Tên gọi
Chùa Phúc Thắng được đặt theo rất nhiều tên khác nhau gắn với ý nghĩa khác nhau, theo chữ Hán Ngữ là Phúc Thắng Tự, tên theo địa danh là chùa Lạng hay chùa Ngoại Lãng, tên theo lễ hội truyền thống là chùa Hội, tên theo tước hiệu vị Tổ sư của chùa là chùa Đạt Mạn (Thiền sư Đỗ Đô). Đây là ngôi chùa thờ danh nhân văn hoá Đỗ Đô tức Đỗ Sinh Công – một nhà Thiền học có nhiều ảnh hưởng đến giáo phái Hoàng Giang ở Việt Nam thời Lý (thế kỷ XI).
Vị trí
Chùa Phúc Thắng thuộc làng Lạng (Ngoại Lãng), xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cách thành phố Thái Bình khoảng 10km. Đây là trung tâm Phật giáo lớn của triều Lý ở thế kỷ XI.
Thiền sư Đỗ Đô
Đỗ Đô sinh ngày 9 tháng Giêng năm 1042 triều Lý Thái Tông, mất năm 1170, quê ông ở Hoàng Giang, trấn Hải Dương, sau đó ông cùng cha mẹ chuyển về làng Lạng hay còn gọi là làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là thiền sư thuộc thế hệ thứ 3 của thiền phái Thảo Đường.
Cha ông là Đỗ Hoằng, Mẹ là Đào Thị Cao, gia đình ông là người hướng đạo phật, dù nhà rất nghèo nhưng luôn hướng cho các con học tập, ngay từ nhỏ Đỗ Đô là người ham học, rất thông minh, ông được truyền nối kiến thức từ cha nên rất nổi tiếng về văn chương.
Cha mẹ ông qua đời khi ông 18 tuổi, nhà càng nghèo khó không có tiền ăn học, ông ở lại chịu tang cha mẹ 3 năm sau đó ông theo vị tăng lão cùng quê Hoàng Giang đến tu hành ở chùa Yên Tử. Thời gian tu hành ở đây ông được truyền dạy đạo Thiền, đạo Lão.
Năm Bính Ngọ (1066) triều Lý Thánh Tông ông được cử đi sang Trung Quốc tham dự khoa thi Bạch Liên của nhà Tống và đã đỗ thủ khoa, tiếng tăm của ông được các đồng đạo đương trong và ngoài nước biết đến , ngài được nhận thứ bậc hàng tăng đạo, được vua Lý Thánh Tông mời tham gia việc triều chính.
Sau khi vua Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 6 tuổi vì vậy Thiền sư Đỗ Đô cùng Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Lý Đạo Thành và Đại tướng Lý Thường Kiệt chăm lo công việc nội chính, quân cơ, ông được giáo phái phù thuỷ Hoàng Giang nhận là Giáo chủ.
Trải qua 10 năm phụ chính cho vua Lý Nhân Tông, Đỗ Đô trở về chùa Phúc Thắng làm thuốc, chữa bệnh cho dân và truyền Phật pháp cho các tăng ni, hướng dẫn dân làng làm nông trại.
Năm 1806 , triều đình mở Khoa thi Minh kinh bác học, Đỗ Đô ứng thi và đỗ loại ưu, tiếng tăm càng lừng lẫy, các vua Lý đương thời phong Ông là Thượng phụ quốc sư.
Cuối đời ông về chùa Yên Tử lập đàn hoá thân nhưng không thành, sau đó ông trở về chùa Phúc Thắng làm lễ cầu siêu thoát trong 3 ngày thi hoá.
Lịch sử
Tại địa phương hiện đang lưu trữ cuốn “Lý triều Hoàng Giang tôn phái Đỗ linh thông tôn thánh ngọc phả” đây là gia phả nhà họ Đỗ thời nhà Lý, trong cuốn sách có nói chùa Phúc Thắng là do ông Đỗ Đô xây dựng, ông là một vị thiền sư triều Lý, năm 1066 triều Lý Thánh Tông ông được cử đi sang Trung Quốc tham dự khoa thi Bạch Liên của nhà Tống và đã đỗ thủ khoa. Sau khi trở về nước, ông tích cực phụng sự việc giúp vua, giúp nước vì vậy ông được Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông phong làm Đạt Mạn Thiền sư. Trong thời gian này ông thường cùng Vua đi xem địa thế dân làng núi non, xem xét tình hình đời sống nhân dân, một lần khi đi đến làng Ngoại Lãng ông thấy nơi đây cảnh đẹp, sông núi bao quanh, dân làng hiền lành nên đã xin Vua cho lập hành cung tại đây.
