Tên gọi
Chùa Quang Minh có tên chữ là Quang Minh Tự.
Thờ tự
Trong chùa thờ Phật và thờ Mẫu.
Lược sử
Tương truyền chùa Quang Minh được xây vào cuối thời nhà Lê. Theo tư liệu hiện còn từ 3 tấm bia “Tao Tự Bi Ký”, “Kỷ Niệm Bi Ký”, “Hậu Phật Bi Ký” thì đến đời vua Thành Thái (1893) chùa vẫn ở tại thôn Văn Tần (tức phố Sinh Từ, nay là Nguyễn Khuyến). Năm Duy Tân thứ 2 (1908), vị sư trụ trì đương thời mới tổ chức di chuyển chùa sang vị trí hiện nay để có diện tích rộng hơn.
Trước chiến tranh chống Mỹ, chùa từng có vườn cây, sân rộng và hòn giả sơn tượng trưng cảnh Phật tu ở núi Tuyết Lĩnh. Đến cuối thế kỷ 20, sân, vườn, tam bảo và nhà Tổ, nhà Mẫu đã bị các hộ dân xâm phạm đến sát bệ thờ, tam quan cũng bị bịt, riêng khoảng giữa 2 tòa nhà lớn đã trở thành nơi sản xuất vàng mã. Sang thiên niên kỷ 3, gần đây nhà chùa lấy lại mặt bằng nhưng mới chỉ sửa sang, chưa đại trùng tu được.
Kiến trúc
Chùa có một số lớp kiến trúc: ngoài cùng là tam quan xây bằng gạch, tiếp đến là Tiền đường. Cổng chùa được làm kiểu nghi môn với 4 cột trụ và 3 cửa xây vòm cuốn, trên trụ đắp 4 con chim phượng kết hình trái dành. Sau tam quan, qua một khoảng sân nhỏ là tòa tam bảo được dựng theo kiểu chữ “Đinh”, mặt quay về hướng tây. Trong tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ và thiêu hương, thượng điện bài trí đầy đủ các pho tượng Phật giáo với phần trang trí khá đẹp.
Cách tam bảo một gian là tòa nhà 5 gian thờ Mẫu và thờ Tổ, với nền thấp hơn, mặt bằng cũng có hình “chữ Đinh”. Tại đây, phần lớn các pho tượng và trang trí điêu khắc gỗ được tạo tác với phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Hai tòa nhà đều lợp ngói ta, tình trạng xuống cấp cũng nặng nề như tam quan. Từ cửa gian thờ Tổ bên tả kéo tới cổng ngách cũng mở ra phố Y Miếu còn có nhà khách và khu phụ.
Di vật
Chùa hiện giữ được 8 cửa võng, 3 khám thờ gỗ chạm từ thế kỷ 19, 3 bức y môn trang trí tứ quý, 8 hoành phi, 4 bài châm, 4 đôi câu đối gỗ, 13 tấm bia đá dựng thời Nguyễn, 31 pho tượng làm bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, đất luyện.
Lại có bức tượng đá tạc ngài Phan Cảnh Điệp, người đã có công thuần dưỡng voi dữ để dẹp giặc nên được phong quận công cuối đời Lê -Trịnh, rồi hai bộ tượng Di Đà tam tôn và Hoa niên tam thánh được tạo tác từ thời Nguyễn. Ngoài ra còn có một quả chuông được đúc độc đáo, gần như là duy nhất ở Việt Nam. Trên mặt chuông là 4 chữ Hán “Quang Minh Tự Chung”, trong lòng chuông có khắc dòng chữ Phạn.
Sự kiện – Thành tựu
Ngày 21/6/1993, chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Tham khảo
- Chùa Quang Minh, https://vanhien.vn/news/chua-quang-minh-41549
- CHÙA QUANG MINH, http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/05/chua-quang-minh/
- Sách “Đình và đền Hà Nội”, Nguyễn Thế Long, NXB Văn hoá – Thông tin ( 2005 – Tái bản lần thứ nhất có sửa chữa).