Vị trí
Chùa Mại Đức có tên chữ là Kim Liên tự, nằm trên đất làng Mại Đức xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Lịch sử xây dựng
Theo Bản tóm tắt lịch sử chùa Mại Đức thì chùa được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng, năm Canh Tý (1720) trên một dải đất bồi ở phía đông của Lạch Rù. Đến triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 41 (1781), nhà vua đã sắc cho làng Mại Đức xây dựng phủ Mại Đức bên cạnh khuôn viên của chùa để thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Thành hoàng làng là Ngọc Châu công chúa. Từ đây khuôn viên của chùa và phủ được mở rộng hơn một mẫu đất.
Chùa và phủ Mại Đức trở thành nơi thờ cúng tâm linh và là nơi vãn cảnh gửi gắm tâm hồn của nhân dân trong làng ngoài tổng Mậu Lâm và du khách thập phương trong gần hai thế kỷ. Nhưng do lâu ngày bị mối mọt nên qua một trận bão lớn vào năm 1915, chùa đã bị sụp đổ. Nhân dân trong làng đã cùng nhau tu sửa lại để lấy nơi hành lễ nhưng cũng không thể phục dựng lại được như xưa. Vào năm Nhâm Tuất (1922), có vị Hòa thượng Nguyễn Thanh Tường, là Trụ trì chùa Yên Bình (Kim Sơn, Ninh Bình) đã vào chung tay cùng bà con làng Mại Đức tôn tạo lại chùa và đặt tên chữ cho chùa là Kim Liên Tự.
Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, vật đổi sao dời nên đến năm 1964, chùa Kim Liên bị phá hủy hoàn toàn, hiện vật cũ trong chùa bị thất tán, đất đai được giao lại cho UBND để chăn nuôi, làm vườn.
Nhận thấy vấn đề tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong đời sống của mỗi con người, với quan niệm “Nhà mất đất còn”, bà con nhân dân xã Nga Hưng đã tôn lên lô nhang, xây nên một cái miếu nhỏ trên mảnh đất chùa cũ để làm nơi thờ tự vào các ngày lễ tiết. Đến năm 2001, nhân dân trong làng lại cùng nhau phục dựng hậu cung của phủ để làm nơi thờ Tam Tòa thánh mẫu; năm 2002 xây dựng được hậu cung của chùa để làm nơi thờ Phật. Tuy nhiên cách thức xây dựng và bài trí hệ thống thờ tự còn mang tính tự phát, chưa có quy củ.
Vì vậy, từ 21/9/2011 đến 6/11/2014 Âm lịch, với công sức của Đại đức Thích Tâm Chính (Trụ trì chùa Khánh Quang, thị xã Bỉm Sơn) đã kêu gọi nhân dân địa phương và du khách thập phương công đức mà công trình kiến trúc khang trang, bề thế đã được khôi phục, mang lại diện mạo xưa với các hạng mục như: cổng Tam quan; chùa chính; nhà Mẫu; nhà vọng và nhà sắp lễ trên nền đất đai của khuôn viên chùa cũ.
Kiến trúc:
- Cổng Tam Quan: được mở ra 3 cửa gồm cửa chính và hai cửa phụ
- Chùa chính: là ngôi nhà hình chữ Công gồm có Tiền đường nối vào Hậu cung được xây dựng công phu.
Bài trí đồ thờ từ Hậu cung ra ngoài gồm 5 lớp thờ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Lớp bàn thờ cao nhất, ở vị trí trên cùng giáp mái chùa là ba pho tượng Tam Thế ngồi ngang nhau. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà tam tôn: ngồi giữa là tượng Phật A Di Đà, Bên tay trái là tượng Phật Quán Thế Âm, bên tay phải là tượng Phật Đại Thế Chí. Lớp bàn thứ ba là tượng Thích Ca Mâu Ni, đứng chầu bên phải Phật Thích Ca là Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát ở bên trái. Lớp thứ tư là bức tượng Phật Quan Âm thiên thù thiên nhãn có thể nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh và giang tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân. Lớp thứ năm là tượng Cửu Long.
- Công trình nhà Mẫu: với kiến trúc hình chữ Nhị theo xu hướng cao dần từ ngoài vào trong. Tiền đường 3 gian với 3 ban thờ, gian giữa thờ ngũ vị tiên ông và hai gian bên thờ thần hoàng bản thổ và Ngọc Châu công chúa làm thần hoàng.
Chùa Kim Liên tọa lạc theo hướng nam, trên thế đất phúc địa. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân nơi đây. Họ đến chùa đi lễ Phật không những quan tâm đến giáo lý và lời răn dạy của Đức Phật mà còn muốn được tĩnh tâm, học tập, tiếp thu đạo đức từ bi hỉ xả của Đức Phật. Các hoạt động văn hóa và những việc làm cao quý của người dân nơi đây cũng như du khách thập phương đã và đang làm cho làng xã Nga Hưng, trong đó có chùa Kim Liên ngày càng khang trang bề thế, góp phần tươi đẹp thêm cho vùng đất Nga Sơn huyền thoại này.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016