Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735 – 1835)

Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735 – 1835)

Thân thế


Mật Hoằng-Tổ Ấn (gọi tắt là Mật Hoằng, 1735 – 1835), là thiền sư Việt Nam, thuộc Lâm Tế tông, đời thứ 36.

Tiểu sử


Thiền sư Mật Hoằng, húy Tổ Ấn, họ Nguyễn, quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 1749, lúc mới 15 tuổi, Mật Hoằng từ Bình Định vào Gia Định, tu hành ở chùa Đại Giác, tại Đại Phố Đồng Nai, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Sau đó, Mật Hoằng đến thọ giới cụ túc với Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Từ Ân, làng Tân Khai, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (nay thuộc quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Tu trì giới hạnh tinh nghiêm.

Hành trạng


Năm Quí Tỵ (1773), Thiền sư Mật Hoằng được cử làm Trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai).

Trong thời gian chống với nhà Tây Sơn ở phủ Gia Định (năm 1778 đến năm 1801) Nguyễn Vương Nguyễn Phước Ánh nhiều lần phải lánh nạn ở các chùa miền Nam như chùa Kim Cang, chùa Bửu Phong (Đồng Nai), chùa Tập Phước (Gia Định), chùa Long Nguyên (hay Linh Thứ, Mỹ Tho)… Nguyễn Vương cũng có thời gian tạm trú ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), Từ Ân và Khải Tường (Gia Định).

Trong thời gian đó, con gái thứ ba của Nguyễn Vương là Ngọc Anh, lánh nạn ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), một thời gian sau, công chúa Ngọc Anh xin xuất  gia thọ giới với Thiền sư Mật Hoằng, hiện chúng ta không biết rõ hành trạng của công chúa, trong tạp chí Bulgaria des Amis du Vieux Huê (B.A.V.H.) năm 1915, có viết như sau: “Công chúa Ngọc Anh, chị của Vua (Minh Mạng), còn trẻ và tiết liệt, khi tị nạn nhà Tây Sơn đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống trầm tư mặc  tưởng, hành đạo một cách sùng mộ”.

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Vua nhớ ơn sự giúp đỡ của các chùa trên, nên sắc tứ và ban thưởng cho các chùa. Riêng phần chùa Đại Giác (Biên Hòa), vua ra lịnh cho quan trấn ở địa phương phải lo trùng tu cho chùa, cho Tượng binh đem voi đến dậm nền chùa. Vì vậy, sau này, chùa Đại Giác còn được gọi là chùa Tượng. Chùa được xây dựng to lớn hơn, có lầu chuông và lầu trống. Vua lại cho tạo tượng Phật Adida cao đến 2m25, nên chùa cũng được gọi là chùa Phật lớn. Vua sắc phong chức Hòa thượng và ban y bát cho bổn sư của Thiền sư Mật Hoằng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (chùa Từ Ân).

Năm Gia Long thứ mười bốn (năm 1815) vua xuống chiếu triệu Thiền sư Mật Hoằng về kinh đô Huế, phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ, đồng thời thỉnh vào nội cung thuyết pháp cho Hoàng gia.

Năm 1817, vua lại cử Tăng cang Mật Hoằng trụ trì chùa Quốc Ân (chùa do Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch lập). Trong thời gian hoằng hóa ở chùa này, Tăng cang Mật Hoằng cho xây dựng lại chùa Quốc Ân (bị phá sập trong thời Tây Sơn chiếm đô thành Phú Xuân).

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Tăng cang Mật Hoằng lại lo trùng tu lại chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế Đàng Trong, do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập khi Tổ từ Trung Hoa mới sang Đàng Trong. Tăng cang còn cúng cho chùa này một tấm hoành có viết tên “Thập Tháp Di-đà Tự”, hiện vẫn còn.

Thờ phụng


Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng là người giới luật tinh nghiêm. Khi biết mình sắp đến ngày viên tịch, Ngài đã tập trung đệ tử lại quanh giường, đem giấy tờ, Kinh sách, Chánh pháp nhãn tạng để giao lại cho người kế thế

Ngày mùng 1 tháng 10 năm Ất Mùi (năm 1835), Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng viên tịch tại chùa Quốc Ân (Huế) thọ 101 tuổi, đồ chúng lập tháp thờ ở bên hông chùa. Bia tháp có ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự, Trụ trì Mật Hoằng Đại lão Hòa thượng chi tháp”. Tháp mộ của Ngài ở phía sau vườn chùa, hơi xích về phía bên phải. Tháp hình lục giác, cao 4 tầng, lên trên có hoa sen. Trước cửa ra vào có một bình phong dày dặn, có mái như long đình đề bốn chữ Hán đọc từ tay phải qua “Tường Quang Minh Tháp” còn rất rõ. Bề dày và trụ tháp sen của bức tường bao quanh tháp, bình phong hậu đầu chứng tỏ vị trí của Ngài và chùa chính của Ngài trú trì là Quốc Ân Tự, còn chức Tăng Cang chùa Thiên Mụ là một chức vụ mà khi có việc lớn của triều đình tổ chức tại đó thì Ngài mới hiện diện mà thôi.

Long vị ở chùa Quốc Ân ghi: Sắc tứ Thiên Mụ Trụ trì, trùng kiến Quốc Ân, Lâm Tế chánh tông, tam thập lục thế, húy Tổ Ấn, thượng Mật  hạ Hoằng, Lão Hòa thượng.

Chùa Long Hưng hay chùa Tổ (Tổ Đỉa) ở tỉnh Sông Bé cũng có thờ long vị của Hòa thượng Mật Hoằng.        

Hòa thượng Mật Hoằng có đệ tử nổi danh là Thiền sư Tiên Huệ Tịnh Nhãn, sau cũng được vua nhà Nguyễn cử làm Tăng cang, Trụ trì chùa Thiên Mụ.

Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, một danh tăng ở kinh đô Huế thời nhà Nguyễn, sau được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang chùa Giác Hoàng (năm 1839), Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu (Huế), cũng đã cầu pháp với Hòa thượng Mật Hoằng (thế độ với Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh chùa Báo Quốc).

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học, năm 1990
  • Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
Chấm điểm
Chia sẻ
Tổ Ấn Mật Hoằng

Nội dung chính

Hình ảnh
Địa điểm liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *