Tên gọi
Ngoài tên gọi theo địa danh tên làng, chùa Quỳnh Đô còn có tên gọi là Chùa Linh Thông, tên chữ là Bạch Minh Tự.
Lược sử
Chùa được xây dựng từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) trên khu đất thông cao ráo thoáng mát, một khu đất có di chỉ lịch sử văn hoá của người Việt cổ. Lúc đầu chùa vẫn chưa có sư trụ trì, có Phật tử Trương Văn Diệp tình nguyện đến trông nom chùa, sớm hôm hướng khói, tụng kinh niệm Phật để phục vụ cho đời sống sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong làng. Cụ cố Trương Văn Diệp qua đời vào năm 1923.
Năm 1913, chùa được chuyển về địa điểm trung tâm làng, ngay sát sau đình, tạo thành cụm di tích Đình – Chùa Quỳnh Đô.
Thờ tự
Chùa thờ Phật cách đây được hơn 10 năm.
Các đời sư trụ trì
- Đời sư thứ nhất: Cố Thiền sư Thích Thanh Mai, thế danh Nguyễn Văn Thồ (1929 – 1951).
- Đời sư thứ hai: Cố sư cụ Thích Minh Tâm, thế danh Trần Văn Hàm, trụ trì được 1 năm.
- Đời sư thứ ba: Cố sư cụ Thích Thanh Duy, thế danh Nguyễn Văn Lễ, trụ trì được 35 năm.
- Đời sư thứ tư: Cố Đại đức Thích Thanh Tiến, thế danh Lê Văn Tiến, trụ trì được 09 năm.
- Giai đoạn 2006 – 2015, nhân dân phấn khởi đón Đại đức Thích Trí Như về chùa, sư chính thức được bổ nhiệm làm trụ trì từ năm 2009. Tuy về cai quản chùa trong khoảng thời gian không lâu nhưng Đại đức Thích Trí Như đã có nhiều đóng góp giúp ngôi chùa có nhiều đổi mới tích cực.
Kiến trúc
Chùa gồm tam quan, tòa tam bảo, nhà khách và nhà Tổ. Tòa tam bảo có một mặt bằng hình chuôi vồ. Tiền đường gồm 5 gian, Thượng điện gồm 3 gian. Chùa còn lưu giữ được những mảng chạm khắc và một số di vật mang phong cách thế kỷ XVIII – XIX. Hệ thống tượng Phật đầy đủ, một số pho tượng được tạc vào thế kỷ XIX.
Đặc trưng
Trước cổng đình làng Quỳnh Đô có cây bồ đề có tuổi đời trên dưới hai thế kỷ, được mệnh danh là cây bồ đề lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Cây bồ đề này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành một phần không thể thiếu của cụm di tích Đình – Chùa Quỳnh Đô.
Cây bồ đề đã gắn liền với những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ của dân làng. Theo tài liệu còn lưu giữ lại, trong thời kì kháng chiến chống Pháp, cây là nơi treo cờ tổ quốc, phát khẩu hiệu và truyền đơn kêu gọi đồng bào đoàn kết tham gia kháng chiến. Qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, cây bồ đề vẫn đứng hiên ngang bất khuất, như một minh chứng lịch sử hào hùng cho công cuộc đấu tranh và xây dựng quê hương đất nước của làng Quỳnh Đô.
Sự kiện – Thành tựu
Chùa Linh Thông đã được xếp hạng di tích lịch sử Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Thành phố năm Kỷ Tỵ (1989).
Sáng 16/3/2013, tại lễ hội làng truyền thống của làng Quỳnh Đô,, cây bồ đề trước cổng đình làng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên – Môi trường (TNMT) Việt Nam trao tặng danh hiệu “Cây di sản Việt Nam”.
Ngày 24/05/2013, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Ông Nguyễn Hữu Oanh – Nguyên phó trưởng ban tôn giáo chính phủ – Phó Chủ tịch hội đồng xác lập kỷ lục VN đã tiến hành xác lập kỷ lục cho chùa với danh hiệu: “Cụm di tích lịch sử đình, chùa Linh Thông có cây Bồ Đề lớn nhất Việt Nam“.
Lễ hội
Lễ hội truyền thống làng Quỳnh Đô diễn ra tại cụm di tích Đình – Chùa Quỳnh Đô vào ngày 5/2 âm lịch hằng năm, là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng mỗi dịp tết đến xuân về. Trong lễ hội có những trò chơi dân gian như chọi gà và đấu vật. Quỳnh Đô trước kia vốn nổi tiếng là lò vật đất Thăng Long, tuy nhiên môn thể thao này đã dần bị mai một theo thời gian.
Tham khảo
- Hà Nội: Đại lễ Phật Đản chùa Linh Thông, http://www.phattuvietnam.net/ha-noi-dai-le-phat-dan-chua-linh-thong/
- Top 100 ngôi chùa nổi tiếng sở hữu kỷ lục Việt Nam (P.99): Chùa Linh Thông (Tp. Hà Nội), http://kyluc.vn/tin-tuc/top-viet-nam/top-100-ngoi-chua-noi-tieng-so-huu-ky-luc-viet-nam-chua-linh-thong-tp-ha-noi
- Cây Bồ đề 200 tuổi làng Quỳnh Đô được phong Cây di sản, https://nhandan.com.vn/di-san/cay-bo-de-200-tuoi-lang-quynh-do-duoc-phong-cay-di-san-170803/
- Bộ VHTTDL thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì), http://sovhtt.hanoi.gov.vn/bo-vhttdl-tham-dinh-du-an-tu-bo-ton-tao-di-tich-chua-quynh-do-huyen-thanh-tri/