Chùa Minh Khánh còn có tên gọi khác là Chùa Hương Đại hay Chùa Hương thuộc thôn Bình Hà xưa, nay thuộc khu 6, thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Lược sử
Chùa Minh Khánh thuộc hệ phái Bắc tông. Dựa vào những văn bia tại chùa thì ngôi chùa này được xây dựng vào thời Lý. Đến cuối thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông vị vua từng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đồng thời là vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, khi ghé tới đây đã đặt tên chùa là Minh Khánh.
Trong thời gian xuất gia tu hành, Trần Nhân Tông có trở lại chùa Minh Khánh và để lại huyết thư (thư viết bằng máu). Trong thời kỳ cách mạng và những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chùa Minh Khánh cũng là một căn cứ quan trọng của huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương.
Chùa Minh Khánh được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các thế kỷ XV, XVI, XVII, XIX và thế kỷ XX. Năm 1947 chùa bị quân giặc phá hủy gần như hoàn toàn với mục đích tiêu thổ kháng chiến. Năm 1957, dưới sự góp công góp của của nhân dân địa phương, chùa bắt đầu được phục dựng tòa tam bảo theo quy mô cũ nhìn về hướng Nam. Năm 1980, chùa tiếp tục được xây dựng thêm 3 gian nhà tổ. Cho tới năm 1987, chùa lần lượt được xây dựng thêm 3 tháp mộ, 4 gian nhà tăng, 5 gian tiền đường. Năm 1993, cổng tam quan chùa được xây dựng lại trên nền đất xưa với quy mô và hình thức như cũ. Năm 1995, xây dựng lại điện Phật gồm 10 gian lớn khang trang, bề thế phục vụ nhu cầu chiêm bái của nhân dân. Năm 1998, tiền đường được trùng tu lại trở thành kiến trúc gồm 7 gian.
Năm 1990, chùa được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Kiến trúc
Trải qua khoảng thời gian dài tôn tạo và trùng tu, đầu thế kỷ XXI, cơ bản các hạng mục của chùa đều được hoàn thiện trên nền khuôn viên rộng tới 10.000m² . Các hạng mục được phục dựng và xây dựng bao gồm: cổng Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà tổ, điện Phật, hành lang, nhà tăng, nhà khách… tổng cộng 84 gian lớn nhỏ như hiện nay.
Cổng tam quan mái chồng diêm cao ba tầng nổi bật. Sau một sân gạch dài qua một giếng chùa rất to là khu vực sân tiền đường. Bên cạnh là một lối nhỏ dẫn vào trong chùa. Kiến trúc chùa ngày nay được xây dựng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” truyền thống. Phía sau tiền đường là tòa thiêu hương rồi đến thượng điện. Liền với gian bên phải tiền đường là hành lang kéo dài xuống Tổ đường, chỉ thiếu một hành lang đối diện ở vị trí áp lưng vào vườn tháp mộ. Vườn tháp, phương đình cùng các nếp nhà khác nằm vây quanh một sân gạch rất rộng ăn thông ra phía sau chùa. Khu vực cuối cùng này cũng rất rộng và có một hòn núi giả mới đắp khá dài. Chùa chính được bài trí theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh” kết hợp tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”.
Di sản
Theo sử sách và truyền thuyết, khi nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3 vào năm 1287, vua Trần Nhân Tông đã từ Tràng An đến hội quân với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đóng tại đây. Trước ngày xuất quân, đức vua lập đàn tế trời Phật rồi cắt máu ăn thề trước cửa chùa với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Tại vùng Bình Hà, ngày nay còn lưu lại các địa danh như giếng Ngự Dội (giếng vua tắm), đống Quan Cư (gò đất quan ở), kho Gạo (kho quân lương)…
Hiện nay, chùa Minh Khánh đang lưu giữ các bức tượng Phật giáo Bắc tông, hầu hết được đúc mới bằng đồng và tượng đức Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông để ria mép, đội mũ miện và mặc áo cà sa thể hiện trạng thái đang sắp chuyển hóa từ vua thành Phật. Ngoài pho tượng Trần Nhân Tông, chùa còn lưu giữ 9 hạt màu đen có lỗ xỏ như tràng hạt của nhà sư, được bảo lưu trong một hộp rất trang trọng, tương truyền đó là 9 hạt xá lỵ của Trần Nhân Tông. Bên cạnh đó là 6 câu đối có niên đại trước thế kỷ XX, 5 bức đại tự, 13 sắc phong cùng 18 pho tượng cổ. Tại sân chùa có một tháp nhỏ đặt trước tiền đường gọi là Lưu huyết thư tháp nơi vua Trần Nhân Tông để lại huyết thư. Ngoài ra còn có 8 bệ đá cổ trong khuôn viên chùa, được chọn làm nơi để các giáp đặt mâm ngũ quả lễ đức vua và dự thi trong ngày hội,…
Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ 15 tấm bia lớn nhỏ có niên đại lâu đời. Nội dung về những bản tự và văn chỉ được bảo lưu tại chùa gồm:
- Minh Khánh đại danh lam – Hồng Thuận tam niên (được khắc dựng năm Hồng Thuận thứ 3 (năm 1511, cuối thời Lê sơ có ghi việc vua Trần Nhân Tông đặt tên cho chùa là Minh Khánh và lưu huyết thư)
- Công đức bi ký – Dương Đức nguyên niên (1679)
- Minh Khánh tự sáng lập tiền đường bi ký – Vĩnh Thịnh thập nhị niên (1716)
- Thanh Hoa Lãng Nhuận bi – Minh Mệnh bát niên (1827)
- Trùng tu Minh Khánh tự bi – Thiệu Trị tam niên (1843)
- Tân điền bi – Tự Đức nhị thập tứ niên (1871)
- Trùng tu Minh Khánh tự bi – Thành Thái thập nhị niên (1900)
Lễ hội
Hằng năm, hội chùa Minh Khánh bắt đầu từ ngày 28/10 đến ngày 3/11 âm lịch, trong đó chính hội vào 1/11 nhằm tưởng nhớ ngày mất của Trần Nhân Tông. Lễ rước sắc được tổ chức vào sáng ngày 29/10 âm lịch. Tới sáng 30/10, các giáp sẽ rước cỗ về chùa cúng Vua và đức Phật và tổ chức phần hội.
Tham khảo
- https://oancotam.com/chua-minh-khanh/
- https://vaithieuthanhha.net.vn/thanh-ha-que-vai/chua-minh-khanh.html
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Minh_Kh%C3%A1nh