Chùa Thạch Tuyền (Nga Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Thạch Tuyền (Nga Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Thạch Tuyền – Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia, thuộc thôn Hậu Trạch, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía đông bắc.

Sự hình thành và phát triển

Chùa được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), sau những biến cố lớn xảy ra ở đây (lũ lụt, chiến tranh với Chiêm Thành). Buổi đầu chùa còn đơn sơ làm bằng tre, lợp lá cọ, đến triều Cảnh Hưng (1740 – 1786) được xây dựng lại kiên cố hơn. Năm 1963 chùa được trùng tu tôn tạo. Tên chùa thể hiện niềm mơ ước của người dân nơi đây về làng quê mình. “Thạch” có nghĩa là đá, biểu thị sự bền vững, rắn chắc. “Tuyền” có nghĩa là dòng suối, suối thì phải có nước, là nguồn gốc đầu tiên của sự sống muôn loài. Nước còn là điều kiện quyết định đối với đời sống cư dân nông nghiệp trồng lúa.

Chọn đất làm chùa là hệ trọng, phải có đủ một số yếu tố tốt đẹp theo quan niệm của thuyết phong thủy, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính nhận xét về thế đất Thạch Tuyền: “Tọa ở phía tây, nhìn về hướng đông, tinh thần thuận đạo đất trời, đó là đất rất linh thiêng. Tọa ở phía bắc, quay về hướng nam, phía trước có sông quý, có ao hồ, đồng bãi là đất lành, rất tốt” (theo bản Thần phả hiện lưu trữ tại đền Trung, xã Nga Thạch).

Nhận rõ điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này như vậy, khi chọn đất dựng chùa Thạch Tuyền người dân nơi đây đã biết tận dụng thế đất đẹp để gửi gắm nguyện vọng lớn lao của mình về sự phát triển tốt đẹp của con người hướng tới chân, thiện, mỹ. Chùa Thạch Tuyền tọa lạc ở phía đông bắc làng Hậu Trạch, không xa, nhưng cũng không quá gần khu dân cư, bởi vì: “Gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho. Cảnh có thể yên trú, là chỗ yên nghiệp để dưỡng thân, nuôi tính, tâm linh sáng suốt, trường dưỡng thảnh thơi, để được chứng đạo, ấy là cứu cánh” (Hà Văn Tấn – Chùa Việt Nam).

Chùa Thạch Tuyền quay nhìn về hướng chính nam, có sông chảy qua. Một không gian rộng mở về phía nam có ao hồ quanh năm đầy nước, có cánh đồng lúa, bãi bằng phẳng; hướng tây và hướng bắc chùa có làng xóm quần tụ trong cảnh màu xanh của cây trái. Khuôn viên chùa có nhiều loại cây che phủ bóng mát như cây đa (còn gọi là cây dung thụ), toả bóng như mái nhà che mát; cây gạo nở hoa đỏ rực sân chùa vào mùa hạ như cảnh bầu trời đầy tinh tú; cây đại mỗi năm thay lá thay hoa một lần, là cây thiêng chùa nào cũng có, ví như cuộc đời mỗi con người luân hồi chuyển kiếp… tùy thuộc vào sự rèn luyện ở kiếp hiện tại.

Công trình kiến trúc

Từ ngoài vào chùa qua Tam quan là công trình có quy mô lớn gồm 2 tầng, tầng trên có 5 cửa cuốn vòng, mái chồng diêm với 8 vòng uốn cong có 16 đầu đao. 8 mái cổng Tam quan có ý nghĩa là bát quái, cộng với phần nóc hợp thành cửu trù. Tam quan chùa Thạch Tuyền còn có chức năng làm gác chuông. Trên gác Tam quan có treo quả chuông đồng nặng khoảng 100 kg. Quai chuông đúc hình hai rồng châu đầu vào nhau, thân rồng nổi rõ. Thân chuông có 4 mũi phân chia đều quanh đường tròn là điểm gõ, thân chuông ghi dòng chữ Hán đúc chìm: “Chuông chùa Thạch Tuyền”. Từ trên cao tiếng chuông chùa ngân nga vang xa trong không gian làng quê yên bình, khiến cho sự linh thiêng của Phật càng thấm đậm vào tâm hồn con người. Qua Tam quan tới khuôn viên dẫn vào chùa, mái chùa kiến trúc theo kiểu chồng diêm, cuốn vòm gắn ngói mũi hài, công trình không sử dụng vật liệu gỗ, tránh sự xâm hại của vùng đất thường xảy ra lụt lội ở các thế kỉ trước.

Hệ thống tượng Phật trong chùa có 13 pho, tạo tác bằng nguyên liệu gỗ có tỉ lệ kích thước 7/10 so với người thật, được đặt trong 13 long khám chạm viền hoa cúc. Các bức tượng có niên đại vào thế kỉ XVII, đạt chuẩn mực về mẫu tượng Phật. Tất cả tượng đều trong tư thế ngồi Thiền trên tòa sen gồm 3 lớp cánh.

