Lược sử
Chùa Tam Sơn Quốc Vương (hay còn gọi là chùa Cây me tọa lạc tại phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa Tam Sơn quốc vương hay chùa Cây Me lại có một đoạn sự tích truyền kỳ :
Sau cuộc nổi loạn của hai người Miên tên Tia và Sum tự xưng đại tướng hay Đại nguyên soái (Sana) sách động dân chúng chống Nam triều, có hai người Hoa kiều tên Tua và Siêu chẳng rõ từ đâu đến Bạc Liêu để tuyển mộ người vào Thiên địa hội. Chúng tổ chức ở những đồng ruộng gần con lộ cao, đặt lư hương đốt nhang trầm hương khói suốt ngày đêm. Mục đích là lợi dụng sự mê tín của nhân dân để mưu đồ thực hiện những mục tiêu chính trị. Không để dung dưỡng những mưu đồ toan gây rối này, Nam triều phái một vị lãnh binh đem quân dẹp loạn. Chúng bị giải tán, bỏ những lư hương lại giữa đồng trống, gần rạch Giồng Me. Những trẻ chăn trâu nghịch ngợm khiêng để dưới gốc một cây tre. Đám người sùng tín thấy thế, mới cất một cái am tranh, lên nhang đèn cúng vái.
Bỗng có bệnh dịch tả hoành hành trong vùng. Hồi ấy y học còn phôi thai bất lực; đối với bệnh dịch người ta còn tin ở quyền năng của quan ôn hơn là nghĩ tới vi trùng. Rồi thì khư khư lập đàn cầu đảo. Một vị thần nhập xác đồng tự xưng là Tam Sơn quốc vương, hứa sẽ cứu chữa cho những ai có lòng thành cầu khẩn.
Tin theo xác đồng, người trong vùng đua nhau đến am cây me dâng lễ vật cúng tế suốt ngày đêm. Không rõ thần linh thật hay sự tình cờ, bệnh dịch cũng vừa ngưng sát hại. Cảm ân ấy, người ta đóng góp xây nên ngôi chùa khả quan lưu đến ngày nay, mang tên là chùa “Tam Sơn Quốc vương”. Tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi là chùa Cây Me hơn, mặc dầu cây me ở nơi đây lâu ngày đã trốc gốc không còn nữa.
Giá trị
Với ý nghĩa đầu năm cầu phúc, lộc nên ngay từ những ngày đầu của tháng Giêng, các nơi thờ tự trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã tổ chức khai hội Kỳ yên. Ý nghĩa chính của lễ Kỳ yên là cầu cho một năm “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an” và cũng là thời gian để mọi người cùng vui xuân sau những ngày lao động vất vả.
Lễ Kỳ yên và kéo dài cho đến hết tháng Giêng, như chùa Tam Sơn Quốc Vương, miếu Địa mẫu, chùa Ông Tề, đình An Trạch (Phường 5), miếu Vạn ban ngũ hành (Phường 2)… Đặc biệt, trong lễ Kỳ yên có tổ chức hát bội với nhiều tuồng cổ mang nội dung đề cao tiết nghĩa, hiếu hạnh, trung quân, ái quốc như: Bao Công, San hậu, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tiết Đinh San… thu hút hàng trăm lượt người tham gia vui lễ.
Tham khảo
- https://dichthuatlightway.com/2021/06/27/ke-chuyen-dat-bac-lieu-xua/#6_Chua_Vinh_Phuoc_An_Va_Chua_Tam_Son_Quoc_Vuong_Hay_Chua_Cay_Me
- https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/39198