CỔNG LÀNGTổng quanCách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, làng cổ Ước Lễ (xã Thanh Oai) mang một vẻ đẹp rất riêng – vẻ đẹp của sự bình lặng và của những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian. Cổng làng Ước Lễ, công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng của làng chứa đựng tinh hoa hồn Việt được xây dựng từ thời Mạc, là một trong những cổng làng đẹp nhất còn lại đến ngày nay. |
Kiến trúcCổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang, cao 6m, ngang 12m, được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông, mang đầy sự bề thế và chắc chắn. Nhờ có những bàn tay tài hoa của người thợ nên dù được làm với chất liệu hiện đại, cổng làng vẫn mang đậm nét xưa, cổ kính. Cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Vòm cổng làng Ước Lễ xây cuốn hình parabol, đây chính là sự phối hợp của hình vuông và hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo. Phía trên trán cổng là ba chữ Hán đại tự rất đẹp “Ước Lễ môn” nghĩa là Cổng (làng) Ước Lễ. |
“Ước” – “Lễ” là chữ dùng xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ), ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng thể hiện quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ. Ở mặt sau cổng làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ “Thiểu cao đại”. Ba chữ này là một điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời Hán tên là Vu Định Quốc, làm quan trong triều. Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu, làm cửa phải cao hơn một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu làm quan to, thì xe ngựa mới đi vừa. Dùng điển tích xưa đắp trên cổng, nơi dân làng thường qua lại, cũng là nhắc nhở mọi người phải có chí học hành, tiến thủ để được thành đạt trong cuộc sống. |
Gác mái của cổng làng ghi bốn chữ Hán “Mỹ tục khả phong”, tạm dịch là những phong tục đẹp có thể được noi theo và lan tỏa. Đôi câu đối hai bên rất độc đáo, cả hai vế đều được viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm: “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị / Tạm dịch nghĩa là: “Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử Kiều”. |
Nếu kiến trúc của cổng thành xưa thường có sông hoặc đào hào bao quanh thì cổng làng Ước Lễ cũng có lạch nước phía trước mặt. Người vào làng sẽ đi qua một cái cầu bắc qua lạch nước rồi mới qua cổng và vào làng. Ngoài giá trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ cho cổng làng Ước Lễ. Giống như những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ của Việt Nam có mặt bằng bố cục và những hình thức tạo hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác kết hợp với nhau. |
ĐÌNH LÀNG ƯỚC LỄTổng quanQua cổng làng Ước Lễ ngay bên phải là Đình làng Ước Lễ. Cổng đình nay đã được dân làng mới dựng bằng đá. Bước lên chín bậc hai bên là đôi rồng bằng đá mới là sân đình. Bên phải là Tam Bảo có tấm bình phong đá mới được dân làng kiến tạo năm 2012. Bước lên thềm Đình nhìn lên mái là các phù điêu mô tả phong cảnh sinh hoạt đời xưa rất sinh động, dưới củng Đình có 5 bài thơ trâm. |
Đình làng thờ Thành Hoàng Lữ Gia còn giữ nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê, đẹp sánh ngang với đình Quảng Bá (Hà Nội). Trong các gian đình, tất cả đầu vì kèo và đầu xà ngang đều được nghệ nhân chạm khắc nổi hết sức sinh động, mềm mại, uyển chuyển hình tứ linh long – ly – quy – phượng và mặt trời cùng mai-lan-cúc-trúc. |
Ðặc biệt, khác hẳn với nhiều đình của các làng Bắc Bộ, đầu vì kèo ở mái hiên chỉ được chạm khắc đơn giản hoặc không chạm khắc; xà ngang và vì kèo của mái hiên đình Ước Lễ đều được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế. Trên nóc đình, ngoài đôi rồng chầu mặt trời, còn có đôi cá chép uốn cong được ghép bằng các mảnh sứ xanh lam. Hai đầu đình có hai bầu rượu tròn cao ngất là những chi tiết độc đáo, riêng biệt, đặc sắc của kiến trúc đình Ước Lễ mà ở một số đình nổi tiếng như Tây Ðằng, Ðình Bảng không có. Ðôi cá chép để trên nóc đình chắc có liên quan đến sự tích “cá vượt vũ môn” để nêu cao tinh thần hiếu học cho dân làng Ước Lễ. |
Tam quanTam quan của Đình làng Ước Lễ gồm 6 cột trụ, 4 trụ nhỏ, 2 trụ to. Cổng chính không được thiết kế dưới dạng mái mà chỉ là một cây cổng sắt giản dị. Hai cổng nhỏ hai bên được thiết kế dưới dạng 2 tầng tám hai, hai bên trụ là hai câu đối chữ Hán. Hai cổng này có lối vào khá nhỏ. |
Sân đìnhSau tam quan dẫn vào khu vực sân Đình. Sân Đình được lát gạch khá rộng, vào những vụ gặt, nơi đây thường trở thành địa điểm để bà con cô bác phơi thóc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao của người dân làng Ước Lễ. |
Hoạ tiết điêu khắcKiến trúc hoa văn hoạ tiết trong Đình được chạm khắc theo phong cách thời nhà Nguyễn, với những đường nét vô cùng tinh xảo. Những họa tiết điêu khắc hình rộng, lân, phương càng mang thêm dấu ấn trang trọng cho ngôi đình. Qua cửa đình làng là các bộ câu đối khảm trai trên các cột đình, năm 1985 bị kẻ xấu trộm ra đầu làng cậy lấy trai. May mắn thay dân làng phát hiện và cứu lại được. Năm 1995, các bộ câu đối được phục hồi và trở lại đẹp như xưa. Các bộ câu đối này đều ca ngợi công lao hy sinh anh dũng của những vị anh hùng dân tộc thế hệ trước, đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, tiêu biểu là người anh hùng Chí Trung Anh Linh. |
Sự kiện – Thành tựuNăm 1986, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình làng Ước Lễ là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. |