Ở từ đường họ Đỗ tại Ngoại Lãng có lưu lại hai câu đối có liên quan đến ông:
“Chiếm Bạch Liên khoa, Lý thế nhị tông suy thượng phụ
Diễm Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam tổ nhận tiền sư”
Nội dung hai câu đối này nói về cuộc đời của Thiền sư Đỗ Đô, ông thi đỗ thủ khoa Bạch Liên và được hai Vua Lý tôn làm Thượng phụ, được là tiền bối đi trước của giáo phái phù thuỷ. Điều này càng khẳng định ông chính là người khai sáng ra chùa Phúc Thắng ở làng Ngoại Lãng.
Kiến trúc
Chùa Phúc Thắng là nơi Thiền sư Đỗ Đô tu hành, đến cuối đời ông làm lễ siêu thoát tại đây, nhân dân đã làm đền thượng thờ ông tại chùa và coi đó là nơi ông hiển linh thu hành. Kiến trúc tổ hợp bao gồm: chùa phúc Thắng, đền thượng, an thờ Hậu Phật, nhà Tổ, tăng xá, nhà Tam quan, trụ biểu.
Ngôi chùa nằm ở vị trí chính giữa, cấu trúc ngôi nhà được xây theo phong cách hình chữ đinh, sẽ bao gồm 2 nhà một nhà nằm ngang và nối liền với một nhà nằm dọc, khi nhìn từ trên cao ta thấy rõ khuôn hình chữ đinh hay phổ thông hơn là giống chữ T, trong chùa được treo nhiều bức hoành phi câu đối từ lâu đời, vị trí nhà trên sẽ chiếm vị thế ưu tiên nhất là để thờ cúng. Toà trên gồm 5 gian đặt tượng 2 vị Khuyến thiện -Trừng Ác và ở đây có đặt 2 ban thờ Đức Ông và Đức Thánh hiền. Toà dưới gọi là Thượng Điện là nơi đặt hệ thống tượng pháp, các bức tượng được làm chất liệu gỗ và đất.
Nằm vuông góc với chùa là kiến trúc đền Thượng cũng được xây theo chữ đinh, đây là nơi thờ Thiền sư Đỗ Đô, toà trên thì đặt hương án và hệ thống bát biểu, toà dưới là nơi đặt tượng Thánh, bức tượng Thánh đầu đội mũ cánh chuồn, mặc bộ triều phục, thắt đai ngọc tâm ấn vòng âm dương, chiều cao 2 thước và đặt trên toà sen, Đây được coi là tượng tạc Thiền sư Đỗ Đô. Bên trong đền thượng còn có lưu giữ chiếc đồng hồ cổ bằng đồng và cây tịnh tuỳ có hình dáng giống chiếc chày và được làm bằng gỗ.
Một ngôi tháp làm bằng đá xanh cao khoảng 2,8m được xây đằng sau chùa Phúc Thắng, tháp được trang trí hoa văn chim phượng, hoa cỏ, trên đỉnh tháp có gắn hình quả hồ lô, điểm đặc biệt nhất của tháp là mặt trước được khắc chữ Thạch tượng tháp, còn mặt sau lại khắc bia chữ Hậu Phật tháp bi ký. Bên trong tháp có đặt một bức tượng với tư thế ngồi, một chân chống, một chân xếp bằng, tay trái để lên đùi, tay phải cầm tràng hạt. Tòa tháp và bức tượng có niên đại năm thứ 8 (1712), đây là kiến trúc nghệ thật cổ thời Lê-Mạc ở Thái Bình.
Theo sách “Chùa cổ Việt Nam” văn bia “Hậu Phật bi ký” có nội dung: Bà Đỗ Thị Doanh là người Ngoại Lãng có công tu sửa lại chùa, cống tiến cho làng xã và nhà sư nên đã được tôn làm Hậu Phật, được tạc tượng và dựng tháp để thờ.
Phía trước ngôi chùa và đền là dãy tam quan nội, ngoại và hàng trụ biểu trạm hình mặt nghê, ở ngoài tam quan có một hồ rộng, hòn giả sơn cao nằm giữa hồ, tăng thêm cổ kính và trang nghiêm cho ngôi chùa.
Lễ hội
Lễ hội chùa Phúc Thắng là lễ hội truyền thống của làng Ngoại Lãng từ xưa đến nay, 2 năm một lần lễ hội được diễn ra từ ngày 6 đến 14 tháng Giêng để tưởng nhớ đến Đạt Mạn Thiền sư.
Lịch trình của lễ hội diễn ra như sau:
- Ngày mùng 6 làm lễ mở cửa chùa, lễ Mộc Dục, lễ giỗ Thánh tại đền Thượng và chùa Phúc Thắng.
- Ngày mùng 7 làng tổ chức tế lễ bình thường.
- Ngày mùng 8, 9, 10 đây được coi là ngày lễ hội chính của làng và sẽ diễn ra nhiều hoạt động truyền thống, các nghi lễ độc đáo và các tục lệ đặc sắc. Đầu tiên là lễ rước kiệu thánh ra cáo yết trình ở đình làng, tiếp đến là lễ Giảng Bàng (ôn sự tích đức thánh được tổ chức tại Tam quan); lễ Tẩy uế (nghi lễ làm thanh tịnh không gian Thánh ngự – được tổ chức tại nhà Hội chủ, người có quyền hành cao nhất của lễ hội); lễ rước tranh (rước chân dung thánh từ đền Thượng về nhà Hội chủ); Lễ Trai lược, Trai cái – khai bát Thí thực – Thông hành tịnh truỳ – Lễ Tán hoa (các nghi lễ dùng vật linh: chiếc cồng và cây tịnh truỳ do các Pháp sư điều hành và thực thi nhằm tiêu diệt chư tai, cầu dân an quốc thái, được thực hiện ở không gian chính là toà thượng điện chùa Phúc Thắng).
- Ngày 11 dân làng tổ chức tế lễ bình thường, cuối ngày dân làng rước chân dung Thánh từ nhà Hội chủ về đền Thượng đây gọi là nghi lễ Phụng nghi Thánh giá hồi cung.
- Ngày 12 vẫn làm tế lễ bình thường
- Ngày 13 các sư làm khoá lễ “Bái vọng Yên Tử sơn” – cúng vọng chùa Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh bây giờ.
- Ngày 14 kết thúc lễ hội.
Điều khiến cho lễ hội của chùa Phúc Thắng được coi là lễ hội độc đáo nhất đó là do chùa Phúc Thắng là ngôi chùa duy nhất ở Thái Bình có những khóa lễ lạ mắt như: Lễ Trai lược, Trai cái; Lễ Thông hành; Lễ Tán hoa. Các khóa lễ này do 7 vị thông thạo nghi lễ điều hành và thực thi, họ được gọi là sư Trúc Lâm hoặc Pháp sư (7 vị này đều là dân ở Ngoại Lãng, đến ngày lễ hội họ được bầu cử thành sư, đầu đội mũ pháp sư, mình choàng áo chùng vàng, cổ đeo tràng hạt, tay cầm tích trượng). Cả 3 khoá lễ này đều mang nội dung dùng 37 phép thuật và 37 câu thần chú để tiêu diệt giặc, yêu ma quỷ quái…
Trong những ngày diễn ra các nghi lễ quan trọng kể trên, thì dân làng còn tổ chức các trò chơi, cuộc thi đấu vật và cỗ chay rất nổi tiếng, đấu vật là môn thể thao được trai làng ưa thích thu hút rất nhiều du khách với những động tác khỏe khoắn, lệ cỗ chay cũng phong phú hấp dẫn với hệ thống cỗ có tên gọi: cỗ cơm, cỗ nước, cỗ cái, đa dạng và chủng loại món ăn, được trang trí đẹp mắt.
Di vật
Hiện nay tại đền Thượng còn lưu giữ lại được chiếc cồng cổ bằng đồng có niên đại 1693 và cây tịnh tuỳ bằng gỗ hình dạng chiếc chày có đế hình vuông, theo người Ngoại Lãng thì hai vật cổ này được sử dụng để làm lễ đuổi ma quỷ, tông tiễn chư tai. Đây là những hiện vật có giá trị rất lớn về lịch sử văn hoá.
Cụm kiến trúc đền Thượng và chùa Phúc Thắng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia nơi thờ quốc sư triều Lý, thiền sư Đỗ Đô.
Tư Liệu tham khảo
- Vũ Ngọc Khánh (chủ biên), Chùa Cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
- tài liệu của Nguyễn Tiến Dung, trong “Trí thức xưa và nay”.
- Nguyễn Quang Ân, Địa Chí Thái Bình (NXB Văn Hóa Thông Tin 2010).