Chùa có tên chữ là “Từ Quang tự” và tên nôm là chùa Sim. Chùa Từ Quang thuộc làng Giáp Lục, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Lược sử
Xưa kia làng Giáp Lục có tên là làng Vè, sau đổi thành làng Kép, làng Ù. Làng có 6 phe (gọi là Giáp Lục) gồm: Phe Tiền, phe Hậu, phe Quý, phe Trung, phe Tả và phe Vồng. Sau đó làng Ù được đổi tên thành làng Giáp Lục như hiện nay. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Giáp Lục thuộc xã Kiên Giáp, tổng Đô Bái, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung.
Năm 1950 thành lập xã Nga Giáp gồm 4 làng: Hanh Gia, Giáp Nội, Giáp Ngoại và Giáp Lục. Hiện nay làng Giáp Lục gồm 3 thôn: Lục Sơn, Lục Trung và Lục Hải.
Theo tương truyền, chùa Từ Quang được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX do nhà sư tên là Pháp Huyễn trụ trì, đến năm 1967 do nhận thức hạn chế và do thiên tai chùa Sim cùng với nhiều công trình giáo tín ngưỡng khác ở địa phương đã bị hủy hoại. Năm 1996 nhân dân trong làng đã xây dựng lại trên nền móng của chùa cũ ngôi nhà một gian để làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung cho cộng đồng. Đến những năm 2006, 2007 được sự quan tâm của chính quyền, cùng với việc ủng hộ của nhân dân địa phương và khách thập phương ngôi chùa lại được tôn tạo trên khuôn viên cũ gồm các công trình Nhà Bái đường và Hậu điện. Các công trình này được xây bằng gạch, xi măng cuốn vòm, mái được làm hai tầng, dán ngói vẩy. Năm 2013 do nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương, chùa Từ Quang đã xây thêm ngôi Nhà tổ 3 gian theo kiểu tường hồi bít đốc, lợp ngói vẩy theo lối truyền thống.
Quy mô cấu trúc
Hiện nay chùa Từ Quang được xây dựng theo hướng Tây Bắc. Gồm các công trình: Sân, Chùa chính và Nhà tổ:
– Sân: Nằm phía trước Chùa chính, diện tích 175m2. Toàn bộ sân được lát gạch bát màu đỏ (kích thước 30cm x 30cm) theo lối chữ Công (I).
– Chùa chính: được xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm Bái đường và Hậu điện; vật liệu bằng gạch, ngói, xi măng cốt thép.
+ Nhà Bái đường gồm 3 gian; xây cuốn vòm, dán ngói vẩy, kích thước chiều rộng 3,8m; chiều dài 7,6m; Hiên rộng 2,05m, 3 cửa hiên xây theo kiểu cuốn vòm, trên cửa gian giữa đắp cuốn bức cuốn thư. Bên trong cuốn thư đắp 3 chữ Hán “Từ Quang tự” (Chùa Từ Quang), hai cửa gian bên đắp hình lưỡng long. Hai bên đầu hiên đắp 2 pho tượng hộ pháp. Trên mái hiên chùa xây theo kiểu cổng Tam quan hai tầng mái, bốn mái, cuốn vòm, dán ngói vẩy theo kiểu truyền thống. Cửa ra vào của Bái đường cũng được làm theo cửa cuốn vòm, cánh bằng gỗ theo kiểu cửa bức bàn.
+ Hậu điện được xây dọc so với nhà Bái Đường và nối liền bằng 3 cửa cuốn ở gian giữa tường hậu. Hậu điện xây bằng gạch, cuốn vòm dán ngói vẩy theo kiểu chồng diêm hai tầng mái. Kích thước chiều dài chiều dài 5,6m; chiều rộng 4,3m.
