Chùa Kim Thành (Nga Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Kim Thành (Nga Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Kim Thành, ở làng Thành Thôn, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn. Theo lịch sử, vùng đất Thành Thôn này xưa kia đây là vùng giáp liền với biển, cư dân thưa vắng, khoảng cuối đời Lê Trung Hưng một số người từ nơi khác đến vùng đất này khai hoang lập ấp, về sau họ đưa con cháu đến sinh cơ trên mảnh đất này lập nên làng xóm. Thời ấy có ba dòng họ lớn cùng nhau sinh cơ lập nghiệp sớm nhất trên vùng đất Nga Thành là họ Hồ, họ Mai, họ Phạm. Khi trở thành vùng đất có cư dân đông đúc, kinh tế ổn định là lúc các nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng của người dân lại cần được đáp ứng, đặc biệt đối với những người dân sống ở vùng sông biển quanh năm phải đối mặt với thiên tai, lụt lội luôn đe doạ đến cuộc sống của họ. Người dân làng Thành xưa ý thức được điều đó, họ biết rằng nếu chỉ dựa vào sức người, dựa vào sự nỗ lực của bản thân, của từng cá nhân riêng lẻ là chưa đủ, họ cần một tinh thần, một vị thần linh có thể giúp họ đoàn kết sức mạnh lại với nhau, che chở cho họ, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, chí ít là tạo cho họ niềm tin về một sức mạnh linh thiêng nào đó, làm chỗ dựa cho họ vững niềm tin trong lao động và sản xuất hàng ngày, tạo sức mạnh tinh thần cho họ trong công cuộc chinh phục tự nhiên. Người dân làng Thành đã cho xây dựng 3 công trình văn hóa phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, gồm chùa Kim Thành, Đình làng phủ Mẫu.

Kiến trúc

Chùa Kim Thành tọa lạc ở trung tâm của làng, một ngôi chùa với lối kiến trúc chữ Đinh truyền thống đã được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng cho người dân. Không rõ chùa được xây dựng từ bao giờ, nhưng theo các chứng tích còn lại, đặc biệt là dòng chữ ghi trên thượng lương còn lưu lại đến ngày nay thì biết rằng chùa được trùng tu vào đời vua Tự Đức thứ 3 (1849). Cũng theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia chùa Kim Thành là ngôi chùa tương đối bề thế trong vùng, chùa kiến trúc theo lối chữ Đinh, mặt ngoảnh hướng Tây Nam, Tiền đường 3 gian 2 chái, Hậu cung được bài trí đầy đủ các tượng như Tam thế Phật, tượng đức Bổn sư, Di Đà tam tôn, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn,… Ngoài ra còn có các công tình khác như: cổng Tam quan 2 tầng bằng gỗ, tầng trên là gác treo chuông; phía Tây là nhà Giải vũ, nhà khách Tăng, phía Đông là khu vực bếp và giếng chùa.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Kim Thành đã trở thành cơ sở cách mạng, chùa là đầu mối liên lạc của các cán bộ Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ về đây hoạt động cách mạng và cũng là tai mắt để kịp thời báo động cho cán bộ biết mỗi khi giặc Pháp vào làng lùng sục bắt bớ. Đến năm 1953 vì biết chùa là cơ sở cách mạng, giặc Pháp đã đốt chùa, phá tượng, trải qua thời gian vì không có người chăm lo đèn nhang và tu sửa đến những năm 60 của thế kỉ trước thì chùa bị hư hoại hoàn toàn.

Tín ngưỡng

Đình làng Thành là nơi tôn thờ danh tướng Phạm Cự Lượng và những người đã có công khai lập nên vùng đất làng Thành.

Về nhân vật Phạm Cự Lượng (hay còn gọi là Phạm Cự Lạng), theo sử sách ông sinh ngày 20 tháng 11 năm Giáp Dần (tức 8 tháng 12 năm 944), người làng Trà Hương, Khúc Giang (nay thuộc Nam Sách, Hải Dương), trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Chiêm, giữ chức Đông Giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, giữ chức Tham chính Đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương, mẹ là Trần Thị Hồng. Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lượng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lượng cùng anh trai Phạm Hạp đem hơn 2000 người, ngựa từ quê nhà đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Phạm Cự Lượng được phong chức Phòng Ngự sứ Tiên phong tướng quân và lệnh cho ra giữ cửa biển Đại Ác. Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy miếu hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Phạm Cự Lượng được phong Tâm phúc Tướng quân coi việc Thị vệ Quan thân cận của vua. Năm 979, vua Đinh và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi được lập lên ngôi. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp thấy uy quyền của Phó vương Lê Hoàn quá lớn bèn khởi binh chống Lê Hoàn nhưng cả ba tướng nhanh chóng bị Lê Hoàn dẹp tan. Phạm Hạp bị Lê Hoàn xử tử. Tuy vậy, Phạm Cự Lượng vẫn được Lê Hoàn tin dùng làm tướng dưới quyền. Năm 980, nhà Tống nhân lúc nước Đại Cồ Việt rối ren, liền nảy ý đồ đánh chiếm, sai quan trấn thủ Ung Châu là Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Triệu Phụng Huân đem quân theo hai đường thủy bộ vào xâm lược. Tình thế Đại Cồ Việt vô cùng nguy cấp. Tháng 7 năm ấy, Thái hậu Dương Vân Nga phong Phạm Cự Lượng làm Đại tướng tiên phong đem quân đi chống giặc. Trước lúc tiến quân, Phạm Cự Lượng hội quân sỹ ở cửa Đào Lâm nói rằng: “Bây giờ quân giặc sắp vào cõi mà chúa thượng hãy còn nhỏ tuổi, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta… chẳng bằng nay ta tôn Thập Đạo tướng quân lên ngôi Thiên tử đã, rồi sau sẽ xuất quân.” Quân sỹ nghe nói đều hô vang vạn tuế. Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, Phạm Cự Lượng được phong làm Thái úy.

Cuối mùa hạ năm 981, mọi mũi tiến quân của quân Tống đều bị quân Đại Cồ Việt đánh bại, tướng Tống là Hầu Nhân Bảo chết trận, quá nửa quân Tống bị diệt, buộc vua Tống xuống chiếu lui quân. Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lượng được cử cầm quân đánh Chiêm Thành để đáp trả việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt. Mùa thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lượng được vua tin trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa. Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thủy bộ. Cũng trong năm này, Phạm Cự Lượng còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu. Ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân (tức 9 tháng 10 năm 984), Phạm Cự Lượng mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ nơi ông đang làm việc, hưởng dương 41 tuổi. Nhà vua thương tiếc sai người đem tướng linh cữu hồi kinh, an táng tại phía nam Bồ Sơn. 

Hiện nay chưa rõ nguyên cớ cũng như tục thờ cúng Phạm Cự Lượng có từ bao giờ, vì sao dân làng Thành lại tôn thờ Phạm Cự Lượng như một vị thành hoàng làng, các tư liệu tại địa phương cũng như các sử sách chính thống khác cũng không thấy ghi chép về việc này.

Đình làng Thành còn là nơi con cháu phụng thờ, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền họ Hồ, Mai, Phạm những người đã có công khai cơ lập ấp, những người đã ngăn sông, lấn biển, khai khẩn đất hoang tạo dựng nên một làng quê trù phú thanh bình,… những vị này đến nay vẫn được người dân thờ cúng và tôn vinh như những vị thành hoàng của làng Thành. 

Phủ Mẫu làng Ngoại thôn thờ Tứ vị thánh nương, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ vị thánh nương là tín ngưỡng không chỉ được cư dân vùng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An tôn thờ mà được cư dân miền duyên hải và vùng đồng bằng coi là một tín ngưỡng thờ phụng quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Truyền thuyết về Tứ vị thánh nương được nhiều sách để cập đến: 

Tống sử chép về việc này như sau “Thừa tướng Lục Tú Phu… ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế nhỏ mới 8 tuổi nhảy xuống biển tự tử. Dương Thái hậu biết tin con trai đã chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư?”. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tử tự theo con trai. Trương Thế Kiệt và hoàng thất Nam Tống Triệu Nhược Hòa phiêu dạt trên biển, không ngờ gặp sống thần nên cũng bị dìm chết. Hôm sau trên biển nổi lên hơn 100 nghìn thi thể. Vị hoàng đế cuối cùng của Nam Tống đã chết, triều Tống cũng bị diệt vong. Sau khi Triệu Bính chết, xác nổi lên mặt biển. Ngư dân nhìn thấy một xác chết trẻ con, người mặc long bào, chân đi tất đen, đi hài, đầu đội vương miện, còn có ấn vua. Dưới chân sặc mùi chân hôi. Mọi người nhận ra xác chết đó là Triệu Bính, bèn đưa về mai táng ở lăng Tống Thiếu Đế”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thiên Bảo năm thứ nhất (1279), người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, Tả Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó.”. 

