Chùa Xuân Trạch (Linh Ứng Tự – Đông Anh, Hà Nội)

Chùa Xuân Trạch (Linh Ứng Tự – Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Chùa Xuân Trạch có tên chữ là Linh Ứng Tự ( Linh Ứng Thiền Tự).

Lược sử

Thôn Xuân Trạch

Thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh xưa nay vốn là “nhất xã nhất thôn” (tên Nôm cổ là Kẻ Trầm) thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nằm ở vị trí ngã ba, nơi giao nước của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, nơi nhận nước của sông Ngũ Huyện đổ ra sông Đuống (xưa, khi úng cục bộ ở hạ lưu nó lại nhận nước của sông Đuống đổ ngược lên mạn Bắc ra sông Cầu ở Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Xuân Trạch sớm là nơi dừng chân của cư dân Việt cổ trên con đường tiến xuống kinh doanh vùng trung tâm Châu thổ sông Hồng. Sông Ngũ Huyện (hay còn gọi là  Ngũ Huyện Khê, Ngũ Huyện Giang có nguồn gốc từ vùng cao Lập Thạch Vĩnh Phúc và sông Cầu chảy qua 5 huyện là: Đông Anh, Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, Tiên Du và Yên Phong). Xưa nối với hệ thống sông cổ như Dâu, Tiêu Tương luôn đầy ắp nước tưới tiêu cho vùng châu thổ trù phú, là dòng chuyên chở văn hóa của vùng Kinh Bắc nối với Thăng Long. Nằm ở khu vực xung quanh đậm đặc những di tích cổ như khu di tích Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm (Thái Đường, quê ngoại nhà Lý),… nơi ngã ba sông trên bến dưới thuyền. Kẻ Trầm – Xuân Trạch còn bảo lưu được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.

Chùa Xuân Trạch

Theo Đại đức Thích Thanh Hải trụ trì chùa Xuân Trạch – Linh Ứng Tự, Thần phả làng Xuân Trạch cho biết: “Đình làng thờ Xạ thần Quốc Lang, con thứ 5 của Vua Hùng đời thứ 17 Hùng Nghị Lang với người con gái Kẻ Trầm là bà Trương Trinh Ngoạn (sau được phong là Ngoạn Phi Vân), có tài bắn giỏi như thần, nhiều lần có công phù vua chống giặc, giúp dân trừ hại”.

Tài liệu thư tịch và khảo cổ chưa cho biết chùa làng Xuân Trạch có từ bao giờ nhưng truyền thuyết và Thần tích kể lại: “Trong một lần bà Ngoạn Phi Vân cùng các cung nữ về quê du ngoạn và sửa sang lăng miếu tiền nhân, bỗng có Long thần  trên trời sà xuống. Mọi người cho rằng đó là điềm lành bèn cho lập ngôi chùa thờ Phật tại nơi Long thần xuất hiện (sau đặt địa danh là Đường Rồng), đặt tên là Thanh Vân tự với ý nghĩa “Vân bất tại cao, hữu tiên tắc danh” (Mây xanh không cần cao, có tiên giáng tất nổi tiếng)”.

Kiến trúc

Chùa Xuân Trạch là công trình kiến trúc tôn giáo cổ còn khá nguyên vẹn và mới được trùng tu khang trang. Hiện nay chùa bao gồm các khu vực: cổng tam quan, hồ sen, Lầu Quan Âm, Lầu chuông và Lầu trống, Lầu thiền, Tháp thờ Phật, Trai đường, nhà phục vụ, khu nuôi dưỡng từ thiện, nhà đón khách, hệ thống tường bao cùng với một khuôn viên cây xanh mở để người dân có thể dưỡng tâm, vãn cảnh chùa. 

Tam quan chỉ có lối vào ở giữa, hai bên là hai bức tường với hình ảnh hai vị tướng đang canh gác chùa. Tam quan chùa có ý xây mở, không cửa đóng then cài, bố trí các cột trụ có hoa văn nhà Phật và mang tính biểu tượng, để bất cứ khi nào có nhu cầu tìm đến cửa Phật, Phật tử thập phương cũng có thể đến lễ Phật, cầu an. Điểm đặc biệt trong kiến trúc của chùa chính là cổng chùa không dẫn vào chánh điện mà dẫn thẳng lên Lầu Quan Âm. Mặc dù tam quan được thiết kế dưới dạng cột trụ nhưng nhìn tổng thể với Lầu Quan Âm khiến ta có cảm giác chùa có tam quan dạng gác mái.

Di vật

Dưới thời Thiệu Trị (1841–1847) nhân dân trong làng cùng thập phương tín thí nhất tâm hưng công đại trùng tu ngôi cổ tự linh thiêng, đổi tên là chùa Linh Ứng, đúc chuông “Linh Ứng tự chung”.

“Đại Nam quốc – Bắc Ninh tỉnh – Từ Sơn phủ

Đông Ngàn huyện – Xuân Canh tổng – Xuân Trạch xã”

Năm 1948, do sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, ngôi chùa dường như bị san phẳng hoàn toàn, duy nhất chỉ còn lại quả chuông này. “Linh Ứng Tự Chung” là pháp khí cũng là một nhạc khí linh thiêng, trở thành minh chứng lịch sử duy nhất của xã Xuân Canh còn được lưu giữ và phát huy đến ngày nay.

Sự kiện – Lễ hội

Hằng năm, chùa và các đình đền thôn Xuân Trạch vẫn tổ chức Lễ hội Rước Nước từ ngày mùng 8 đến ngày 13 âm lịch, một lễ hội mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa tâm linh của người Việt cổ, thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách thập phương đến tham quan, lễ bái.

Ngày 3/7 năm Ất Mùi ( tức ngày 16/8/2015), Lễ chiêm bái Phật Xá Lợi được diễn ra tại chùa, có sự tham gia đông đảo của các tăng ni phật tử. Buổi tối cùng ngày còn diễn ra lễ Vu Lan báo hiếu và chương trình văn nghệ “Mẹ Việt Nam ơi” để tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành, đặc biệt là những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Dù chùa còn mới ở mức tu sửa, tôn tạo ban đầu, nhưng nay người làng Xuân Trạch cũng đã có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ Phật, tu dưỡng tâm tính, đạo pháp.

“Thanh Vân chùa cũ nay tái thiết

 Màu cờ ngũ sắc lại tung bay

 Như hồn Đức Phật trên trời biếc

Tỏa ánh hào quang xuống đất này”.

Tham khảo

  • Hà Nội: Cung rước, an vị Xá lợi Phật tại chùa Linh Ứng, https://phatgiao.org.vn/ha-noi-cung-ruoc-an-vi-xa-loi-phat-tai-chua-linh-ung-d19062.html#
  • Xuân Trạch – Kẻ Trầm một miền đất cổ, https://chuaxuantrach.com/xuan-trach-ke-tram-mot-mien-dat-co/

 

4/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)