Chùa Linh Ứng (Linh Ứng Tự – Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Chùa Linh Ứng (Linh Ứng Tự – Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Chùa Linh Ứng được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII, tên chữ là Linh Ứng Tự hay còn được gọi với cái tên chùa thôn Thị Cẩm. Ngôi chùa tọa lạc tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Lược sử


Theo truyền thuyết ngôi chùa được thành lập vào thời Trần. Nhưng hợp lý hơn có lẽ là thời Lê, nếu ta so với ngôi đình của thôn Kiều Nhị bên cạnh xuất hiện năm 1671 và ngôi đình của chính thôn Thị Cấm được xây trước năm 1707, cách chùa 1km. Theo tư liệu trong chùa thì cuối thế kỷ XVII có bà Nguyễn Thị Hảo và chồng là người cùng làng đã góp công đức để tu sửa Phật điện, lầu chuông, gác khánh.

Năm Đinh Tỵ dưới đời vua Tự Đức (năm 1857) chùa được đại trùng tu. Năm Bảo Đại 11 (năm 1936) nhà chùa cho xây toà Thánh Mẫu, tô tượng và sắm đồ thờ mới. Năm sau lại sửa chữa lớn, xây điện vũ 5 gian, hậu đường, tăng phòng 9 gian. Gần đây nhất có đợt trùng tu vào đầu thế kỷ XXI.

Ngày 02/03/1990, Bộ Văn hoá – Thông tin đã xếp hạng chùa Linh Ứng là Di tích lịch sử – kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc


Tam quan của chùa xoay chếch về phía đông – nam, mới xây lại theo kiểu chùa Kim Liên và mở ra đường Phương Canh, ngay góc phía tây – bắc của ngã ba Phương Canh – Phúc Diễn. Chùa còn một cổng cũ mở ra ngõ 2 Phương Canh, nhìn về phía tây – nam, khá rộng ô tô ra vào được.

Sau tam quan là sân trước, hai bên có nhiều cây cảnh và vườn giả sơn, ở giữa là một phương đình 2 tầng 8 mái với tượng Quan Âm Nam Hải. Chùa chính cao ráo, bày trí trang nghiêm, bên trong bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông. Toà tiền đường 3 gian 2 chái, phía trước có sàn gỗ rộng được che bạt, hai bên có dãy nhà tả, hữu vu 7 gian đơn giản. Thiêu hương khá dài, thượng điện 3 gian. Phía sau sân hậu là nhà Tổ và nhà Mẫu, hai bên là khu phụ và vườn tháp.

Di sản


Ngoài tượng Quan Âm Nam Hải và hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông, vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh 2 (năm 1795) nhà chùa cho đúc một quả chuông đồng với tên là “Linh Ứng chung”. Đến năm Thành Thái (năm 1903) dân làng đúc một đại hồng chung ghi 3 chữ “Linh Ứng tự”. Ngoài hai quả chuông nói trên, trong chùa hiện còn lưu giữ được các tượng gỗ cổ mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII và XIX.

Tham khảo


  • https://www.360.hncity.org/spip.php?article698
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)