Về sự hiển linh của Tống phi, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Năm Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về… Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về… lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên huý đổi là Cần) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về. Sau đó vua sai Hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế.”

Truyện Càn Hải môn từ trong phần Tục biên Việt điện u linh của Nguyễn Văn Chất ghi rằng: “Nước Nam Tống đại bại, thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển, ba mẹ con phu nhân ôm cột buồm dạt đến một ngôi chùa ven bờ biển. Do nhà sư (Trung Quốc) có tà tâm, bị cự tuyệt nên tự tử, ba mẹ con ân hận cũng nhảy xuống biển tự vẫn, sau đó xác trôi vào đến cửa Cờn, sắc mặt tươi nguyên, dân chài lập đền thờ. “Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu đều được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng nức tiếng linh thiêng”. Các sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Lịch triều hiến chương loại chí, Ô Châu cận lục, Đại Nam nhất thống chí,… đều có ghi chép về chuyện này. Cũng theo sách Thanh Hóa chư thần lục 1), đền thờ Tứ vị thánh nương ở làng Thành, xã Nga Thành là một ngôi đền được nhà nước phong kiến công nhận và cho phép thờ cúng, trải qua các triều đại đều được ban tặng sắc phong.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chi bộ Đảng Kim Giác lấy đình làng làm cơ sở hoạt động cách mạng, làm đầu mối liên lạc của cán bộ Việt Minh.

Đến đầu những năm 1990, lòng hồi cố về ngôi chùa Kim Thành linh thiêng, được sự đồng ý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự hằng tâm ủng hộ của nhân dân trong xã cũng như của các thế hệ con cháu trong làng nay đã xa quê, ngôi chùa Kim Thành đã được xây dựng lại ngay trong khuôn viên đình làng và phủ Mẫu. Ngôi Tam bảo tuy còn đơn sơ nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật của người dân trong vùng. 

Di tích lịch sử

Năm 2010 quần thể di tích Đình làng – phủ Mẫu – chùa Kim Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử – Cách mạng cấp Tỉnh.

Tháng 3 năm 2015, sư cô Thích Nữ Thanh Thuỳ được bổ nhiệm về trụ trì chùa Kim Thành và điều hành mọi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo Đạo Phật tại chùa Kim Thành. Dưới sự dẫn dắt của Sư cô trụ trì, hoạt động Phật sự trong các ngày lễ trọng của Phật giáo đã được diễn ra theo đúng quy củ và điển chế Phật giáo. Các hoạt động Phật sự khác như: khoá tu học thường nhật cho Phật tử, khoá lễ tụng kinh thường ngày… các hoạt động từ thiện nhân đạo, tết vì người nghèo, tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi,… đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của tín đồ Phật tử. 

Ngày nay đến thăm chùa Kim Thành, tức là đến thăm một quần thể di tích lịch sử văn hóa – cách mạng gồm: Đình làng – phủ Mẫu – chùa Kim Thành – miếu Cô, miếu Cậu, các công trình kiến trúc này có tính chất liên hoàn cùng trong một khuôn viên rộng hơn 10.000m. Tín đồ Phật tử đến đây có thể cùng lúc thỏa mãn các nhu cầu tâm linh tín ngưỡng. Tuy nhiên, đây là các công trình mới được phục dựng trong những năm gần đây, nên cơ sở vật chất đang còn nhiều khó khăn. Hy vọng rằng trong tương lai gần với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp cũng như sự hảo tâm công đức của chư khách thập phương xa gần để chùa sớm được trùng hưng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân bản địa cũng như tín đồ Phật tử gần xa.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), ThS. Vũ Ngọc Định
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)