Chùa Sùng Khánh (Long Biên, Hà Nội)

Chùa Sùng Khánh (Long Biên, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Chùa làng Tư Đình có từ thế kỷ XVI. Tên chữ: Sùng Khánh Tự, còn gọi Sùng Phúc Tự.

Lược sử

Chùa Sùng Khánh là ngôi chùa nằm trên đất của làng Tư Đình. Theo truyền thuyết làng Tư Đình xưa có tên là làng Tử Hình là nơi hành hình các phạm nhân bị xử tội chết. Đó là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa. Cuối thế kỷ XIX, từ tổng Cổ Linh tách ra xã Sài Đồng, xong làng Tư Đình vẫn thuộc xã Cổ Linh.

Vào những năm chiến tranh, làng Tư Hình bị quân Nhật và Pháp chiếm đóng. Năm 1945, xã Cổ Linh đổi thành xã Long Biên, thuộc ngoại thành Hà Nội. Tháng 2-1947, Pháp tái chiếm Hà Nội, làng Tư Đình chuyển sang xã Phi Trường, huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên, đến 1949 cắt về tỉnh Bắc Ninh. Pháp rút đi năm 1954, xã Phi Trường đổi lại thành xã Long Biên thuộc quận VIII, ngoại thành Hà Nội. Tháng 5-1961, xã Long Biên thuộc về huyện Gia Lâm. Tháng 11- 2003, xã được chuyển thành phường Long Biên của quận Long Biên mới thành lập.

Chùa Sùng Khánh được dựng khoảng đầu thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI). Cuối thế kỷ XIX số giáo dân tại làng tăng nhanh, họ dùng vật liệu trong chùa để dựng nhà thờ, trong khi đó lương dân tiếp tục sử dụng ngôi đình. Theo tấm bia “Hậu phật bi ký” dựng năm 1878 tức năm Tự Đức thứ 31 thì dân làng Tư Đình đã đóng góp công của để sửa chữa và mở rộng chùa Sùng Khánh như hiện tại.

Kiến trúc

Chùa Sùng Khánh được xây dựng trên một khu đất cao, đẹp, các bộ phận kiến trúc theo quy hoạch tạo thành quần thể hoàn chỉnh, hợp lý, thanh u, tĩnh mịch của chốn cửa thiền.

Tổng quan kiến trúc

Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh và quay về hướng đông – nam, bao gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Mang đậm phong cách bố trí quy hoạch của các ngôi chùa được xây dựng vào thời Nguyễn, tòa thiêu hương và thượng điện của chùa được nhập thành một nếp nhà dọc gắn với tiền đường. Các nếp nhà đó được xây dựng bao quanh để tạo ra không gian khép kín cho chùa.

Kiến trúc tiền đường

Nhà tiền đường gồm 5 gian xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta. Nền nhà trên cao hơn mặt sân khoảng 30cm, gian giữa để trống thông với thượng điện. Các gian bên xây các bệ thờ. Trên các xà đại trước bệ tượng được treo hoành phi, y môn, cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Chính giữa bờ nóc, có xây mảnh tường ghi tên “Sùng Phúc tự” bằng chữ Hán.

Kiến trúc thượng điện

Thượng điện bao gồm 4 gian có kiến trúc khá đơn giản, bào trơn, bào soi. Chỉ một số con giường, đầu kẻ có chạm nổi bong kênh văn mây, rồng lá. 

Đặc trưng của kiến trúc chùa Sùng Khánh

Giá trị chủ yếu của nghệ thuật điêu khắc ở chùa tập trung chủ yếu ở hệ thống tượng tròn được tạo tác từ thế kỷ XVIII-XIX. Tổng số có 26 pho, trong đó có các pho Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Chuẩn Đề, Thế Tôn, Văn Phù, Phổ Hiền có niên đại từ năm XVIII, số còn lại là cuối thế kỷ XIX. Tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ở trên võng và tượng A Di Đà ngồi tọa sen là hai tác phẩm điêu khắc có giá trị cao và được coi là biểu tượng của điêu khắc ở thế kỷ XVII-XVIII.

Di vật

Ngoài hệ thống tượng Phật kể trên chùa Sùng Khánh còn lưu trữ được một số di vật rất có giá trị như: bộ bát bửu của đạo Phật, 7 hoành phi, 8 đôi câu đối, 2 y môn chạm nổi mai trúc lão, 6 chân đèn gióng trúc, 2 cuốn thư chạm hoa điểu thế kỷ XIX, quả chuông đồng đúc thời Nguyễn, 2 bia đá thời Nguyễn, 4 bức cửa võng sơn son thiếp vàng thế kỷ XIX

Sự kiện – Thành tựu

Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 2/10/1991.

Tham khảo

  1. Chùa Sùng Khánh: https://360.hncity.org/spip.php?article242
  2. Sách Chùa Hà Nội (NXB Thông Tin 2005, tái bản lần nhất)

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)