Tên gọi
Chùa Tiên Phúc có tên chữ là Tiên Phúc tự.
Lược sử
Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng để thờ một bà bán hàng – bà cụ trước kia từng bán nước và chè đậu nành cho các học sinh trường Quốc Tử Giám. Lại có truyền thuyết khác cho rằng chùa dựng đầu triều Lê (thế kỷ XV) trên nền quán hàng nước của bà. Có lần vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) trong một lần đến thăm Quốc Tử Giám đã ghé lại chùa. Chùa được tu sửa lớn vào năm Đinh Hợi đời vua Đồng Khánh (1887). Chùa phía ngoài có tam quan, bên trong hình chuôi vồ, chia làm nơi tiếp khách và nơi bày tượng Phật.
Thờ tự
Chùa thờ Phật và thờ Bà Nành, trong chùa còn một phiến đá hình chữ nhật, tương truyền là nơi bà cụ bày hàng để bán. Chùa Bà Nành ngoài giá trị lịch sử văn hoá tự thân, còn được coi là một di tích nằm trong quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Kiến trúc
Năm Đinh Hợi (1887), vào đời vua Đồng Khánh, chùa Tiên Phúc được tu sửa lớn. Cấu trúc phía ngoài có tam quan, bên trong hình chuôi vồ chia làm hai nơi tiếp khách và bàn thờ có tượng Phật. Chùa cúng thờ Bà Nành bên cạnh bàn thờ Phật nên trong chùa còn lưu giữ một phiến đá hình chữ nhật màu xanh đen, trên có chạm chìm các vân mây. tương truyền vốn là nơi bà cụ bày hàng nước để bán. Pho tượng Bà Nành đôn hậu, gần gũi với đời sống, tượng mang nét nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ba tấm bia đá và 1 quả chuông là hiện vật quý.
Sự kiện – Thành tựu
Ngày 12/12/1986, chùa đã được bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Tham khảo
- Sách “Đình và đền Hà Nội”, Nguyễn Thế Long, NXB Văn hoá – Thông tin ( 2005 – Tái bản lần thứ nhất có sửa chữa).