Vị trí
Chùa Long Khánh là một khu tâm linh tọa lạc tại số 141 đường Trần Cao Vân, thuộc làng Cẩm Thượng, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Lược sử
Chùa được khởi công xây dựng bởi thiền sư Tích Thọ (tên là Nguyễn Trinh Tường) đời thứ 38 của thiền phái Lâm Tế.
Tuy nhiên theo nhiều nguồn tài liệu Phật giáo tổng hợp thì người thực sự có công khởi dựng Chùa Long Khánh là thiền sư Đức Sơn. Thiền sư Đức Sơn chính là ông tổ thứ 35 của thiền phái Lâm Tế Chánh Tống. Ông sinh năm Kỷ Mùi và viên tịch năm Tân Dậu, hiện đang được thờ cúng tại Tổ Đình.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, chỉ có 1 năm Ất Mùi duy nhất là vào năm 1715. Bởi vậy nên có thể xác định thời gian khởi công xây dựng chùa muộn nhất là vào năm này chứ không phải là năm 1807 như Đại Nham Nhất Thống Chí đã nêu.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử với nhiều thăng trầm và biến cố, kiến trúc của ngôi đền so với thiết kế ban đầu đã có khá nhiều sự thay đổi. Chùa Long Khánh Quy Nhơn đã từng được trùng tu vào các đời thiền sư Tịch, Chính Nguyên, Thiên Thánh, Chánh Nhơn.
Lần trùng tu được ghi nhận là lớn nhất lịch sử được biết đến vào năm 1956 và được hoàn thiện trong thời gian kéo dài 6 năm, đến năm 1972 mới được hoàn thiện.
Kiến trúc
Được xây dựng để phục vụ nhu cầu tâm linh của người Hoa nên về tổng thể kiến trúc ngôi chùa Long Khánh giống như chữ “Khẩu”, chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách xây chùa của người miền Nam Trung Hoa.
Để bước vào chùa, bạn sẽ phải đi qua một cổng tam quan được xây bằng đá xanh vững chắc và lợp bằng mái ngói âm dương. Chính giữa bên trên là một cổ lầu với tượng Bạch y Quan Thế Âm hiền từ, kết hợp với những bức điêu khắc uốn lượn tinh xảo trên nóc tạo nên sự linh thiêng cho ngôi chùa.
Phía trước cổng tam quan thì được đặt một lư hương sơn vàng bắt mắt và hai bức tượng sư tử đá màu trắng uy nghiêm ở hai bên như để canh gác, bảo vệ sự yên bình cho chốn tâm linh này.
Bước qua tam quan là một khoảng sân rộng, nổi bật là bức tượng A Di Đà cao 17m được chế tác tỉ mỉ, đứng trên một tòa sen hồng đang nở rộ, bên dưới được đỡ bởi một bệ đá xanh hình bát giác vững chãi, cùng với hồ sen trong vắt phía trước và những chậu cây xanh mướt xung quanh làm không gian chùa Long Khánh Quy Nhơn trở nên tĩnh mịch và thoáng đãng hơn.
Chánh điện là công trình lớn nhất tại chùa với kiến trúc “tiền đường hậu tẩm” gồm những ngôi nhà ngói đỏ cong vút như đình đài lầu các xa xưa đặt liền kề nhau trên một cấu trúc nền cao hơn 1,5m và xung quanh được bao bọc bằng hệ thống lan can chắc chắn.
Tiền đường ở chính giữa dài hơn 8m, được xây thành nhiều tầng tạo thành một tòa tháp cao vút vươn thẳng lên trên, nổi bật giữa nền trời xanh ngắt. Các cánh cửa thì được làm từ gỗ quý và khắc tên ngôi chùa bằng sơn son thếp vàng đẹp mắt.
Từ các mái ngói, các cột trụ, các ô cửa cho đến các bức tường của ngôi chùa Long Khánh ở Bình Định đều được chạm khắc tinh tế, cẩn thận đến từng chi tiết, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng khiến du khách không thể rời mắt.
Để bước lên chính điện, bạn phải đi qua những bậc thang bằng bê tông, hai bên là hai con rồng bằng đá uốn lượn – biểu tượng quen thuộc của bậc đế vương xưa kia, khiến ta có cảm giác như đang đi lạc vào một không gian cung đình xa xưa, cổ kính mà không mất đi vẻ trang nghiêm.
Bên trong chính điện thì được thờ Đức Phật Thích Ca bằng đồng cao 2m ở giữa và Đức Phật A Di Đà cùng Quan Âm Chuẩn đề ở 2 bên.
Nằm ngay phía sau là hậu điện với diện tích 48 m2 được đặt một bức tượng đồng Đức Thế Tôn cao 1,5m nặng hơn 1.200 kg. Bên trái là lầu chuông cao 7m, được treo 1 quả chuông đồng cao 1,7m nặng hơn 700 kg được hòa thượng Nguyễn Trinh Tường đúc vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long thứ 4. Đối xứng bên phải thì là lầu trống treo một chiếc trống cao 1,5m, tất cả đều là những cổ vật từ xa xưa còn lưu lại.
Ngoài ra, khuôn viên chùa còn có Đông phòng và Tây Phòng dành cho tăng ni ở hai bên và Tổ đình – nơi thờ vị trụ trì đầu tiên của chùa cùng nơi thờ các vị khai sơn phá thạch của chùa ở phía sau.
Di vật
Chùa Long Khánh Quy Nhơn còn lưu giữ hiện vật vô cùng quý giá nữa là Tấm dấu biểu trưng cho “Long Khánh Tự” được in vào năm 1813 vào triều vua Gia Long thể hiện sự yêu quý và tôn kính của nhà vua đối với ngôi chùa.
Xét về giá trị kiến trúc thì chùa không được đánh giá quá cao. Tuy nhiên nếu tính trên phương diện tính chất lịch sử thì ngôi chùa hiện nay vẫn đang lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ. Đặc biệt phải kể đến quả chuông Khánh Đồng với một số bút tích minh văn vẫn còn rõ nét.
Ngoài ra, còn có tượng Bạch y Quan Thế Âm, tượng A Di Đà cao 17m, Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà, Quan Âm Chuẩn đề, tượng đồng Đức Thế Tôn, lầu chuông cao 7m, quả chuông đồng cao 1,7m nặng hơn 700 kg,…
Sự kiện – Thành tựu
Dù cho ngôi chùa không còn giữ được những nét cổ kính so với niên đại của nó, nhưng đây vẫn là nơi lưu dữ những chứng tích lịch sử- văn hóa đầy giá trị. Nơi đây cũng được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của tỉnh Bình Định, cũng như điểm đến thu hút khách du lịch gần xa mỗi khi đến với thành phố biển xinh đẹp này.
Tham khảo
- https://www.vntrip.vn/cam-nang/chua-long-khanh-quy-nhon-binh-dinh-48995
- https://quynhonme.vn/chua-long-khanh-quy-nhon-300-tuoi
- https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/ve-dep-chua-long-khanh-quy-nhon.html
- https://vn.alongwalker.co/chua-long-khanh-voi-nien-dai-hon-300-nam-o-quy-nhon-binh-dinh-s30006.html