Lịch sử
Theo truyền thuyết ở địa phương, xưa kia chùa Lạng Côn có quy mô khá lớn và từng là một tụ điểm Phật giáo quan trọng trong vùng. Ngày nay, chùa chỉ còn là một cổ tự có quy mô vừa phải. Chứng tích duy nhất của ngôi chùa rộng lớn, khang trang xưa kia là ở những bia đá đặt ngay ở cổng chùa. Mặc dù không có (hay không còn) nhà bia và cũng không rõ bia bị dầm mưa dãi nắng đã bao lâu, nhưng chữ và hoa văn trên những tấm bia đá màu xanh xám vẫn còn khá rõ. Bia đá chùa Lạng Côn có giá trị về văn bản học, nghệ thuật học… và là bản “lý lịch tự thuật” đáng tin cậy của ngôi chùa. Những tấm bia này có lai lịch rõ ràng, được khắc ghi trong dòng lạc khoản như: “Sùng Khánh tự bi ký” được tạo năm Chính Hòa tứ niên (1683), “Thạch Thiên đài trụ” ra đời năm Vĩnh Thịnh nhị niên (1706) và “Hậu phật bi ký” được dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802).
Chùa Lạng Côn tên chữ là Sùng Khánh tự, vốn là chùa làng. Dưới thời Trần (1226 – 1400), thời Mạc (1527-1592), chùa nổi danh là “phong cảnh Phật” đẹp của xứ Đông. Lạng Côn xưa là một xã thuộc tổng Đại Trà, nay là một thôn của xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy. Tương truyền, chùa được khởi dựng từ thời Lý(1010-1226), sang thời Trần, phò mã Trần Quốc Thi được phong thái ấp điền trang ở đây đã bỏ tiền của tu bổ cảnh Phật, vườn thiền. Tư liệu văn bia cho biết, chùa đã qua những lần sửa chữa lớn vào các năm 1683, 1802 và 1925.
Kiến trúc
Chùa và đình Lạng Côn vốn cùng được xây dựng trong cùng một khuôn viên theo lối “tiền thánh, hậu Phật” rất khang trang, bề thế, được xếp vào loại đẹp của phủ Kiến Thụy xưa. Chùa là một cụm kiến trúc đăng đối, quay hướng chính Tây, nhìn ra sông Cửu Biều, phủ Kiến Thụy xưa. Trước chùa có ao sen hình chữ nhật, cổng chùa nhất môn trông như một lầu nhỏ, có hai tầng tám mái đao cong. Hai bên cổng là đôi câu đối:
Cửa từ bi đông khách siêu phương
Đức trí tuệ soi đường bác ái
Hoa bốn mùa chào đón Phật đài
Cây trăm thước dựng nên thiền cảnh.
Nối tiếp với ao sen là vườn thiền khoáng đạt. Những bồn hoa, chậu cảnh nhiều hình dáng, kích thước, tượng hạc, rùa, đỉnh hương trầm nghi ngút, hòn non tạo dáng sơn trang hùng vĩ… Tất cả được sắp xếp theo một trật tự tạo nên vẻ trang nghiêm của cổ tự, cõi linh. Trung tâm vườn thiền đặt đài tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong tư thế đứng, cao xấp xỉ 5m, tay phải cầm cành dương liễu giơ ngang vai, tay trái đặt trước ngực nâng bình nước cam lồ. Tượng có khuôn mặt nữ dịu hiền, thon thả thường gặp trong các ngôichùa ở nước ta. Về bình đồ kiến trúc chùa Lạng Côn được xây dựng theo kiểu hướng tâm: Gồm một tòa Phật điện hình chữ “Dinh” với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, ở giữa và các kiến trúc phụ (5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà khách, 5 gian tăng phòng, 3 ngôi tháp mộ). Nghệ thuật kiến trúc vãn giữ được dáng vẻ cổ kính.
Hiện vật
Hệ thống tượng pháp ở chùa khá phong phú, đầy đủ lúa một Phật điện Đại thừa gồm bộ Tam Thế, Tam Thánh Tây phương, tượng Thích Ca Niêm Hoa, tượng Ca Diếp, A Nan Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Cửu Long và Thích Ca Sơ Sinh, Hộ Pháp, tượng Tổ… Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật tạo hình Phật giáo, tòa Cửu Long và lượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang phong cách nghệ thuật thếkỷ XVII. Tòa Cửu Long tạo dáng hình đóa sen gồm hai phần: Phần đế là đài sen ngửa gồm 3 lớp cánh úp trên một đế trụ hình bát giác; phần trên tạo dáng nụ sen múp phồng, chính diện chạm thủng rồng trong tư thế phun nước tắm gội cho đức Phật Thích Ca lúc chào đời, mặt sau để trơn.
Tượng Thích Ca Sơ Sinh được đặt trong “nụ sen” và Ngài liên hệ với thế giới bên ngoài bằng các ô cửa hình lá hoa ở mặt sau và ô cửa hình lá cỏ linh chi ở mặt trước. Hình thức tạo dáng tòa Cửu Long hình nụ sen trên một đóa sen mãn khai là biểu hiện của bản thể chân như, khó tìm thấy ở các chùa khác.
Tượng Bồ Đề Đạt Ma – sư Tổ của dòng Thiền được đặt ở nơi cao nhất, trang trọng trên ban thờ Tổ của chùa. Tượng ngồi trên bệ gỗ, tóc nổi rõ gọn gàng, ốp sát đầu, chùm hết gáy và xòe sang hai vai, quăn từng cụm hình dấu hỏi(?) lớp lang như sấy. Mặt tượng hao hao gầy, thể hiện rõ các quý tướng: tai to, dái tai dầy, trán cao với ba vòng nếp nhăn nhấn mạnh nỗi suy tư cao độ; lông mày rậm, mắt nhỏ hơi u buồn. Tượng mang vẻ mặt của các nhà thông thái thuộc các tộc người miền Trung Á. Tượng khoác áo cà sa để lộ vai phải, biểu thị lòng kính trọng bề trên. Bệ tượng ngồi hình lục giác giật tam cấp, mặt cắt dọc hình chữ công. Diềm trang trí cánh sen vuông ngửa, hoa cúc, hoa sen, lá đề. Dòng chữ Hán khắc chìm trên bệ tượng cho biết niên đại hoàn thành là năm Cảnh Trị thứ 6 (1668).