Chùa Kỳ Vũ (Kỳ Vũ tự – Từ Liêm, Hà Nội)

Chùa Kỳ Vũ (Kỳ Vũ tự – Từ Liêm, Hà Nội)

Lược sử


Theo lịch sử ghi chép lại, Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương sau một thời gian giao tranh không phân thắng bại, vào năm Đinh Sửu (557) đã phân chia phạm vi ảnh hưởng, lấy “Quân Thần châu” tức hai làng Thượng Cát và Hạ Cát ở huyện Từ Liêm làm ranh giới nên còn gọi là Thượng Cát Giới và Hạ Cát Giới. Cả hai làng này như vậy có nguồn gốc rất cổ.

Ngôi chùa của làng Thượng Cát, nay thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm có tên chữ “Kỳ Vũ tự” tức “chùa cầu mưa”, dân còn gọi chùa Giác hay Cổ Giác. Tại tiền đường có một bức hoành phi tạo năm Duy Tân thứ 3 (1909), ghi “Kỳ Vũ tự cầu vũ đắc vũ” (chùa Kỳ Vũ cầu mưa được mưa), vậy nơi đây từng được coi là điểm cầu đảo linh thiêng của quan dân địa phương.

Theo các tài liệu lưu tại chùa Kỳ Vũ thì chùa có từ lâu đời. Tấm bia hậu “Kỳ Vũ tự hậu Phật bi đề danh ký” (Bia ghi lại việc đặt hậu Phật ở chùa Kỳ Vũ) dựng ngày 24 tháng 9 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) cho biết chùa được đại trùng tu nhờ công đức của quận chúa Lê Thị Ngọc Nhân. Như vậy đến cuối thế kỷ XVII, Kỳ Vũ tự đã trở thành một ngôi chùa lớn.

Thời đó, làng Thượng Cát có sông Hồng ở phía Bắc với bến chợ tấp nập và đầm hồ ở phía Nam tạo thành vị trí đẹp, giao thông thuận tiện. Lại có lị sở của hai ty quan ở phía Đông, cho nên nhiều quan lại cao cấp, quý tộc và người giàu các phường Thăng Long cùng khách thập phương thường đến thăm và đóng góp công đức tu bổ chùa.

Kiến trúc


Để bù đắp, hoàn thiện lại chùa sau nhiều lần bị tàn phá. Năm 2003, dân làng góp trên 500 triệu đồng để sửa chửa chùa Kỳ Vũ. Đến năm 2018 chùa lại được đại trùng tu gần như toàn bộ, xung quanh xây thêm tường hoa. Hiện nay mặt bằng công trình có dạng “nội Công ngoại Quốc” tuy hơi hẹp. Tiền đường rộng 7 gian 2 dĩ, nối với thiêu hương 2 gian dọc và thượng điện 1 gian 2 chái ngang. Vuông góc từ đầu tiền đường là hai dãy giải vũ dài 7 gian, riêng gian cuối làm kiểu phương đình 2 tầng 8 mái (nay thờ Mẫu và Địa Tạng Vương) nối với nhà ngang có gác chuông. Toà nhà Tổ 7 gian nằm ở phía sau.

Mái chùa lợp ngói ri, tường và cột xây bằng các viên gạch sành to hình vuông, không trát vữa. Các kiến trúc và điêu khắc đều mang phong cách nghệ thuật giữa thời Lê Trung Hưng. Hệ thống tượng tròn gồm 51 pho được tạo tác công phu, đặc biệt trong đó có tượng quận chúa Lê Thị Ngọc Nhân. 

Di sản chữ Hán


Tháng 10 năm Thịnh Đức thứ ba (1655), Đô chỉ huy sứ ty, Văn Nhậm bá tước Phạm Công Doanh là người phường Công Bộ, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên đã hưng công đúc một chuông đồng lớn và hai lư hương. Bài minh trên quả chuông còn cho biết làng Thượng Cát thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây; tham gia góp tiền có cả Binh bộ Thượng thư Quảng quận công Đặng Thế Khoa, quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trân, quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tương, Sơn Tây đẳng xứ Tán trị thừa chánh sứ ty Tham nghị Văn Thắng bá tước Nguyễn Trình cùng hàng trăm người ở các phường Công Bộ, Báo Thiên của kinh đô và nhiều xã sở tại v.v..

  • Quả chuông treo trên gác phía sau thượng điện. Nó có 6 núm viền ô chấm, thân cao 97cm, quai cao 35cm, bề ngang 45cm, đường kính miệng 70cm. Chữ khắc đẹp, đề rõ “Thượng Cát xã Công Bộ sãi vãi tạo chú hồng chung” (Sãi vãi làng Thượng Cát và phường Công Bộ đúc chuông lớn). Tiếp đó là 28 câu ca ngợi lòng tâm đức, làm điều thiện của người hưng công. Soạn bài minh là Thủ bạ Thừa ty xứ Sơn Tây Văn Nham bá tước Lê Tiến Lộc. Khắc chữ là Chỉ huy Thiêm sự Thọ Xuân nam tước Trần Phác Tự.
  • “Thượng Cát xã Kỳ Vũ tự khánh” được đúc bởi Nguyễn Đình Xuyến ngày lành tháng 4 năm Nhâm Ngọ đời vua Minh Mệnh (1822). Khánh gồm 2 khoang chữ: bên phải có 19 hàng (trung bình 17 chữ/hàng); bên trái có 2 cột (1 cột 6 hàng và 1 cột 10 hàng, 5-28 chữ/hàng). 
  • Tấm bia “Kỳ Vũ tự hậu Phật bi đề danh ký”. Bia cao 105cm, rộng 75cm, dựng trên lưng rùa đá. 

Xếp hạng


Ngày 22-4-1992, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa Kỳ Vũ (cùng đình Thượng Cát) là Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.

Tham khảo


  • http://wikizisan.vn/baiviet/?article=3151
Chấm điểm
Chia sẻ
3. Chùa Kỳ Vũ (Nguồn vi.worldcombiz.com)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *