Chùa Ngoại Thôn (Thanh Quang Tự – Nga Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Ngoại Thôn (Thanh Quang Tự – Nga Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Ngoại Thôn, tên chữ Hán là Thanh Quang tự, ở làng Hồ Đông xã Nga Thành, huyện Nga Sơn. Làng Hồ Đông xưa kia có tên là Ngoại Thôn tức là thôn ngoài. Theo lịch sử, vùng đất này xưa kia đây là vùng giáp ranh với biển không có người ở, vào đầu thời Nguyễn một số người từ nơi khác đến vùng đất này khai cơ lập ấp dần dần tạo nên làng xóm. Tiêu biểu trong số những người tiên phong đến khai ở vùng đất này có các ông: Trịnh Kiên, Hà Chế, Hà Nho, Mai Chấn Thành,… Khi trở thành vùng đất có cư dân đông đúc, kinh tế ổn định là lúc các nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng của người dân lại cần được đáp ứng, đặc biệt đối với những người dân sống ở vùng kề sông biển với những thiên tai, lụt lội luôn đe doạ đến cuộc sống của họ. Người dân làng Ngoại Thôn ý thức được điều đó, họ cần vị thần linh che chở cho họ, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, chí ít là tạo cho họ niềm tin về một sức mạnh linh thiêng nào đó, làm chỗ dựa cho họ vững niềm tin trong lao động và sản xuất hàng ngày. Người dân làng Ngoại Thôn đã cho xây dựng 3 công trình văn hóa phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, gồm chùa Thanh Quang, Đình làng và phủ Mẫu.

Nơi thờ phụng

Chùa Thanh Quang thờ Phật, thờ Quan Âm Nam Hải tọa lạc ở phía Đông của làng, một ngôi chùa nhỏ 3 gian 8 mái với lối kiến trúc chữ Đinh truyền thống đã được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng cho người dân. Đến khoảng những năm 1937, Nga Sơn chịu sự áp chế của thực dân Pháp, chùa Thanh Quang ở vào vị trí cửa ngõ phía Đông đã trở thành cơ sở cách mạng, chùa là đầu mối liên lạc của các cán bộ Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ về đây hoạt động cách mạng và cũng là tai mắt để kịp thời báo động cho cán bộ biết mỗi khi giặc Pháp vào làng lùng sục bắt bớ. Đến cuối năm 1951 khi bộ đội ta tiến đánh đồn Văn Hải thì chùa Thanh Quang trở thành địa điểm hội quân. Sau đó vì biết chùa là cơ sở cách mạng, giặc Pháp đã đốt chùa, phá tượng. Đến năm 1962 thì chùa bị hư hoại hoàn toàn.

Đình làng Ngoại Thôn thờ vị thần có tên là Áp Lãng chân nhân, theo sự tích được ghi lại trong sử sách: Thời Hùng Vương có ông La Viện, người vùng Thuần Kênh, châu Ái (Hậu Lộc, Thanh Hóa), năm ngoài 20 tuổi, rời nhà vào rừng hái thuốc mà đắc đạo. Khi Hùng Vương đi Nam chinh, đến cửa biển Thần Đầu (Thần Phù), bị sóng gió ngăn trở đến hơn một tháng. Vua sai sứ triệu La Viện hỏi kế, ông xin vua trai giới, rồi cho quân sĩ khai thuyền xuất phát, La Viện tự cưỡi thuyền nhẹ đi trước, đi đến đâu biển yên không nổi sóng đến đó. Khi ban sư trở về, La Viện hóa ở dọc đường. Hùng Vương hạ chiếu phong làm Áp lãng Chân nhân tức là vị chân nhân đè sóng. Lại cho lập miếu ở phía nam cửa biển Thần Đầu, lệnh cho các thôn Nhân Phẩm, Phù Sa và Anh Tốt phụng thờ.

