Chùa Long Đẩu nằm trong quần thể di tích chùa Thầy. Từ chùa Một Mái đi vòng chân núi trở về phía trước chùa Thầy, ta gặp ngọn núi Long Đẩu Sơn ngay bên bờ hồ Long Trì. Ngọn núi có hình đầu rồng là tiền án của chùa Cả “Thiên Phúc Tự”. Dưới chân núi này là chùa Long Đẩu cổ kính.
Chùa được khởi dựng vào cuối thế kỷ XI và được trùng tu lớn vào thời Trần, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294). Năm Chính Hoà thứ 21 (1708), chúa Trịnh Cương cùng Cung Tần Ngọc Lãnh đã bỏ tiền vàng cúng tam bảo, xây thêm nhà Tổ, hành lang, hậu điện, tam quan.
Với không gian kiến trúc Phật giáo vừa trang nghiêm, cổ kính vừa tĩnh mịch lại gần gũi với đời, chùa Long Đẩu xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai là sự kết hợp của hai khối kiến trúc thờ phật và thờ thánh trong một kết cấu mặt bằng tiền công (nơi thờ phật) và hậu nhất (nơi thờ thánh). Đây cũng là một dạng mặt bằng ít gặp trong kiến trúc chùa cổ Việt Nam, với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVII.