở tận Ái Nàng – Hang Nước (xã An Phú). 

Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá. Vách trước động có 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” khắc năm 1770 đời chúa Trịnh Sâm. Vào động bắt gặp vẻ đẹp của những nhũ đá, trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, du khách dễ dàng nhìn thấy khi bước vào động. Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén,… Toàn những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long. Ngoài những công trình điêu khắc thiên nhiên là những nhũ đá, trong động còn có những công trình điêu khắc nhân tạo. Đáng chú ý là chiếc án thờ bằng đá to, ở bốn góc có chạm hình người cởi trần đóng khố, giơ tay như đỡ cả cái bệ lên. Bệ đá của hai người cung tần nhà Trịnh tiến cúng vào chùa. 

Chùa thiên trù

Được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận thứ 8 đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686), Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang tái thiết đến 1942 thì toàn bộ công trình hoàn chỉnh trở thành một lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất nam thiên.” Trong kháng chiến chống Pháp chùa bị tàn phá 3 lần vào những năm 1947, 1948 và 1950.

Xin giới thiệu qua tên gọi mấy quả núi quanh Thiên Trù. Nếu chỉ kể đến ba phiến đá đầu gần nhau nhất nhì – nhìn từ ngoài vào – ta thấy hai núi Phụ Mã hai bên, núi Sau Chùa ở đằng sau. Nhìn rộng ra chút là núi Ông Chây, trên lối đi vào Hinh Bồng là núi Lão. Sau đó là núi Cổ Bồng. Núi quanh Thiên Trù sàn sàn nhau, ngọn cao nhất không quá 378m. Chùa Thiên Trù cũ được xây dựng trên một diện tích hình chữ nhật chạy dài suốt từ chỗ sàn dốc cho đến bức tường ngăn khoảng giữa đất bằng và nứt sau chùa. Kiểu kiến trúc đó là Năm cửa ba bậc (Ngũ môn, tam cấp). Trông ra sân dốc là một cái cổng hai tầng, tầng dưới có năm cửa uốn cong, tầng trên có những lầu nhỏ, nhiều mái. Phía trên cửa giữa có ba chữ Nam Thiên Môn. Qua cổng đến sân. Hai bên là hai dãy nhà bán hàng trong ngày hội.

Tòa Tam bảo ở chùa Thiên Trù có nhiều tượng như các chùa khác, nhưng đặc biệt có ba pho tượng lớn. Ấy là pho tượng A Di Đà ngồi tòa sen ở chính giữa, phía trong, cao chừng bốn mét (kể cả tòa sen) bằng gỗ rỗng lòng, bên trong có những tấm ván đủ cho bốn người nằm. Hai bên tượng A Di Đà là hai pho tượng đứng, mỗi pho tượng cao chừng ba mét. Tam bảo có trần bằng gỗ cuốn sơn son. Trần sơn son, tượng kim thân, vàng son lộng lẫy.

Trong chùa Thiên Trù, về hiện vật lịch sử, phải kể đến quả chuông đúc vào thời Tây Sơn – Cảnh Thịnh năm thứ hai (1793) – mà bài minh có nói đến chiếc trống đồng. Quả chuông này trước treo trong động Hương Tích, sau mới đưa ra chùa Thiên Trù. 

Hiện nay cảnh cũ Thiên Trù – nói riêng về phần nhân tạo – cũng còn lưu lại những mảng đẹp: vườn tháp những cây tháp cổ và mới. Riêng tháp Viên Công có kiểu cách đặc biệt. Tháp Thiên Thủy (nước Trời) đặt chỗ nước nguồn trên núi tuôn xuống dồi dào, suối Điện là một bể nước thiên nhiên có tay người gia công, vơi rồi lại đầy, nhà bia trong, những cây cổ thụ…

Đền Trình – Ngũ Nhạc

Trước khi vào chùa Trong, du khách phải đi qua đền Trình. Đây được coi là nơi trình với thần linh trước khi bước chân vào cõi Phật. Đây là nơi thờ Bà chúa Thượng Ngàn – người cai quản rừng xanh.

Đền trình có quy mô không to nhưng cân xứng với tầm vóc của năm quả núi (Ngũ Nhạc) làm nền xanh cho ngôi đền. Ngày trước, ngoài cửa, ngoài sân đền Trình có voi đá, tượng đá và hai cột đèn lồng cũng bằng đá chạm khắc rất đẹp, đã bị đại bác giặc Pháp bắn nát.

Chùa Giải Oan

Chùa nằm trên sườn núi phía trái đường đi Hương Tích do sư tổ Thông Dụng khai sáng vào thời Lê Thuần Tông năm 1735. Đến năm 1928 đại sư Thanh Tích tôn tạo lại theo thế ỷ Bích Sơn. Năm 1995 Ban xây dựng trùng tu quanh chùa có am Phật Tích, động Tuyết Kinh, am Từ Vân, giếng Thiên Nhiên Thanh Trì. Chùa nằm lưng chừng núi, xây thấp và dài, có ba cửa uốn cong, tường quét vôi trắng. Trên cửa chùa có bốn chữ nho cỡ lớn: Giải Oan khê tự. Trước cửa chùa, những cây đại già tua rủa chỉa những lộc nhung. 

Chuyện Giải Oan là dựa vào mấy câu Phật thoại. Các cụ kể rằng: Phật Tổ Thích Ca, khi tu đã thành đạo, nghĩ gì được nấy, Phật muốn tắm gội nhưng núi khô không có một giọt nước. Phật nghĩ đến cái giếng, bỗng giếng đó hiện ra. Đó là giếng Giải Oan tẩy rửa bụi trần. Tắm xong, Phật ngồi nhập định (yên lặng, tĩnh tâm). Gần chùa Giải Oan, có động Tuyết Quỳnh. Từ chùa Giải Oan, đi nửa quãng đường nữa đến đền Trấn Song. Đền có tên gọi là Cửa Võng. 

Chùa Tiên, Núi Tiên

Chùa có từ trước thời Lê Trịnh năm 1770. Năm 1907 tạc 3 pho tượng đá trắng, năm 1911 tạc thêm 2 pho tượng, năm 1994 ban xây dựng phục chế và tôn tạo tổ đường bảo điện và tả hữu vu trong động thờ Phật và thân quyến đức Chúa Ba dựa theo truyện Phật Bà chùa Hương.

Núi Tiên sát vách Thiên Trù. Lên hết dốc, qua cổng tam quan, đứng tựa vào lan can lối vào động Tiên, ngó thấy toàn cảnh Thiên Trù. Động Tiên vốn được mở mang từ rất lâu, nhưng do một biến động thiên nhiên, bị vùi lấp đi. Rồi tình cờ người ta lại tìm thấy và mở mang. Công trình chùa Tiên đã bị giặc Pháp tàn phá một phần quan trọng. Khách vào cửa động bằng hai cửa hẹp nhưng cao, ở hai bên, đối nhau như hai vế câu đối.  Từ chùa Tiên sang hang Trú Quân cũng gần, đường đi cũng tiện.

Đền Cửa Võng

Còn gọi là đền Trấn Song Vân Song do đại sư Thanh Tích khai sáng vào năm 1908 ở thế giá mắc võng, cửa sơn xuyên trước mặt có dãy núi rồng chầu mặt nguyệt. Năm 1993 và 1995 Ban xây dựng trùng tu lại và mở rộng sân đền, nơi đây thờ bà chúa Thượng Ngàn. Đền này là nơi ở của tiên nữ. 

Chùa Hinh Bồng

Năm Nhâm Thân 1932 Hội thiện thôn Yến Vĩ khai sơn một tòa động nhỏ trên núi cao ở thung lũng Cây Gạo gọi là động Hinh Bồng, năm sau tạc tượng Phật bằng đá trắng để phụng sự. Năm Giáp Tuất 1034 thỉnh ni sư Đàm Tuyết về trụ trì. Ngày 18 tháng 7 năm 1993, xây thêm chùa Bồng Doanh ở bên cạnh để duy trì khu thánh tích.

Động Đại Binh (hang “trú quân”)

Còn gọi là Thần Binh, được khai sáng vào năm 1919 do ông Nguyễn Văn Bạo chủ trương. Năm 1993 cư sĩ viết đơn cúng cho nhà chùa và sát nhập vào di tích của thắng cảnh Hương Sơn. Động này vốn có từ rất lâu do thủ lĩnh nghĩa quân Đinh Công Tráng khởi nghĩa chống Pháp, sau khi bị vây hãm và tuẫn tiết ở hang này, ông đã khắc hai chữ Đại Binh lên cửa động để ghi dấu.

Đi vòng theo chân núi Phụ Mã, đến một cái vực gọi là vực Ông Oanh thì rẽ lau vạch cỏ trèo lên núi. Cửa hang bị cây cối che phía trước, lại bị những tảng đá lớn lấp đi gần kín, chỉ để hở một chỗ như cái cửa tò vò. Nhưng càng vào trong, thấy rộng thênh thang, đủ chỗ cho vài tiểu đoàn. Hang chia thành nhiều tầng, nhiều ngách, những con dơi lớn bám đen đặc trên nóc hang. Trong hang, nhũ đá làm thành những cột, những rèm, những màn ngăn như thêu như dệt. Nhũ đá buông những dải lụa thiết tha, bằng đá mỏng tang, chỉ khẽ bẻ là gãy. Soi lên nóc hang thấy như một trần nhà vẽ mây. Từ hang ra, có thể đi bằng đường khác, không theo lối cũ. Du khách xuống thấy một cái thung nhỏ gọi là thung Mả Mê, theo con đường gần chùa Tiên, quay về chùa Thiên Trù. 

Các tuyến tham quan chùa Hương

Quần thể Hương Sơn hình thành ba tuyến chính: 

  • Tuyến Hương Tích: gồm có Suối Yến, đền Trình, cầu Hội, chùa Thanh Sơn, Hương Đài, Thiên Trù, Hinh Bồng, chùa Tiên, Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích.
  • Tuyến Long Vân: gồm có động và chùa Long Vân, động Tiên, động Người Xưa, chùa Cây Khế, Hinh Bồng Tự
  • Tuyến chùa Tuyết: gồm có đền Trình Phú Yên, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả, Bảo Đài, đền Mẫu, đền Thượng, động Ngọc Long,…

Hiện vật

Một trong những cổ vật ghi niên đại sớm nhất ở Hương Sơn là quả chuông đồng có tên “Bảo Đài Hương Tích Sơn Hồng Chung”, chuông cao 1,24m, đường kính đáy 0,63m, thân chuông có 8 núm. Quả chuông có niên đại Cảnh Hưng 27 tức năm 1766. Một quả chuông khác nhỏ hơn, đúc thời Tây Sơn (1793) treo ở nhà tổ chùa Thiên Trù.

Cổ vật bằng đá ở chùa Hương cũng khá nhiều. Điển hình là bia đá, bia dẹt, bia tứ trụ, lục trụ, bia mài khắc trên đá. Trong đó bia có niên đại sớm nhất là bia “Thiên Trù tự bi ký”, bia có niên đại Chính Hòa thứ 7 (1688).

Một kiến trúc cổ nhất còn là toàn “Viên Công Bảo Tháp” gần suối Điện trong khu vực chùa Ngoài (chùa Thiên Trù). Tháp này được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi lưu giữ xá lợi của tổ Viên Quang. Tháp Viên Công xây bằng gạch tốt, màu đỏ hồng, để lộ thiên, mạch miết đều chứng tỏ kỹ thuật xây tháp rất tinh xảo. Tháp Viên Công là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đặc sắc ở thời Hậu Lê. 

Giá trị nhất về mặt điêu khắc, không những trong động Hương Tích, kể cả toàn bộ chùa chiền ở Hương Sơn, là pho tượng Phật Bà Quán Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng đá Quán Âm tọa sơn là một trong 32 thị hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tượng có dáng người thon thả, mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ Tì Lư nhưng lại có búi tóc, tóc mai, sau lưng cũng có hai món tóc buông xuống tà áo mềm mại. Chân trái để trần, đặt lên bông sen nở, chân phải co lên, hai chân co duỗi thật thoải mái. Tay trái cầm một viên minh châu. Bên cạnh bông hoa sen dưới chân, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay động.

Lễ hội

Hàng năm, cứ sau dịp Tết thượng nguyên rằm tháng giêng dân chúng lại nhắc nhau sắm sửa đi trẩy hội chùa Hương. Hội chùa Hương kéo dài chừng hai tháng, đến giữa tháng 3 âm lịch mới chấm dứt. Hội trải dài trên 3 tuyến chính:

  • Tuyến Hương Tích
  • Tuyến Tuyết Sơn
  • Tuyến Long Vân

Ban tổ chức lấy ngày mồng 6 tháng Giêng để khai hội. Ngày hội có lễ dâng hương tưởng nhớ vị tướng của vua Hùng do nhà chức trách địa phương đảm nhiệm. Dân Yến Vĩ tổ chức múa rồng ở sân đền Trình , bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến. Sau lễ mở cửa chùa, du khách trẩy hội trên ba tuyến đó đông dần, cao điểm nhất là ngày 18 tháng 2 âm lịch. Tương truyền là ngày khánh đản Đức Quan Thế Âm, là ngày sinh của Bà chúa Ba ở chùa Hương.

Tham khảo

  • Trích từ sách “Chùa Hương Tích cảnh quan và tín ngưỡng” – tác giả: Phạm Minh Hiếu, nhà xuất bản văn hóa thông tin
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Chua-Huong-1

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *