Chùa Khánh Hưng (Nông Cống, Thanh Hoá)

Chùa Khánh Hưng (Nông Cống, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Khánh Hưng thuộc làng Mỹ Phong, tổng Lai Triều, huyện Nông Cống xưa, nay là làng Thanh Bình, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Lược sử

Hiện nay, chưa có tài liệu nào ghi chép về sự ra đời của chùa Khánh Hưng cũng như tín ngưỡng thờ Phật của cộng đồng cư dân Ba Xã trước đây nhưng căn cứ vào sách Địa chí huyện Nông Cống, chùa Khánh Hưng là một ngôi chùa lớn, nhân dân gọi là chùa Ba Xã và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì chùa Khánh Hưng có từ xa xưa. Chùa có quy mô rộng lớn nhất của vùng đất Nông Cống xưa và diện tích đất đai khoảng 7ha, trên khuôn viên thoáng đãng là sự tọa lạc của ngôi chùa. Chùa Khánh Hưng là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo quan trọng của ba xã Đội Trượng, Đình Hương và Tràng Lộc.

Năm Bảo Đại thứ nhất (1925), chùa xây dựng lại 3 gian Hậu cung bằng gỗ, mái trước chồng diêm 2 tầng mái, mái sau một tầng mái, cầu phong, li tô bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương; các hiện vật còn sót lại gồm một số chân tảng, đầu rồng đá, chân căm lộng, đá bó hè v.v… là những chứng tích của sự tồn tại của ngôi chùa.

Đến năm 1947, được nhân dân địa phương trùng tu lại 3 gian Hậu cung và khôi phục lại 3 gian tiền đường bằng gỗ; các hiện vật còn lại gồm 3 pho tượng cổ bằng đất nung, 01 bát hương gốm cổ, mâm bồng, khay mịch cổ và một số hiện vật mới được mua sắm khác có giá trị. Khuôn viên của chùa hiện nay được xây tường rào bao bọc trên tổng diện tích đất là 736,1m2

Chùa Khánh Hưng là một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân 3 xã và Phật tử xa gần, góp phần vào sự phát triển của vốn văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa và lễ hội ở chùa. Hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng tại chùa Khánh Hưng, tổ chức lễ hội được diễn ra rất quy mô, hoành tráng. Nhân dân địa phương trong làng, xã và các bản hội đều đến thắp hương cầu cho mưa thuận, gió hòa, bình yên, làm ăn thịnh vượng.

Hiện nay, trong khuôn viên của chùa theo thứ tự từ ngoài vào gồm có các công trình: cổng – sân – nhà hậu cung – nhà sắp lễ. Đặc biệt ở chùa Khánh Hưng còn lưu giữ được 3 pho tượng cổ bằng đất nung. Đây là 3 pho tượng có kích thước nhỏ gần bằng nhau gồm: Tượng Di Đà tam tôn, tượng Quán Thế Âm, tượng Đại Thế Chí.

Nhìn chung, tất cả những hiện vật còn lưu giữ được ở chùa Khánh Hưng như tượng thờ, mâm bồng, bát hương, chân tảng cổ,…  đặc biệt là ba pho tượng cổ bằng đất nung đều là những hiện vật rất có giá trị cần phải được bảo vệ và gìn giữ lâu dài.

Di tích chùa Khánh Hưng, làng Thanh Bình, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống là một di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Qua di tích chúng ta hiểu thêm về một vùng đất có cư dân đến tụ cư lâu đời, đồng thời với tư cách là một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo ở vùng ba xã, chứng tỏ cư dân ở đây đã có một truyền thống tôn thờ đạo Phật cùng với truyền thống tín ngưỡng khác để tạo nên sự cố kết cộng đồng bền chặt qua những chặng đường lịch sử cho đến hôm nay.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)