Vị trí
Đầu thế kỷ XIX, Mễ Sở thuộc tống Mễ Sở, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng. Chùa Mễ Sở nằm cạnh đê sông Hồng, nằm giữa một vùng quê trù phú từ lâu đã nổi tiếng với pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Cùng với các di tích khác quanh vùng như đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, chùa Phú Thị và các địa điểm như Hàm Tử, Chương Dương, Bãi Tự Nhiên… đã tạo nên một quần thể di tích rộng lớn.
Cổ vật
Chùa được dựng từ thời Hậu Lê và đã được tu sửa nhiều lần, các dấu tích hiện còn chủ yếu được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX. Duy chỉ có bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, còn giữ được tương đối nguyên vẹn.
Quan Âm hay Quan Thế Âm có nghĩa là nghe tiếng kêu đau khổ của chúng sinh trong cuộc đời để cứu vớt. Quan Âm có thể hóa hiện thành muôn nghìn hình khác nhau để thích ứng với mọi hoàn cảnh nhằm cứu độ mọi trường hợp đau khổ. Với một pháp lực và quyền năng vô biên, cùng sự minh triết tuyệt đối với thiên thủ thiên nhãn, người cứu độ hết thảy.
Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền với kích thước khá lớn. Từ chỏm tới mặt ngồi cao 1,4m, bệ cao 0,53m, tòa sen cao 0,23m, với khuôn mặt thanh thoát, thuần hậu, thân hình thon thả, tạo nên một pho tượng đẹp cả về nội dung và hình thức thể hiện. Tượng có hai đôi tay chính, đôi thứ nhất chắp trước ngực, mang ấn “chuẩn đề“, đôi tay còn lại đưa lên phía trên đỡ các đài sen và tượng Phật nhỏ. Các đôi tay lớn ít nhiều có nét mềm mại uyển chuyển, các cánh tay tròn lẳn, đế trần được chắp vào ờ hai cạnh sườn trong tư thế cao thấp khác nhau. Độ mở của các cánh tay vừa đủ cao mà không che khuất pho tượng.
Ngay sát phía sau tay lớn là hệ thống tay nhỏ với hàng trăm tay mắt được kết thành 10 lớp mọc theo từng cặp cân xứng. Mười lớp tay mắt này lại được chia làm 3 phần lớn, tạo cảm giác như có ánh hào quang tỏa ra từ đầu tượng. Phía trên đầu tượng ở mũi hào quang chạm nổi hình đám mây với những cánh tay nhỏ đan đều như những cánh chim trong tư thế bay xuống. Con chim này đã tránh cho vầng hào quang nét “vô duyên” của tạo hình, gợi mở cho người xem trí tò mò về Phật pháp. Các tay nhỏ của tượng được thể hiện với những cánh tay dài thon thả, các mắt được đặt trong lòng bàn tay kết ấn cam lộ, các cánh tay này dài ngắn khác nhau theo độ mở dần lấy đầu tượng làm trung tâm, khiến chúng như mang một chức năng kết hợp tạo thành hào quang…
Cùng với phần đài sen, bệ tượng, tất cả tạo nên một pho tượng hoàn chỉnh với những đường nét điêu luyện tỉ mỉ. Quan niệm vẻ đẹp đương thời đã được các nghệ nhân gửi gắm vào pho tượng với những đường nét thanh thoát, phúc hậu cho khuôn mặt và dáng tượng.
Đây là một trong những pho tượng gỗ tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỳ XIX.
Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở là niềm tự hào của điêu khắc tượng Việt, mang nhiều nét sáng tạo mà vẫn phản ánh được tinh thần nhân ái của đạo Phật và tâm hồn Việt Nam.
Di tích quốc gia
Chùa Mễ Sở được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Tham khảo
- Trích “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn học, 2012, tr. 252-254.