Chùa Lạc Lâm (Chùa So – Quốc Oai, Hà Nội)

Chùa Lạc Lâm (Chùa So – Quốc Oai, Hà Nội)

Giới thiệu


Mảng vui Thiên Phúc cảnh thiên thành,
Ngoạn thưởng âu đây thích tính tình.
Thán thán nhân cơ trông vời vợi,
Dồn dồn đạo ngạn bước thênh thênh.

Trời xuân vằng vặc hoa cài cửa,
Gió thụy hưu hưu nguyệt dãi mành.
Công quả tĩnh phương buồm thuận tới,
Tiệc vầy ngâm ngợi khúc thăng bình.

Bài thơ trên được vua Lê Dụ Tông viết bằng quốc âm nhan đề Ngự đề Lạc Lâm tự thi. Bài thờ được khắc trên bia gỗ, dòng lạc khoản ghi ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh 13 (1717).

Ngôi chùa So còn có tên chữ là Lạc Lâm Tự, toạ lạc ở làng So, xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. 

Chùa Lạc Lâm là một trong những di chỉ trong quần thể thắng cảnh trang Sơn Lộ, là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến hành trình của du khách.
trang Sơn Lộ tức làng So là vùng đất tứ linh, có các ngọn núi Long – Ly – Quy – Phượng quần hý tạo nên những rẻo đường quanh co gấp khúc trùng điệp chạy qua những khu quần cư rải rác, nối tiếp lạ kỳ như lạc vào một trang viên được mô tả trong các tiểu thuyết kiếm hiệp hay như trong sách Liêu Trai. 

Lịch sử hình thành


Chùa Lạc Lâm được xây dựng vào thời nhà Lý, do một vị thiền sư phương Bắc du ngoạn theo dọc sông Hát, tới bến sông này thấy một vùng non nước hữu tình, núi non trùng điệp, cây cối sum suê, chim ca vượn hót rất vui, hoa khoe, nắng vàng lấm lánh nên đã dựng nên ngôi chùa này và đặt tên là Lạc Lâm (tức khu rừng vui).
Qua hàng ngàn năm bồi lở, dòng Hát Giang đã chuyển dịch ra xa, để lại dưới chân núi một hồ nước rộng mênh mông xanh biếc thu hết hình ảnh chùa Lạc Lâm và ngọn núi Phượng xuống mặt hồ.

Theo nội dung văn bia, chùa So được xây dựng từ rất sớm, được đại tu vào các năm 1698, 1773, 1846. 

Kiến trúc


Ngôi chùa hiện nay có bố cục theo kiểu nội Công (工), ngoại Quốc (国), có 57 gian, gồm tiền sảnh, hành lang, nhà tổ.

  • Tam quan chùa ở gần chân núi, dựng năm Mậu Dần 1698 đời vua Lê Hy Tông, xây cuốn chồng diêm 2 tầng 12 mái.
  • Từ tam quan theo 80 bậc đá lên tới tiền sảnh 7 gian, ở hai đầu hồi có gác chuông, gác trống, xây hình tháp 8 mái cong cao vút, trên đỉnh có hình bầu đựng nước cam lồ gắn với triết lý nhân sinh của nhà Phật. Tiền sảnh và Phật điện được nối bằng 3 gian.
  • Phật điện hình vuông 4 mái, tường xây bằng gạch đá ong.
  • Toàn bộ kiến trúc bào trơn đóng bén, không chạm trổ cầu kỳ. Đăng đối với Phật điện là một dãy hành lang gồm 18 vị la hán, nay còn 13, to bằng người thật với vẻ mặt, nếp áo, dáng đứng sống động.
  • Tại vườn chùa có 5 ngôi tháp cổ, có ngôi tháp 4 tầng, bằng đá có 3 chữ “Sùng Ân tháp”, tương tự tháp sư Huyền Quang ở Côn Sơn, nhưng quy mô nhỏ hơn.

Di vật


Chùa còn giữ được một số di vật Lý – Trần – Lê. Ở gian chính tiền sảnh có 3 viên đá tảng hình vuông, cạnh 0.8 m, giữa là hình chân cột, chung quanh chạm 16 cánh sen, nét chạm phong cách thời Lý. Chùa có 82 pho tượng Phật, trong đó có 3 pho tam thế được tạo bằng đá màu đỏ tím. Đỡ bệ sen và tượng Phật là con Lân ngậm hạt châu, mang phong cách nghệ thuật thời Lý.

Đường đi


Từ trung tâm Hà Nội phượt theo Đại Lộ Thăng Long tới Km 13+200 rẽ trái, đi thêm khoảng 2km nữa qua cầu sông Đáy là đã thấy một vùng đồi núi nhấp nhô xanh biếc thuộc Sơn Lộ Trang (làng So xứ Đoài).

Hoặc từ QL6 tới Chợ Cống, Chúc Sơn, rẽ phải men theo triền núi, hay đi ngả qua vùng chùa Trầm, qua núi Trầm thơ mộng.

Cả hai đều hướng tới chùa Trăm Gian, để du khách nghỉ chân trên đồi thông vi vu, rồi đi tiếp hơn 1km nữa là gặp con đê cao cao lộng gió, mở ra một không gian bao la. Vậy du khách đã tới được trang Sơn Lộ nổi tiếng với những câu chuyện lưu truyền kỳ bí của một ngôi làng Bắc bộ hàng ngàn năm tuổi. Và đặc biệt là những ngôi Đình, Đền, Chùa, Am, Miếu…ngự ở giữa làng, trên sường đồi, trên đỉnh núi hay ngoài bãi chợ.

Tham khảo


  • http://langsoquetoi.blogspot.com/2014/02/chua-lac-lam-tu.html
  • http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1563
Chấm điểm
Chia sẻ
1. Chùa Lạc Lâm (Nguồn_vietlandmarks.com)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *