Chùa Sơn Long (Chùa Hang, Quy Nhơn – Bình Định)

Chùa Sơn Long (Chùa Hang, Quy Nhơn – Bình Định)

Giới thiệu


Chùa Sơn Long có có tên goi Chùa Hang, lưng tựa núi Trường Úc, mặt hướng về dãy Trường Sơn, từ bao đời nay tồn tại oai nghiêm, cổ kính như một chứng nhân lịch sử phát triển Phật giáo Bình Ðịnh. Chùa Hang – tên dân gian thường gọi gắn liền với những huyền tích trong câu chuyện của người dân vùng Nam Bình Ðịnh, là nơi các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu về những di vật văn hóa.

Nối liền thành phố Qui Nhơn và huyện Tuy Phước là cụm núi Trường Úc đồ sộ – một địa danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lịch sử: Tây bắc Trường Úc, ngày nay vào các dịp Tết Nguyên đán vẫn tồn tại lễ hội “chợ Gò” như một nét sinh hoạt để nhớ về nơi quân đội Tây Sơn trú đóng thưở nào. Phía nam chân núi Trường Úc, Tổ Ðình Sơn Long tọa lạc tại phương Nhơn Bình, thành phố Qui Nhơn với bề dày lịch sử, phong cảnh trầm mặc, cổ kính đã trở thành một di tích văn hóa Phật giáo.

Địa chỉ chùa Sơn Long thôn Thuận Nghi, trước thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, nay thuộc xã Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Lịch sử


Chùa Sơn Long nguyên là Giang Long Thiền Thất, do Thiền sư Thiệt Ðăng hiệu Bửu Quang – đệ tử Toå sư Minh Hải (Tổ đình Chúc Thánh- Hội An) – sáng lập vào những năm thuộc niên hiệu Chánh Hòa đời Hậu Lê (1680 – 1690), nằm trên sườn núi Trường Úc, bấy giờ là thôn Thuận Nghi, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Ninh, trấn Bình Ðịnh. Sau khi thành lập, Trường Úc cùng với đầm Thị Nại và thủ phủ Qui Nhơn trở thành chiến địa cho các cuộc giao tranh thời Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn; Giang Long Thiền Thất nhiều lần bị tàn phá. Ðến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744), được sự đồng ý của bổn sư là Tổ Toàn Ý (Tổ Ðình Phồ Bảo, Phước Thuận, Tuy Phước), ngài Hoằng Nghĩa (1701 – 1804) chuyển Giang Long Thiền Thất xuống chân núi, tái thiết trong địa thế “Long chầu Hổ phục” và cải hiệu thành Sơn Long Tự đến ngày nay.

Hơn 300 năm lịch sử với bao biến cố của thời cuộc, Tổ Ðình Sơn Long từng là nơi dừng chân để tổ chức, bố trí trận đánh vào thành Quy Nhơn của anh em nhà Tây Sơn buổi đầu khởi nghĩa; nơi Võ Trứ – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa ‘Tăng đạo, sơn dân” thời kháng chiến chống Pháp – tạm dừng chân trên đường từ Chùa Linh Phong – Phù Cát vào Bình Phú – Phú Yên mưu đồ nghiệp lớn cho dân tộc; nơi này cũng được chọn làm điểm trao đổi tù bình trong thời kỳ chống Pháp của dân tộc (1954).v.v.

Trải qua 10 đời kế thừa trụ trì, Tổ Ðình Sơn Long lần lược đổi thay từ mô hình kiến trúc chữ “Môn” ( 門 ) sang lối kiến trúc “tiền đường hậu tẩm, đông tây đối diện” (thời ngài Ấn Hải); và năm 1958, Hoà thượng Thích Bình Chánh tu chỉnh lại theo lối kiến trúc kiên cố Tây Âu, nhưng vẫn giữ được những đường nét cổ kính.

Khẳng định ví trí của Tổ Ðình Sơn Long, Hòa thượng Thích Bảo An – Trưởng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Ðịnh – nói: “Với bề dày lịch sử có được, Tổ Ðình Sơn Long xứng đáng được chọn làm “Tổ Ðường” của môn phái Chúc Thánh tại Bình Ðịnh, làm nơi quy ngưỡng cho Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà. Sơn Long không những là thắng tích của Phật giáo Bình Ðịnh, mà còn là chứng nhân của bao cuộc thăng giáng, hưng phế của lịch sử dân tộc, đáng được sử sách ghi nhận lưu truyền mai sau ”.