– Nhà Tổ: Được xây về hướng Đông chùa chính, mặt quay hướng Nam. Toàn bộ Nhà Tổ xây theo kiểu nhà 3 gian, tường hồi bít đốc, hai tầng mái lợp ngói vẩy. Nhà Tổ có diện tích 74,1m2 (dài 9,5m; rộng 7,8m). Toàn bộ hệ thống cửa được làm bằng gỗ theo kiểu cửa bức bàn cuốn vòm. Cửa giữa có kích thước rộng 1,47m; cao 2,45m, hai cửa bên có kích thước nhỏ hơn cửa giữa (cao 1,05m; rộng 2,35m). Tiếp giáp với tường hồi phía sau tại mỗi gian được mở rộng về phía sau để làm cung thờ. Các cung thờ này xây theo kiểu cuốn vòm bằng xi măng không dán ngói. Phía trước Nhà tổ là sân nối liền với sân Chùa chính, diện tích sân Nhà tổ là 128,25m2 (chiều dài 13,3m; chiều rộng 9,5m). Sân lát gạch bát màu đỏ có kích thước 30cm x 30cm theo lối chữ công (I).
Hệ thống thờ tự
* Nhà Bái đường: có hai pho tượng Hộ pháp được đắp vào tường phía trước, đây là những vị thần bảo vệ Phật pháp, mặc giáp trụ, tay cầm vũ khí. Tượng vị bên trái là Khuyến Thiện (gọi tắt là ông Thiện), tượng vị bên phải là Trừng Ác (gọi tắt là ông Ác). Ở phía bên tả nhà Bái đường có ban thờ tượng Thổ địa, phía Tây là ban thờ Thánh tăng.
* Hậu điện: là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa, ở đây được bài trí 5 lớp tượng mới bằng gỗ:
– Lớp thứ nhất: Tầng cao nhất của bàn thờ ở chính điện, sát vách, có 3 pho tượng gọi là Tam Thế Phật, tức là các vị Phật của ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba pho tượng Tam Thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn (卍). Ba pho tượng Tam Thế ngồi trên tòa sen.
– Lớp thứ hai: là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (còn gọi là Thích Ca giáo chủ) ngồi giữa, tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở bên trái và tượng Bồ Tát Phổ Hiền ở bên phải. Thích Ca ngồi trên tòa sen, còn Văn Thù và Phổ Hiền đứng trên tòa sen. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca Mầu Ni đang thuyết pháp.
– Lớp thứ ba: tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay được diễn tả bằng hình tướng nữ, có thể nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh và giang tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân.
– Lớp thứ tư: chiếm ở vị trí giữa là tượng Ngọc hoàng Thượng đế, hai bên là vị Nam Tào và Bắc Đẩu.
– Lớp thứ năm: đặt tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh). Hai bên là tượng Đế Thích và Phạm Vương (Phạm Thiên). Tượng Cửu Long diễn tả Phật Thích Ca Mầu Ni lúc mới sinh. Theo truyền thuyết Phật giáo, khi Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước để tắm cho ngài. Tắm xong ngài tự đi được bảy bước về phía trước. Tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất, chỉ có Phật tính trong ta là tôn quý hơn cả). Trên tòa Cửu Long có chín con rồng vây bọc, chầu vào trên đầu và ba mặt sau lưng ngài, trên những đám mây có đủ chư Phật, chư Thiên, thiên nữ, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ kim cương.
* Nhà thờ Tổ: ở bàn thờ gian chính giữa đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma, nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ VI, người sáng lập phái Thiền Tông.
Gian bên tả đặt khám thờ gia tiên bách tính trong làng, những người đến đây sinh cơ lập địa đầu tiên.
Gian bên hữu đặt tượng Địa tạng là một vị Bồ tát được tôn thờ trong Phật giáo, thường được mô tả như một Tỷ khiêu phương Đông. Địa Tạng Bồ tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn cho đến khi Bồ tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng. Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị Bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh. Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là Bồ tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu. Địa Tạng thường được mô tả là một Tỉ khiêu trọc đầu với vầng hào quang, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm.
Hiện nay Chùa Từ Quang đang được nhân dân trong làng và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, gìn giữ và bảo vệ. Các hạng mục của công trình đã từng bước được trùng tu, tôn tạo theo cấu trúc thờ tự của một ngôi chùa truyền thống của người Việt. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, chùa Từ Quang cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa để phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa của di tích này.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Hữu Toản