Chùa Linh Thất (Chùa Thất – Nga Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Linh Thất (Chùa Thất – Nga Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Gọi chùa Thất là gọi theo tên nôm của làng, chùa có tên chữ Hán là Linh Thất tự, nay thuộc làng Vĩnh Thọ, xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Địa lý

Làng Vĩnh Thọ ban đầu được gọi là trại Thất, xưa kia đây là vùng đồng trũng với những bãi lau sậy xen lẫn những đầm nước trắng mênh mông (gọi là Vịnh). Khi hết mùa nước lụt thì lại trở thành một vùng rong rêu, năn lác um tùm. Môi trường tự nhiên đó đã tạo điều kiện cho tôm cá, chim cò cư ngụ, sinh sôi nảy nở. Vì thế những người làm nghề trong làng Thất (làng Tuân Đạo ngày nay) và một vài dòng họ từ nơi khác đã đến đây để khai thác thự nhiên, lâu dần họ ở lại đây, sinh cơ lập nghiệp trở thành một xóm mới gọi là trại Thất vào nửa đầu thế kỷ XVIII.

Thời kỳ mới thành lập đến thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888), trại Thất vẫn thuộc làng Thất, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung. Dưới thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888) làng Thất được đổi tên thành làng Tuân Đạo thuộc xã Cao Vịnh (tổng Cao Vịnh), huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuân Đạo là một trong 7 làng của tổng Cao Vịnh. Tháng 9 năm 1947, Cao Vịnh sáp nhập với Mậu Thọ, Tam Đình gọi là xã Ba Đình. Năm 1956, theo chủ trương của Huyện uỷ Nga Sơn (các xã lớn trong huyện được tách ra thành lập các xã nhỏ), xã Ba Đình được chia thành hai xã Ba Đình và Nga Vịnh, trại Thất (thuộc làng Tuân Đạo) được đổi tên thành làng Vĩnh Thọ thuộc xã Nga Vịnh cho đến hiện nay.

Trại Thất xưa (Vĩnh Thọ ngày nay) là một làng nằm ở vùng đồng chiêm trũng, phía đông giáp với làng Vĩnh An; phía tây giáp với làng Vĩnh Lộc (tức làng Phú Quý); phía nam giáp làng Tuân Đạo; phía bắc giáp sông Hoạt (bên kia sông là làng Dừa xã Hà Vinh, Hà Trung).

Từ thành phố Thanh Hóa theo đường Quốc lộ 1A về phía bắc 37km, đến ngã tư thị xã Bỉm Sơn, từ đây rẽ phải theo đường liên huyện đi Nga Sơn khoảng 8km đến UBND xã Nga Vịnh, rẽ trái đi khoảng 1km nữa là đến làng Vĩnh Thọ nơi Linh Thất tự tọa lạc.

Lược sử 

Về lịch sử xây dựng chùa: Theo bản Lược sử chùa Thất và Lịch sử Đảng bộ xã Nga Vịnh cho biết: Chùa Thất thuộc làng Vĩnh Thọ xã Nga Vịnh được xây dựng dưới thời Nguyễn (năm 1883). Chùa được xây dựng ở khu trung tâm của làng, là ngôi nhà 3 gian với diện tích khoảng 70m2, cửa cuốn, mái lợp ngói vẩy, bên trong xây các ban thờ Phật. Đến đầu thế kỷ XX, chùa được trùng tu xây dựng lại, ngoài việc nâng cấp 3 gian như ban đầu, chùa còn được xây thêm hậu cung để lấy nơi thờ tự Mẫu. Chùa đặt thượng lương vào ngày mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912). Trong khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887), các tướng lĩnh của nghĩa quân chọn nơi đây để cư ngụ và trinh sát, làm vọng gác tiền tiêu phía bắc của căn cứ Ba Đình. Đầu năm 1960, chùa bị tháo dỡ làm sân kho hợp tác xã”, các di vật như: Tượng, chuông, trống, mõ bị mất mát, hư hỏng.

Quá trình hình thành, phát triển của chùa Thất trải qua các đời sư trụ trì như: sư Quảng, sư Hợp, sư Thấu, sư Hoạt, sư Thành. Trụ trì lâu nhất là sư Quảng người Kim Sơn từ chùa Lai Thành vào; sư Hợp từ Giao Thủy, Nam Định vào. Sau này sư Hợp đi học và trở thành Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn.

Kiến trúc và bài trí

Vào những năm gần đây, do nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh, bà con nhân dân trong làng đã chung tay góp sức tôn tạo lại ngôi chùa vào tháng 11 năm 2013, đến năm 2014, chùa đã cơ bản hoàn thành. Chùa hiện nay là ngôi nhà hình chữ Đinh với 3 gian Tiền điện và Hậu cung (Thượng điện). Tiền điện được xây theo kiểu chồng thềm 3 hiên; mái được lợp bằng ngói mũi hài và liệt bên trong; tất cả cột hiên được làm bằng bê tông giả gỗ.

Tiền điện gồm 4 vì kèo bê tông được làm theo lối kết cấu truyền thống tạo thành ngôi nhà 3 gian, hai tầng mái. Tường nhà được xây bằng gạch trát vữa. Hệ thống cửa gỗ làm theo kiểu pa nô. Phần cổ diêm cũng được xây gạch trát vữa. Mái được lợp ngói mũi và liệt bên trong, tàu đao của mái hình rồng mây cách điệu, đỉnh mái trang trí vòng tròn bánh xe pháp luân.

Hậu cung là một gian nhà được xây theo kiểu kết cấu dọc, mái lợp ngói mũi. Về bài trí tượng thờ ở Hậu cung, gồm 3 lớp thờ:

– Lớp bàn thờ cao nhất, là tượng A Di Đà Tam Tôn, ngồi giữa là tượng Phật A Di Đà. A Di Đà phật là vô lượng thọ (sống lâu vô cùng) cũng có nghĩa là vô lượng quang (sáng suốt vô cùng). Tượng Phật A Di Đà là tượng lớn nhất so với các tượng khác trong chùa. Tượng A Di Đà được tạc trong tư thế tọa thiền, tóc xoắn ốc, đầu để lộ đỉnh, khuôn mặt tượng tròn hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư, sống mũi cao, thẳng, miệng hơi mỉm cười, tượng mặc áo cà sa với những nếp gấp rất đều. Bên tay trái là tượng Phật Quan Thế Âm, bên tay phải là tượng Phật Đại Thế Chí. Đó là hai thị giả giúp việc cứu thế cho Phật A Di Đà. Sự có mặt ở vị trí đặc biệt tượng Phật A Di Đà cùng với tượng các Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đã nói lên ý nghĩa quan trọng của tín ngưỡng Tịnh Độ trong Phật giáo Việt Nam.

– Lớp thứ hai: Là pho tượng Phật thiên thù thiên nhãn, có thể nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh và giang tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng trưng cho sự thần thông quảng đại của Ngài, sự tinh tường, linh ứng, thần thông, vạn năng. Hai bên có hai thị giả giúp việc.

– Lớp thứ ba: Là tượng Cửu Long (Thích Ca lúc sơ sinh). Tượng Cửu long diễn tả Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới sinh. Theo truyền thuyết nhà Phật thì khi Thích Ca Mâu Ni mới giáng sinh, có 9 con rồng xuống phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong Ngài tự đi 7 bước trên 7 bông hoa sen về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất chỉ có Phật tính trong ta là tôn quý), mình được trang trí màu vàng. Hai bên là tượng Phạm Nhiên và Đế Thích. Đế Thích và Brahma – Phạm Thiên được coi là các chúa tể của thế giới người và thần, nên khi đức Thích Ca chưa thành đạo, họ phải ở luôn bên cạnh để hộ trì.

Gian bên phải (nhìn từ ngoài vào) của nhà Tiền điện là ban đặt tượng uy nghi, vẻ mặt nghiêm trang, nhân dân quen gọi là ông Trừng và gian bên trái đặt tượng thờ ông Thiện. Bên cạnh ông Thiện là ban thờ tượng Thánh Tăng.

Ngoài công trình chùa chính thì ở đây còn có nhà thờ Tổ. Nhà Tổ được xây dựng vào năm 1941. Đây là ngôi nhà 5 gian bằng gạch vữa, mái lợp ngói, hệ thống vì kèo được làm theo kiểu vì kèo suốt gác chếnh. Đây là nơi thờ ông tổ các dòng họ có công trong việc khai hoang lập làng. Ngôi nhà này ngày nay vẫn còn nhưng đã qua nhiều lần tu sửa, hiện nay ngăn một gian làm nơi thờ Thành hoàng bản thổ và 4 gian làm hội trường nhà văn hóa làng.

Chùa Thất là ngôi chùa có lịch sử trên 130 năm. Đây không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi có nhiều đóng góp trong phong trào Cần vương chống Pháp của nghĩa quân Ba Đình. Đây là một ngôi chùa mang nét đặc trưng của tín ngưỡng Tịnh Độ trong Phật giáo Việt Nam. Tuy ngôi chùa xưa không còn nữa nhưng bà con nhân dân cũng đã có những đóng góp công sức và tiền của để tạo dựng nên ngôi Tam Bảo khang trang để làm nơi Phật, khôi phục lại những nét sinh hoạt tâm linh của ông cha thuở trước. Đó cũng là công đức đáng được ghi nhận và tôn vinh.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), ThS. Vũ Thị Hường
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua Chon Thieng Thanh Hoa

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)