Chùa Thiên Phúc (Chùa Đức Giáo – Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Chùa Thiên Phúc (Chùa Đức Giáo – Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Từ thành phố Thanh Hóa, đi dọc theo đường Quốc lộ 1A qua cầu Tào Xuyên độ 2km, rẽ trái theo đường nhựa đi tiếp 2km là đến làng Đức Giáo, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa – nơi có chùa Thiên Phúc (chùa Đức Giáo).

Chùa Thiên Phúc ngoài tên gọi chính còn có tên gọi khác là chùa Đức Giáo, chùa Bái Thượng, chùa Trì Trọng. Chùa Thiên Phúc nằm trên địa bàn làng Đức Giáo, chùa quay mặt về hướng tây nam. Trước mặt là dãy núi Long Hạm (Hàm Rồng) và dòng sông Mã. Làng Đức Giáo gần núi, gần sông, gần chợ, gần cầu, đời sống của nhân dân phát triển.

Chùa Thiên Phúc xây dựng từ lâu, khởi đầu là một ngôi nhà tranh, vách đất. Văn bia chùa Thiên Phúc làng Đức Giáo dựng triều vua Tự Đức (Tân Tỵ – 1881) cho biết: “Chùa Thiên Phúc trước là nhà tranh, vách đất, bị hư hỏng, năm Tân Mùi (1871) viên Lại mục của thôn Đức Giáo là Lê Văn Tích bỏ tiền ra và quyên góp thập phương xây dựng chùa bằng gạch ngói”.

Di vật

Chùa Thiên Phúc trước kia có nhà Tiền Đường và hậu cung kết cấu theo lối chữ Đinh (J), có nhà thờ Tổ, nhà tiếp khách, nhà bếp. Trải qua thời gian, biến thiên của lịch sử, mưa nắng bão giông, do chiến tranh nên chùa xuống cấp.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của máy bay giặc Mỹ, nơi đây gần cầu Tào, cầu Hàm Rồng, là con đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam, chùa Thiên Phúc có thời gian làm kho tàng, nơi trú quân của đơn vị Thanh niên xung phong. 

Sau chiến tranh, Khuôn viên của chùa chỉ còn lại chiều dài 31m, chiều rộng khoảng 24m, tổng diện tích 682m2. Tam quan chùa được xây mới bằng gạch và xi măng, 2 tầng, 8 mái. Sân chùa rộng khoảng 190m2 có tượng Phật Thích Ca, nơi đây còn lại cây muỗm (xoài) cao che bóng mát cho khu vực sân chùa. Các pho tượng thờ nơi đây thất thoát gần hết. Một số pho tượng mới được rước về trong thời gian gần đây, nước sơn đã ngả màu.

Nhà Tiền đường có chiếc chuông đồng cao 1,3m, đường kính miệng 0,63m. Chuông đồng được bà con làng Đức Giáo và các nhà hảo tâm đúc và cung tiến ngày 19/4/1996.

Chùa Thiên Phúc được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2000.

Phục dựng

Đến nay, phía trước chùa, cách con đường nhựa liên xã phía bên kia đường là khu đất bằng phẳng rộng gần 3.000m2, xung quanh có tường rào phân địa giới. Trong khu vực này đã xây dựng được một khu nhà tôn khung sắt khá rộng dùng làm nơi tổ chức lễ hội. Trong các dịp lễ hội, phật tử, dân làng Đức Giáo và nhân dân quanh vùng đến dự khá đông. Nơi đây còn có cây gạo trên 100 năm tuổi.

Chùa Thiên Phúc sắp tới được xây dựng mới trên khu đất này. Theo dự án thiết kế của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Tây Á, nơi đây sẽ có 11 khối kiến trúc, Tam Bảo Phật 2 tầng 8 mái (470m2), nhà thờ tổ 2 tầng, 8 mái (470m2), Hội trường 4 mái (320m2), nhà khách, nhà tăng 4 mái (350m2) nhà bếp, lầu chuông, lầu trống… với tổng dự toán khoảng 19 tỷ đồng. Nhân dân làng Đức Giáo, với sự nỗ lực của vị sư trụ trì cùng với sự đóng góp của các nhà hảo tâm, trong một tương lai gần, chùa Thiên Phúc được xây mới bề thế, khang trang.

Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)