Đến đời vua Lý Thánh Tông đem binh thuyền đi đánh Chiêm Thành đến cửa biển Thần Đầu bị sóng to gió lớn, vua thân đến miếu cầu đảo, thần báo mộng rằng: “Nhà vua có phúc lớn, tôi xin giữ gìn an toàn, ngày mai xin cho tiến quân, chớ có lo sợ”. Đêm hôm ấy gió lặng, đến sáng nhổ neo, ra đến ngoài khơi xa trông những đợt sóng cao như núi, mà thuyền bè vẫn êm ả như không, quan quân nhìn thấy một đạo sĩ đi trên mặt nước lúc ở phía trước, lúc ở phía sau. Sau khi thắng trận về triều, vua Lý phong thêm sắc phong cùng mĩ tự.

Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây nhớ lại chuyện cũ làm đôi câu thơ:

Chương Hoàng trọng tải điền hà thạch

La Viện khinh thừa áp lãng chu.

Nghĩa là

Vua Chương Hoàng chở đá nặng lấp sông,

Tiên La Viện cưỡi thuyền nhẹ dẹp sóng.

Đời Lê Trung Hưng, quan quân qua biển, gặp sóng lớn cầu thần phù hộ. Chợt thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ, chèo thuyền nhỏ đi đến đâu sóng yên đến đó. Vua hồi kinh nhớ ơn ban tặng sắc phong và mĩ tự, bạn tặng là: Linh ứng Thượng đẳng thần. Thần Áp Lãng chân nhân là vị thần biểu tượng cho vùng biển Nga Sơn, theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì trên địa bàn toàn tỉnh có 2 nơi thờ thần là Hà thôn và Ngoại thôn huyện Nga Sơn. Căn cứ theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì đình Ngoại thôn là một trong hai địa điểm thờ chính thần Áp Lãng chân nhân.

Đình làng Ngoại thôn còn là nơi con cháu phụng thờ, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập ấp, những người đã ngăn sông, lấn biển, khai khẩn đất hoang tạo dựng nên một làng quê trù phú thanh bình. Trong đó tiêu biểu là các ông Hà Chế, Hà Nho, Trịnh Kiên, Mai Chấn Thành,… những vị này đến nay vẫn được người dân thờ cúng và tôn vinh như những vị Thành hoàng của Ngoại thôn.

Phủ Mẫu Ngoại thôn thờ Tứ vị thánh nương, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ vị thánh nương là tín ngưỡng không chỉ được cư dân vùng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An tôn thờ mà được cư dân miền duyên hải và vùng đồng bằng coi là một tín ngưỡng thờ phụng quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Truyền thuyết về Tứ vị thánh nương được nhiều sách để cập đến, như:

Sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời Lê Anh Tông tóm tắt nội dung thần tích như sau: “Thời Nguyên Tống phân tranh, vua Trần Thái Tông nhìn lên trời thấy điềm lạ, biết được vận nước Nam Tống sẽ hết. Vào lúc nguy cấp, Dương Thái hậu, hai công chúa và một thị nữ cùng ngồi một chiếc thuyền nhỏ đi về phương Nam, phiêu dạt đến bờ biển Việt Nam, trú ngụ tại một ngôi chùa mấy tháng. Khi nghe tin Đế Bính và thần tướng hàng trăm người đã nhảy xuống biển, bèn lấy nghĩa sống vì việc nước chết vì quốc nạn mà nhảy xuống biển chết. Thi thể trôi về cửa Đại Càn ở Hoan Châu, Tây Phương thiên sứ thác mộng cho cư dân địa phương, tuyên chiếu bốn người đã được sắc lệnh cho làm thần biển cửa biển Đại Càn. Mọi người bèn ra bãi biển làm lễ mai táng và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ, viết thần hiệu là Tứ vị vương bà.

Ghi chép về thần đền Cửa Cờn, tác giả Vũ Trinh (1739-1828) trong sách Kiến văn lục có đoạn chép “Đền Cửa Cờn ở Nghệ An thờ bốn vị Thánh nương. Tương truyền trong trận Nhai Sơn vào năm Tường Hưng (1279), quân Tống thua to, Dương Thái hậu và ba công chúa nhảy xuống biển tự tử, gió đưa dạt vào Cửa Cờn. Lênh đênh trên biển mấy ngàn dặm, sắc mặt vẫn còn như sống. Sóng to gió lớn là vậy, mà thân hình vẫn nguyên vẹn. Sư chùa nhìn quần áo họ mặc, lấy làm lạ, vớt lên đem chôn cất tử tế. Sau này dấu thiêng hiển ứng, người địa phương làm đền thờ, được liệt vào Tự điển, là Đệ nhất linh thần của nước ta”.

Sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục có đoạn: “ Vua Trần Anh Tông (1293-1314) chinh phạt Chiêm Thành, khi đóng quân ở cửa biển Đại Càn, đêm mộng thấy một vị phu nhân cùng 3 cô gái đến tự kể về thân phận và nguyện được theo nhà vua đi đánh giặc. Vua tỉnh dậy bèn cầu đảo trước miếu thần, quả nhiên khí thế ngút trời, phá thành bắt vua Chiêm. Sau khi thắng trận, vua Anh Tông bèn cho tu sửa miếu vũ, lăng mộ Tứ vị vương bà, tặng phong sắc chỉ làm Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Chiêm Thành không chịu thần phục, Thánh Tông dẫn binh tiến đến cửa Đại Càn vào miếu tế lễ thần. Lúc ấy có một người lính ở kinh thành Thăng Long tên là Lê Thọ cũng vào cầu đảo trong miếu thần. Lê Thọ trong lúc chiến đấu bị hãm vào trận địa của giặc, dường như sắp chết trong tay giặc thì bỗng nhiên Thánh nương hiển linh, hóa thành nữ tướng quân, chỉ trong chớp mắt hãm quân địch vào tử địa. Sau khi bình Chiêm xong, Lê Thọ cáo trình lên Thánh Tông, được nhà vua đồng ý cho rước Thánh nương về quê hương lập đền thờ phụng, ở giữa nơi dân cư lập đền thờ phụng, viết thần hiệu là Thượng đẳng phúc thần”.

Di tích lịch sử – cách mạng

Trong những năm chống thực dân Pháp, đình làng là cơ sở cách mạng của cán bộ Việt Minh, trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đình làng trở thành trận địa của bộ đội pháo binh. Cho dù trong hoàn cảnh nào, đình Ngoại thôn vẫn là địa chỉ tin cậy để cho những người dân lương thiện, yêu nước nương tựa, gửi gắm niềm tin vào.

Đến đầu năm 1990, lòng hồi cố về ngôi chùa Thanh Quang linh thiêng, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự hằng tâm ủng hộ của nhân dân trong xã cũng như của các thế hệ con cháu trong làng nay đã xa quê, ngôi chùa Thanh Quang đã được xây dựng lại ngay trong khuôn viên đình làng và phủ Mẫu. Ngôi Tam bảo tuy còn đơn sơ nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật của người dân trong vùng.

Năm 2011 quần thể di tích đình làng – phủ Mẫu – chùa Ngoại Thôn (Thanh Quang tự) đã được công nhận là Di tích lịch sử – cách mạng cấp Tỉnh.

Tháng 5 năm 2015 Sư cô Thích Nữ Thuần Niệm được bổ nhiệm trụ trì chùa Ngoại Thôn và điều hành mọi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật tại chùa Ngoại Thôn. Dưới sự dẫn dắt của Sư cô trụ trì, hoạt động Phật sự trong các ngày lễ trọng của Phật giáo đã được diễn ra theo đúng quy củ và điển chế Phật giáo. Các hoạt động Phật sự khác như: khóa tu học thường nhật cho Phật tử, khóa lễ tụng kinh thường ngày… đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của tín đồ Phật tử.

Ngày nay đến thăm chùa Ngoại Thôn, tức là đến thăm một quần thể di tích lịch sử văn hóa – cách mạng gồm: đình làng – phủ Mẫu nhìn ra hướng Tây Bắc; chùa Thanh Quang nhìn ra hướng tây nam, cả ba công trình kiến trúc này có tính chất liên hoàn cùng trong một khuôn viên rộng hơn 7.000m. Tín đồ Phật tử đến đây có thể cùng lúc thỏa mãn các nhu cầu tâm linh tín ngưỡng. Tuy nhiên, chùa rất cần sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như sự hảo tâm công đức của chư khách thập phương xa gần để chùa sớm được trùng hưng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân bản địa cũng như tín đồ Phật tử gần xa.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), ThS. Vũ Ngọc Đinh
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua Chon Thieng Thanh Hoa

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)