Lịch sử hình thành
Chùa Khương Hạ còn gọi là chùa Khương Đình (tên chữ: Phụng Lộc tự), xưa chùa thuộc thôn Khương Hạ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, đến năm 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông), nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Theo các bậc cao niên truyền lại, chùa Khương Hạ được xây dựng từ thế kỷ XVII và đã qua nhiều lần sửa chữa lớn.
Chùa Khương Hạ thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội là một công trình kiến trúc Phật giáo được dựng từ thời Lê Trung Hưng, đến nay đã trải qua 4 thế kỷ. Chùa đã được nhiều thế hệ người dân phường Khương Hạ xây dựng, giữ gìn, tu bổ và trở thành một địa chỉ văn hóa – du lịch của Hà Nội ngày nay.
Chùa Khương Hạ hiện nay có hai cổng, cổng chính quay hướng nam, có địa chỉ 67 phố Khương Hạ, một cổng quay hướng Tây, thuộc tổ 61 phố Khương Hạ. Chùa cách đình Khương Hạ khoảng 200 mét, cách Ngã Tư Sở khoảng 2km về phía đông – nam.
Kiến trúc
Đến với không gian kiến trúc của chùa, du khách không chỉ được đám mình trong thế giới tâm linh mà còn được hoà mình vào nền kiến trúc vô cùng độc đáo, với những nét đẹp riêng biệt mà không nơi đâu có được.
Trước tiên là tam quan của chùa quay hướng nam, xây 2 tầng, 8 mái, trên giữa cửa chính có 3 chữ Hán Phụng Lộc tự. Tam bảo có 5 gian, làm theo kiểu chồng rường. Tiền đường có nhiều mảng chạm khắc mang phong cách đầu thời Nguyễn. Các tượng Phật trong Hậu cung khá phong phú được tạo tác theo phong cách nghệ thuật cuối thời Lê Trung hưng, đầu thời Nguyễn.
Điều đặc biệt nơi đây còn có rất nhiều những đồ vật từ những giai đoạn trước để lại:
– Chùa có 2 cửa võng rất đẹp: Cửa phía ngoài được chạm khắc tinh tế với đề tài phượng múa, hoa quả thiêng (đào, lựu…), cửa phía trong có đề tài tương tự nhưng làm kỹ hơn với hai giải kim tòng hai bên.
– Nhà Tổ có 5 gian thông với hậu cung bằng một cửa nhỏ, 3 gian giữa thờ các nhà sư quá cố, 2 gian hai bên là tăng phòng.
– Nhà Mẫu ở sát chùa chính, gồm 3 gian và 1 gian sau, trong có khám thờ đặt tượng tam toà Thánh Mẫu. Nhà khách có 2 gian.
– Chùa Khương Hạ hiện còn giữ được hơn 20 pho tượng Phật sơn son thiếp vàng. Hàng thứ nhất có bộ tượng Tam thế; hàng thứ hai có bộ tượng A Di Đà Tam tôn; hàng thứ ba bày tượng Phật Niệm Hoa kích thước lớn; hàng thứ tư có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; hàng thứ năm có tượng Quan Âm tọa trên đài sen; hàng cuối cùng có tượng Thích Ca sơ sinh. Góc trong bên phải đặt tượng Quan Âm tống tử, bên trái có tượng Quan Âm toạ sơn. Phía ngoài Tiền đường có tượng Đức Ông và hai Hộ pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác.
Đường đi
Du khách có thể thăm chùa bằng hai lối khác nhau, một là từ Ngã Tư Sở bên đường Nguyễn Trãi rẽ phải xuôi theo phố Vũ Tông Phan khoảng 2km về hướng Nam rồi rẽ trái vào phố Khương Hạ, hoặc ngược về hướng Bắc rẽ vào phố Bùi Xương Trạch. Cổng chính quay về hướng Nam, mở ra ngõ 108 Bùi Xương Trạch; cổng phụ quay về hướng Tây, mở ra ngõ 29 Khương Hạ.
Hiện vật còn lưu giữ
Hiện nay, chùa còn bảo lưu bộ sưu tập di vật khá phong phú, trong đó có nhiều di vật có giá trị đặc sắc về nghệ thuật như: hơn 20 pho tượng Phật sơn son thiếp vàng, hai quả chuông đúc năm Tự Đức thứ 17 (1864) và Thành Thái thứ 15 (1903). Cùng nhiều di vật khác như hoành phi, cuốn thư sơn son thiếp vàng, chạm khắc hình tứ quí, tứ linh, bát hương,…
Chính điện có 2 bộ cửa võng rất đẹp: cửa phía ngoài được chạm khắc tinh tế với các hình phượng múa, hoa quả thiêng (đào, lựu…), cửa phía trong làm theo đề tài tương tự nhưng kỹ hơn với hai giải kim tòng hai bên. Góc trong bên phải đặt tượng Quan Âm tống tử, bên trái có tượng Quan Âm toạ sơn.
Xếp hạng
Ngày 16-3-1993, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chùa [và đình] thôn Khương Hạ là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Tham khảo
- http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/03/chua-khuong-ha/
- https://thanhxuan.hanoi.gov.vn/chi-tiet-tim-kiem/-/asset_publisher/UYUQCtnb5x7N/content/chua-khuong-ha