Kiến trúc


Trước chùa có chiếc cổng gạch cao hơn 3m, có hai cánh gỗ thường đóng kín ngày đêm dưới thời Thượng tọa Bình Chánh làm trụ trì. Qua khỏi cửa ngõ thì gặp ngay trụ đá đứng giữa sân, trụ cao hơn 2m50 (chưa kể phần chìm trong đất), rộng 0m50, dày 0m30. Đầu trụ tạc 7 đầu rồng che 1 người ngồi kiết già ở giữa. Đó là tượng Naga (Rồng) còn người ngồi giữa là đấng Brâhma (Phạm Thiên) chứ không phải Phật Thích Ca. Hỏi người trong chùa thì được biết rằng: Tượng nằm lâu đời dưới đất trong vườn một nhà bổn đạo chùa Sơn Long ở thị trấn Tuy Phước. Trong những năm 80, người ấy làm vườn, đào đất trồng khoai thì gặp tượng, biết là tượng Chàm, ngại không dám để trong vườn nhà mình bèn mang đến cúng vào chùa Sơn Long. Đương kim trụ trì cũng biết là tượng Chàm, bèn cho dựng trong sân để trang trí cảnh Già lam thêm tôn nghiêm, vừa bảo tàng di sản văn hóa của tiền nhân.Đây là tượng của Ấn Độ giáo. Chủ nhân pho tượng nầy là người Chàm đã cư trú tại đây trước khi bị quân đội Đại Việt của Lê Thánh Tông đánh bật ra khỏi vùng nầy vào năm Canh Thìn (1470).
Qua khỏi tượng Naga thì tới chánh điện chùa Sơn Long. Chánh điện xây gạch lợp ngói, dài 8m, rộng 6m, diện tích 48m2, cao 6m, trên nóc có đắp hình lưỡng long chầu chữ A, mặt hướng Đông Nam. Bên trong điện, gian giữa, sau cửa võng, thờ hai bộ tượng Tam tôn; bệ trên tôn trí trung tôn Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi giữa, tả tôn Ca Diếp, hữu tôn A Nan đứng hầu 2 bên, bệ dưới trung tôn A Di Đà Phật phóng quang đứng giữa, tả tôn Quan Thế Âm và hữu tôn Đại Thế Chí đứng hầu hai bên. Sáu pho tượng đều bằng xi măng.
Sau chánh điện, hai dãy hành lang Đông Tây nối liền với nhà Tổ thành hình chữ khẩu [口]. Nhà Tổ quy mô kích thước y như Chánh điện, chia làm 3 gian, gian giữa thờ chư Tổ, gian tả làm phòng khách, gian hữu làm phương trượng của sư trụ trì. Trai phòngTrù phòng cất riêng ở phía Đông.
Tại gian giữa, khám thờ Tổ được đặt trên bệ cao. Trong khám tôn trí long vị, bài vị từ Tổ khai sơn đến trụ trì thứ 10. Long vị và di ảnh vị trụ trì thứ 11 tịch cách đây trên 10 năm là Thượng tọa Bình Chánh được thờ trên án trước khám. Cảnh quan chùa Sơn Long được mô tả từ đầu tới giờ do công xây dựng của vị trụ trì thứ 11 là Thượng tọa Bình Chánh vào năm 1958, quy mô còn tới ngày nay.
Phía Tây chùa là khu bảo tháp, nơi an nghỉ của lịch đại trụ trì chùa Sơn Long, từ Tổ khai sơn tịch năm 1781 đến Thượng tọa Bình Chánh tịch năm 1983. Ngoài ra còn có tháp người cùng môn phái Chúc Thánh là Thượng tọa Huyền Ấn trụ trì chùa Bích Liên, An Nhơn tịch tại chùa Minh Tịnh, Quy Nhơn vào năm 1988 nhập tháp tại đây.
Phía Tây khu bảo tháp có ba công trình nữa được đương kim trụ trì Thích Đồng Đức xây dựng trong vòng mười năm nay. Đó là: Tượng đài Thích Ca, tượng đài Quan Âm và chùa Một Cột thờ Bồ tát Di Lặc.
Chùa Giang Long từ khai sơn đến nay trải qua gần 300 năm (1744-2022), trải bao dâu biển của cuộc đời, “Giang Long tự” trước rồi “Sơn Long tự” sau, danh tự và diện mạo tuy có thay đổi nhưng ngôi chùa cổ vẫn đứng tại núi Hàm Long làm nhân chứng hùng hồn cho lịch sử, làm nơi quy ngưỡng cho đông đảo tăng tín đồ một vùng, làm nơi hành hương vãn cảnh của du khách mười phương và sau cùng là làm nơi cho mọi người hữu tâm, tăng có tục có đồng cầu nguyện cho âm siêu dương thái. Không nói hẳn ai cũng biết chùa còn phải củng cố và phát triển

Tham khảo


  • https://phatgiao.vn/bai-viet/chua-son-long-%E5%B1%B1-%E9%BE%8D-%E5%AF%BA-binh-dinh.html
  • https://sonlong.phapbao.org/gioithieu.html
  • http://www.vncgarden.com/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/binh-dhinh/chua-son-long
Chấm điểm
Chia sẻ
3. Chùa Sơn Long_Bình Định (Nguồn Tổ đình Sơn Long)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Lễ hội
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *