Chùa Từ Hiếu (thành phô Huế – Thừa Thiên Huế)

Chùa Từ Hiếu (thành phô Huế – Thừa Thiên Huế)

Giới thiệu


Chùa Từ Hiếu cũng là một địa điểm du lịch Huế nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến để tận hưởng cảm giác thanh tịnh, yên bình và chiêm ngưỡng cảnh quan vô cùng thơ mộng. Địa chỉ chùa Từ Hiếu: Thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, TP. Huế

Chùa Từ Hiếu nằm ở thôn Dương Xuân, ẩn sâu trong một khu rừng thông rộng lớn. Đây được xem là một trong những ngôi chùa huế cổ nhất xây từ thời nhà Nguyễn nên sở hữu kiến trúc rất độc đáo, khác biệt. 

Lịch sử


Ban đầu chùa chỉ là một Thảo Am do thiền sư Nhất Định tạo lập vào năm 1843, ngài nguyên là “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” trong Hoàng Cung, sau cáo lão lui về ở ẩn để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già tại đây. Là người con có hiếu, tương truyền rằng có lần mẹ già ốm yếu, lâm bệnh nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng mãi vẫn không khỏi, nên phải bồi dưỡng thịt, cá để chóng lành, hàng ngày ông phải chống gậy băng rừng vượt qua 5km để mua thịt, cá mang về cho mẹ già ăn. Người dân thiên hạ đồn đoán là hòa thượng nhưng lại phạm giới (ăn mặn) , bỏ ngoài tai những lời nói ấy, ông vẫn tận tâm chăm sóc mẹ già. Câu chuyện đến được tai của vua Tự Đức, vốn là người con hiếu thảo, nhà vua cho người tìm hiểu mới hay thiền sư nấu cháo cho mẹ ốm đau còn mình ngày ngày vẫn chay tịnh, một tâm tu hành. Khi biết được chuyện nhà vua liền lấy lòng cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình thấu hiểu lòng hiếu thảo, đức độ của vị sư này, nên cho người mở rộng và tu sửa Thảo Am thành chùa Từ Hiếu. 

Cùng với sự đóng góp của Phật tử, vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này, năm 1848 Hòa thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn và rồi Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Năm 1894 Hòa thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh chùa với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, giám quan và các Phật tử.

Năm 1931 Hòa thượng Huệ Minh tiếp tục trùng tu và xây hồ bán nguyệt.

Năm 1962 Hòa thượng Chơn Thiệt tiếp tục trùng tu và chỉnh trang toàn cảnh chùa.

Năm 1971, chùa được Thượng tọa Chí Niệm cho trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những nhà cửa bị hư hỏng.

Kiến trúc


Chùa Từ Hiếu nằm khuất mình giữa rừng thông bát ngát, có khe nước uốn quanh, tạo nên phong cảnh hữu tình

Trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh(cá trê,.v.v.). Cấu trúc chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là chính điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông.

Hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa. Chùa được xây theo kiểu: chính điện ba căn, hai chái, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu đường, ở giữa thờ đức thánh quan, bên trái thờ hương linh phật tử tại gia, bên phải thờ các vị Thái giám…, bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách).

Xung quanh ngôi chùa Từ Hiếu còn có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn. Do địa thế đẹp, yên tĩnh lại không xa thành phố Huế nên nơi đây là nơi điểm vui chơi dã ngoại của thanh niên Huế vào những ngày nghỉ, ngày lễ. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ đón khách du lịch trong và ngoài nước đông nhất cố đô Huế.

Điều khiến nhiều người tò mò, chính là nghĩa trang, đây là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.

Các vị trụ trì


Tổ đình Từ Hiếu do nguyên “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” tức Hòa thượng Nhất Ðịnh khai sơn, chùa trải qua các đời trú trì:

  • Hòa thượng Cương Kỷ.
  • Hòa thượng Huệ Đăng.
  • Hòa thượng Tâm Tịnh.
  • Hòa thượng Huệ Minh.
  • Hòa thượng Chơn Thiệt.
  • Hòa thượng Chí Niệm.
  • Hòa Thượng Chí Mậu.
  • Thiền sư Nhất Hạnh. (Giám tự Thượng tọa Từ Đạo) 

Qua các đời trụ trì, chùa đã trùng khắc và in các kinh văn như: Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn Kinh, Cao Vương Quán Thế Âm Kinh, Thiền Môn Nhật Tụng, Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa Kinh, Pháp Bảo Đàn kinh, Niệm Phật cầu vãng sanh nghi…

Chùa cũng là nơi trực tiếp hoặc gián tiếp tác thành danh tăng và thiền sư như: Diệu Giác, Hải Thiệu, Tâm Tịnh, Huệ Minh, Huệ Pháp, Huệ Giác, Viên Giác, Viên Thành, Chơn Thiệt, Chơn Như…

Tham khảo


  • https://vinpearl.com/vi/ve-tham-chua-tu-hieu-hue-ngoi-co-tu-doc-dao-va-co-kinh-xu-co-do
  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_T%E1%BB%AB_Hi%E1%BA%BFu
  • https://phatgiao.org.vn/tham-chua-tu-hieu-ngoi-co-tu-doc-dao-bac-nhat-xu-hue-d41190.html
Chấm điểm
Chia sẻ
13. Chùa Từ Hiếu - nguồn visithue.vn

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Lễ hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *