Chùa Mỹ Quang (Linh Quang tự – Đống Đa, Hà Nội)

Chùa Mỹ Quang (Linh Quang tự – Đống Đa, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi


Chùa Mỹ Quang có tên chữ là Linh Quang tự còn gọi là chùa Am.

Vị trí địa lí


Chùa Mỹ Quang số 63 ngõ Chùa Mỹ Quang, phường Trung Phụng, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2,6km (hướng 7h).

Chùa Mỹ Quang nằm ở phía tây bắc hồ Khang Thuỷ (khi thực dân Pháp làm quốc lộ QL1A và đường sắt Bắc-Nam thì hồ này —xưa kia là một danh thắng của kinh đô Thăng Long và to chỉ kém hồ Tây— mới bị tách ra thành hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu).

Lược sử


Căn cứ vào tấm bia “Bi kí lưu truyền” khắc năm thứ 28, niên hiệu Cảnh Hưng (1767), chùa được mở mang vào thế kỷ 18. Từ đó đến nay chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần: Ở hạ điện thượng lương đề ngày 20.10.1936, ở trung điện thượng lương ghi tháng 2 năm 1936.

Hiện nay, chùa ở trên khoảnh đất chừng 400m2 , cổng chùa hướng đông – đông nam. Chùa chính Phật điện xây hình chữ Đinh, gian ngoài 3 gian, 2 chái bít đốc, nóc cao 6m theo lối chồng diêm, 2 tầng, 4 mái. Sau chùa chính là 5 gian bái đường dẫn tới nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu. Trước chùa có 3 ngôi tháp và 2 nhà bia. Nhà bia lớn có 1 tấm khắc tên những người cúng công đức xây dựng chùa, dựng năm 1934; nhà bia nhỏ không còn bia.

Gian tiền đường phía ngoài treo quả chuông lớn “Mỹ Quang tự chung” đúc năm Tự Đức 2 (1849). Chùa chính treo nhiều bức đại tự, các nghi môn và nhiều câu đối sơn son thếp vàng. Bức đại tự ở gian giữa đề “Mỹ Quang tự”, làm năm Thành Thái 2 (1900). Trong Phật điện còn các câu đối lớn, chữ vàng trên nền sơn đỏ nội dung ca ngợi sự thanh cao của đạo Phật. Nhà Tổ thờ các vị sư. Tiếp theo nhà Tổ là nhà Mẫu thờ Tam toà Thánh Mẫu, rồi tới nhà khách . 

Liền kề chùa Mỹ Quang ở phía đông có ngôi đình làng, còn gọi là đình Trung Kính. Không xa đó từng có Khâm Thiên Giám là một cơ quan thiên văn lập lịch của triều đại nhà Lê, đến nay tên này vẫn lưu lại ở tên đình Khâm Đức và phố Khâm Thiên. Khu vực quanh chùa Mỹ Quang xưa còn có sông Kim Ngưu chảy qua ở phía tây trước khi ngoặt về đông. Một đoạn dài của sông dần dần bị thu hẹp rồi ngầm hoá vào thế kỷ XX và để lại dấu tích ở cái tên Cống Trắng.

Trong đợt ném bom của không quân Mỹ vào tháng 12-1972 xuống phố Khâm Thiên, cả ngôi chùa đã may mắn thoát khỏi số đen của phần lớn các ngôi nhà xung quanh. Khu vực bị huỷ diệt về sau được xây dựng lại, tuy nhiên một số hộ dân đã tranh thủ lấn chiếm đất của chùa Mỹ Quang và đình Trung Kính.

Di vật


Chùa Mỹ Quang còn lưu được 19 pho tượng tròn, 5 tượng Mẫu, 2 quả chuông đồng, 1 đôi song bình, 1 độc bình, 80 hoành phi, 8 đôi câu đối, 1 long ngai, 8 bia đá đa số ghi ruộng hương hoả nhà chùa, 1 bia Linh Quang thần tử nói rõ chuyện các sư dựng chùa, 1 đôi ngựa gỗ, 1 hương án gỗ chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Các pho tượng được đặt trên tam bảo (Phật, Bồ Tát) của chùa chính, một số ít đặt ở tiền đường, một số nữa ở hậu cung. Các pho tượng này không lớn lắm: tượng A Di Đà, tượng Quan Âm 12 tay mỗi tay cầm 1 nghi vật, ngồi trên toà sen; các tượng Tam Thế, Cửu Long, Đức Ông, Thánh Tăng, Bà Lang Thuốc. Ngoài ra còn giữ được 5 pho tượng Mẫu cũng có giá trị nghệ thuật cao.

Lại có một quả chuông lớn bằng đồng ghi bốn chữ Hán “Mỹ Quang Tự Chung”, đúc năm Tự Đức 2 (1849)

Sự kiện – Thành tựu


Di tích cũng là nơi trú ngụ của các chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật, là nơi chứng kiến sự ném bom huỷ diệt dã man của đế quốc Mỹ năm 1972.

Di tích tích cần được bảo vệ, trùng tu tôn tạo để làm nơi tham quan, làm chứng tích lịch sử. Chùa đã được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa năm 1990.

Tham khảo


  • http://dulich24.com.vn/du-lich-quan-dong-da/chua-my-quang-id-3515
  • http://dulich24.com.vn/du-lich-quan-dong-da/chua-my-quang-id-3515
  • http://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/ThangLongHN/Lists/Posts/Post.aspx?ID=5
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)