Cụm di tích đình, chùa Bối Khê thuộc xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Sự hình thành
Chùa Bối Khê nằm cùng khuôn viên với đình Bối Khê, được dựng vào đầu thời Nguyễn và trùng tu vào năm Duy Tân thứ 6 (1912).
Kiến trúc
Chùa có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (T), gồm có 7 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung – là trung tâm Phật điện của chùa. Hiện nay, chùa đang lưu giữ một quả chuông đồng và một khánh đá cùng có niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814). Gian Tiền đường có hai pho tượng Hộ Pháp gồm Khuyến Thiện và Trừng Ác, đặt đối diện nhau và chiều cao lên đến 3 mét. Tượng mặc áo giáp nhẫn nhục nhằm chống lại các mũi tên dục vọng.
Tượng thờ
Hậu cung gồm 3 gian, là trung tâm Phật điện của chùa, nơi đặt rất nhiều tượng thờ, được tạo tác vào thời Nguyễn. Mặt tượng mang dáng đôn hậu gần gũi, tính nhân đạo cao trong sự soi rọi nội tâm và miệng mỉm cười cứu độ. Các tượng đều được chế tác rất kỹ, mềm mại và chau chuốt mang tính nghệ thuật cao.
Lễ hội
Đình Bối Khê thờ thành hoàng là Ý Mục Đại Vương Thượng Đẳng thần. Tương truyền rằng, Nguyễn Mục là một vị tướng giỏi vào thời Duệ Vương thứ 18, sau khi đánh giặc Thục Phán. Nguyễn Mục được nhà vua phong Ý Mục Đại Vương Thượng Đẳng thần. Nguyễn Mục tâu lên vua xin trang Bối Khê làm ấp hộ nhi, là nơi thờ phụng về sau.
Lễ hội được mở vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Lễ rước được rước xung quanh làng. Lễ vật dâng thần gồm có: thủ lợn, gà, xôi, oản, mâm hoa quả, rượu…
Trong lễ hội diễn ra một số trò chơi dân gian đặc sắc như: Chôn chân kéo co, cướp trâu bò, đu quay… cùng với nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền như hát tuồng, chèo
Di tích quốc gia
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 6 tháng 6 năm 1996.
Tham khảo
- “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn học, 2012.
- Đình, Chùa Bối Khê – (hungyen.gov.vn)