Tên gọi
Chùa Quan Âm có tên chữ là “Quan Âm Tự” và tên địa danh là chùa Thượng Lão.
Lược sử
Xuân Canh xưa là vùng đất cổ, nằm trong xứ Kinh Bắc – một trung tâm Phật giáo sớm nhất nước ta, cũng là vùng đất nổi tiếng văn hiến của châu thổ sông Hồng. Đến thế kỷ XVII – XVIII, cũng như ở nhiều làng quê khác, người dân Xuân Canh đã tạo dựng cho mình một nền kinh tế, văn hóa khá phát triển, nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho đời sống tôn giáo – tín ngưỡng ra đời và được nhiều nơi biết đến mà tiêu biểu nhất là chùa Quan Âm. Không rõ chùa được xây vào năm nào, chỉ biết trước kia chùa nằm ở bãi Quan Âm, đến thời nhà Lý, khi đắp đê quai nó được dời vào địa điểm như hiện tại.
Ngoài chức năng chính là thờ Phật – một tôn giáo được du nhập vào nước ta từ rất sớm và phát triển sâu rộng ở các làng thôn vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, chùa Quan Âm còn nhiều điện thờ Mẫu và phối thờ những người có nhiều công đức với làng, với chùa.
Bia “Quan Âm tự bi” cho biết vào những năm 1680, có người nhà của một cung dân trong thành Nghị Lang tên là Vũ Thị Ngọc Bông tới tham quan các chùa ở Kinh đô. Đến thôn Thượng Lão, thấy chùa Quan Âm vừa đẹp, vừa hội tụ nhiều người tài, lại có thuần phong mỹ tục độc đáo, bà đã mở lòng từ thiện cúng một ngàn cân đồng tốt và một tấm bia đá.
Trụ trì tại chùa
Được biết, chùa Quan Âm do Đại đức Thích Minh Đăng – Chánh thư ký ban Văn hoá Trung ương một vị Tăng trẻ mới về trụ trì, người đã đem lại sức sống mới cho ngôi chùa miền quê.
Kiến trúc
Tổng quan
Theo mô tả trong tấm bia “Quan Âm từ bi”, chùa Quan Âm trước kia có quy mô khá bề thế và hoàn chỉnh. “Phía trước, phía sau nhà nhị đường muôn cây um tùm, bên phải bên trái hai dãy hành lang trăm hoa đua nở”.
Qua năm tháng, chùa Quan Âm không còn giữ được quy mô kiến trúc như ban đầu, song về mặt bằng quy hoạch của chùa vẫn còn khá hoàn chỉnh với các kiến trúc chính gồm: tam quan, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ và nhà khách.
Toàn bộ kiến trúc của chùa Quan Âm hiện còn là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm Khải Định thứ 5 (Canh Thân, 1920), vì thế kiến trúc ngôi chùa mang nhiều nét phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống thời Nguyễn. Riêng nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách kiến trúc mang phong cách truyền thống, các trang trí trên kiến trúc gỗ không nhiều nên tạo cảm giác nhẹ nhàng mà vẫn mang đường nét phong cách nghệ thuật dân tộc.
Tam quan
Tam quan chùa được xây bằng gạch đơn giản với hai cột trụ vuông, hai bên cổng, phía ngoài tường bao có đôi nghê đá. Chùa chính có kết cấu chữ “Đinh”, gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Chùa nhìn về hướng Nam.
Tiền đường
Tiền đường được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai tường hồi xây vượt ra với hai trụ biểu hai bên, lòng nhà tiền đường gồm 7 gian với 5 gian giữa mở và hai gian hồi xây bịt chỉ mở 2 cửa sổ nhỏ.
Bộ khung đỡ mái của chùa gồm 8 bộ vì, 6 bộ vì ở giữa được làm theo kiểu vì giá chiêng, chỉ bào trơn kẻ soi, không trang trí gì. Các bộ vì này dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Tiền đường hiện còn 10 cột gỗ trong đó có 4 gian giữa và 6 cột gỗ khắc cao 3m.
Thiêu hương được nối liền với gian giữa tiền đường, có nền nhà ngang bằng gian ngoài, nhà một gian hình vuông, nền nhà có xây một bệ gạch cao 20cm, là nơi hành lễ của các nhà sư và các tín đồ.
Thượng điện
Thượng điện chạy dài từ gian thiêu hương theo chiều dọc gồm 3 gian 1 dĩ. Phần khung nhà được đỡ bằng 5 bộ vì giữa có kết cấu giá chiêng, bộ vì ngoài cùng có kết cấu chồng rường và bộ vì cuối làm theo kiểu quá giang, các kiến trúc gỗ ở đây đều bào trơn, kẻ soi nhẹ nhàng, không trang trí gì. Trong lòng nhà thượng điện có xây những bệ gạch cao dần.
Nhà Mẫu, nhà Tổ
Nhà Mẫu và nhà Tổ là một dãy nhà 5 gian nằm phía sau bên trái chùa chính, nhà xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung nhà được đỡ bởi 6 bộ vì. Bên trong lòng nhà chỉ sử dụng 3 gian giữa làm nơi thờ tự, còn hai gian hồi xây kín.
Nhà khách gồm 3 gian chạy dọc áp sát bên trái thượng điện.
Di vật
Chùa Quan Âm hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng với 41 pho tượng tròn gồm 35 pho tượng Phật, 3 pho tượng Mẫu và 3 pho tượng Tổ, hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, 19. Nét mặt của các pho tượng đều tỏa ra sự từ bi, nhân hậu ẩn chứa triết lý của đạo Phật. Các tượng đều được mặc hai lớp áo với bộ tăng già phía trong mang hình chữ “vạn” ở ngực áo. Lớp la bào phủ ngoài khoác qua vai tạo những đường cong mềm mại sống động, bên trong được sơn thếp bằng chất liệu sơn ta cổ truyền, tạo nên một vẻ đẹp thâm trầm mà vẫn lộng lẫy.
Với kỹ thuật chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết của người xưa, mỗi bức tượng đều thể hiện rõ tính cách từng nhân vật. Chẳng hạn, các pho tượng Phật được tạc trong một khối vững chãi, theo đúng quy chuẩn, thì ở các pho tượng Tổ lại dựa trên những con người thật là các vị sư tổ của chùa đã viên tịch, nên ít gò bó và tạo sự dung dị và gần gũi. Tượng Mẫu với khuôn mặt tròn, phúc hậu, khuôn mặt toát lên vẻ hiền lành, nhân từ nhưng sang trọng và cao quý. Giá trị nghệ thuật cao nhất là các pho tượng Phật có niên đại thời Lê Trung Hưng và các bức phù điêu bằng đá, mang đậm tính cách con người Việt Nam.
Ngoài ra chùa cũng còn nhiều di vật khác như bia đá, phù điêu, nghê đá, chuông đồng cùng nhiều đồ gỗ khác.
Đặc trưng
Hiện nay, chùa đang sở hữu pho tượng Phật bằng đá trắng lớn nhất Việt Nam. Theo thầy Thích Minh Đăng trụ trì chùa cho biết pho tượng phật quan âm bằng đá trắng tọa lạc tại sân chùa có kích thước : chiều cao 5,7m (tính từ chân bệ lên tới đỉnh), chiều ngang 2,5m, trọng lượng tới 37, chất liệu đá là loại đá trắng lấy từ vùng núi Nghệ An và được tạo tác cơ bản tại Nghệ An, sau đó mới chuyển lên Hà Nội vào ngày 11/2/2014 việc hoàn thiện được thực hiện ngay tại sân chùa.
Pho tượng được tạo tác với tư thế ngồi tọa trên bệ chạm khắc mây tựa như đài sen bên dưới là các đóa sen, lá sen, đài sen đua nhau mọc lên trên những lớp sóng nước cuộn mềm mại. Trên bệ tượng cả hai mặt trước, sau đều có khắc bài kinh của nhà phật (kinh bát nhã) chữ được sơn vàng. Khi nhìn ở góc độ nào thì pho tượng quan âm vẫn đều toát lên vẻ từ bi bác ái, phổ độ chúng sinh, cứu khổ cứu nạn của Đức Phật.
Sự kiện – Thành tựu
- Sáng ngày 08/12/2012, Đại lễ gia trì chú nguyện trùng tu xây dựng chùa Quan Âm được diễn ra.
- Ngày 11/5/2014 ông Trần Chiến Thắng, nguyên thứ trưởng Bộ Văn Hoá Thể thao và Du lịch, thường trực Hội đồng tư vấn xác lập kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có tượng Bồ tát quan thế âm bằng đá trắng lớn nhất”. Từ ngày có pho tượng đông đảo các phật tử và nhân dân đã về đây chiêm bái và lễ Phật
- Tối ngày 19/5/2019, đúng ngày rằm tháng 4 âm lịch năm Kỷ Hợi, đêm trăng tròn Vesak, trong không khí cả nước hân hoan đón mừng Phật đản, chùa long trọng cử hành Đại lễ Phật đản PL 2563 – DL 2019.
Tham khảo
- Chùa Quan Âm (Quan Âm Tự), https://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/chua-quan-am-quan-am-tu/3075
- ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN CHÙA QUAN ÂM – XÃ XUÂN CANH – HUYỆN ĐÔNG ANH – HÀ NỘI, https://vanhoaphatgiaovietnam.net/tin-tuc/single-post/dai-le-phat-dan-chua-quan-am—xa-xuan-canh—huyen-dong-anh—ha-noi-1357
- Ngôi chùa có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng đá trắng lớn nhất, http://kyluc.vn/tin-tuc/ky-luc-viet-nam/ngoi-chua-co-tuong-bo-tat-quan-the-am-bang-da-trang-lon-nhat
- Thăm chùa quan âm chiêm bái pho tượng phật bằng đá trắng lớn nhất Việt Nam, https://damynghedhd.com/tham-chua-quan-am-chiem-bai-pho-tuong-phat-bang-da-trang-lon-nhat-viet-nam
- Tượng cổ chùa Quan Âm ‘kêu cứu’, http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3091/6957/tuong-co-chua-quan-am-keu-cuu.html
- Hà Nội: Lễ gia trì chú nguyện trùng tu xây dựng chùa Quan Âm, https://phatgiao.org.vn/ha-noi-le-gia-tri-chu-nguyen-trung-tu-xay-dung-chua-quan-am-d8871.html#
Một bình luận
Xin hỏi chùa có ai pháp danh,đăng phổ không ah
chị ơi chị hỏi người có pháp danh này có gì không ak
em cũng cần biết thông tin về người này ak