Sự kiện lịch sử

Chùa Thạch Tuyền được xây dựng trên vùng đất giàu tính lịch sử văn hóa, khiến cho ý nghĩa ngôi chùa vượt ra ngoài giá trị văn hóa vật thể của công trình. Chúng ta hãy điểm qua những sự kiện lịch sử đã diễn ra nhiều thế kỉ trước có quan hệ tới vùng đất Nga Thạch, Nga Sơn.

Những nguồn tư liệu như văn bia, thần phả, truyền thuyết, di chỉ khảo cổ… hiện có trên đất Nga Sơn cho chúng ta biết vùng đất này có lịch sử hàng nghìn năm, được sức lao động của con người cải tạo: Truyền thuyết về Mai An Tiêm và nguồn gốc dưa hấu; Di chỉ khảo cổ tìm thấy ở chùa Tiên (xã Nga An), chứng tỏ vào thời các vua Hùng (thời đại đồ đồng thau) nơi đây đã có con người cư trú. Vào đầu Công nguyên bà Mai Thị Hoa (nữ tướng của Hai Bà Trưng) là người có công khai mở vùng Nga Thiện. Năm Nguyên Phong thứ nhất (1251) đê sông Lèn bị vỡ làm ngập lụt cả vùng rộng lớn, dân chúng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, dịch bệnh phát sinh, vua Trần Thánh Tông đã thân hành về đất Nga Thạch chỉ huy việc hàn đê cứu dân (Thần phả đền Trung). Ngày nay quanh khu vực đồng bằng thuộc lưu vực sông Lèn còn nhiều ao hồ, là vết tích của những trận lũ lụt trong các thế kỷ trước. Sau trận lũ lụt, vua Trần Thái Tông cho xây chùa, đền ở Nga Thạch để tạ ơn Phật, Thánh đã phù hộ cho việc cứu dân.

Vào năm 1382 và 1389 quân Chiêm Thành đánh vào Thanh Hóa, quân đội nhà Trần đóng ở Hàm Rồng, hải quân đóng ở cửa biển Thần Đầu, Nga Thạch nằm trong phòng tuyến chống giặc. Trong cuộc chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược, triều đình nhà Trần đã rút lui theo đường biển qua hải phận Nga Thạch – Nga Sơn (1285).

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc diệt giặc Thanh (1788), đóng quân tại phòng tuyến dãy Tam Điệp và đảo Biện Sơn thuộc địa phận và hải phận huyện Nga Sơn và Tĩnh Gia. Nga Thạch nằm ở vị trí tiếp giáp giữa miền Bắc và miền Trung, kề cận giữa hai tuyến giao thông thủy, bộ từ Bắc vào Nam, nên những biến cố lịch sử của đất nước trong nhiều thế kỷ qua có tác động sâu sắc đến vùng đất này, con người ở đây được tôi luyện để sống và phát triển. Nhiều dòng họ đã có mặt từ rất sớm ở Nga Thạch, cùng đoàn kết để xây dựng quê hương, đã đạt được những thành quả đáng tự hào, như họ Nguyễn, họ Mai, họ Phạm, họ Lê, họ Trần, họ Hoàng, họ Ngô, họ Phan, họ Vũ, có tới 22 người trong các dòng họ đỗ đạt trong khoa cử và binh nghiệp (văn bia Nga Thạch) qua các triều đại: triều Lý có 9 vị, triều Trần có 3 vị, triều Lê có 4 vị, triều Nguyễn có 6 vị, văn có thần đồng Mai Anh Tuấn 17 tuổi đỗ tiến sĩ. Trong văn học dân gian có câu ca dao, ca ngợi đất Thạch Tuyền có nhiều người học giỏi, thành đạt:

Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên

Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan.

Sáu mươi đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam dành cho ngôi đền tại Nga Thạch (hiện chỉ còn 12 đạo) là tư liệu thành văn về sự linh thiêng của đất Nga Thạch, cũng như ý chí vươn lên của nhiều thế hệ nơi đây.

Chùa Thạch Tuyền có lịch sử xây dựng cách ngày nay 7 thế kỷ, trên vùng đất đã chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại quan hệ tới sự hưng vong của dân tộc, và chính nơi đây cũng đã sinh ra nhiều người tài giỏi phụng sự đất nước. Trong những thành tựu đó, chùa Thạch Tuyền có đóng góp tích cực vào quá trình tu dưỡng tinh thần, trí tuệ cho người dân Nga Thạch trong chiều dài nhiều thế kỷ.

Chùa Thạch Tuyền và truyền thống văn hóa Nga Thạch là cứ liệu lịch sử khẳng định chân lý: Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), Nguyễn Đức Đại Hữu
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua-Thach-Tuyen-Nga-Son-Thanh-Hoa (10)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *