Giới thiệu chung
Cụm di tích Đình, Đền, Chùa Mơ Táo tọa lạc tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Trước đây, làng Mai Động nằm ở cửa ngõ phía đông kinh thành Thăng Long nhưng trong nhiều thế kỷ làng Mai Động (tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì) vẫn là một làng thuần nông. Năm 1961, Mai Động nhập về xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì. Ngày 13/07/1982, làng Mai Động và xóm Mơ Táo của xã này được tách ra để thành lập phường Mai Động, thuộc quận Hai Bà Trưng. Ngày 06/11/2003, phường Mai Động nhập về quận mới Hoàng Mai.
Đền Mơ Táo còn gọi là Đền Ba Cây, do trước đây trong khuôn viên của đền có ba cây muỗm cổ kính nên người dân trong vùng đã gọi là Đền Ba Cây. Xung quanh di tích này có nhiều truyền thuyết về một di tích có lịch sử lâu đời và rất linh ứng.
Chùa Mơ Táo tên chữ là Phúc Khánh tự. Chùa có quy mô khá lớn, được nhân dân trong vùng cùng khách thập phương cúng tiến, tôn tạo khang trang.
Lược sử – Di vật
Đình Mơ Táo
Không biết Đình Mơ Táo được xây dựng vào thời gian nào nhưng hiện nay Đình còn lưu giữ tấm bia niên hiệu Chính Hòa năm thứ 20 (1699) và bộ kiệu long ngai còn khá nguyên vẹn và đẹp, niên đại khoảng thế kỷ 18.
Đình Mơ Táo là di tích thờ vọng Đức Thánh Tam Trinh.
Đền Mơ Táo
Đền Mơ Táo thờ “Mẫu thoải” – bà Hoàng Thị Chung, con gái tướng Hoàng Đình Vệ (dòng dõi Hoàng Đình Ái là công thần thời Lê Trung Hưng). Bà Hoàng Thị Chung sống ở đầu thế kỷ XVIII, là người có tâm đức. Sinh thời bà, có năm đê Thanh Trì bị vỡ, bà đã dùng thuyền chở gạo phát chẩn cứu dân lành. Chẳng may, khi có gió bão, thuyền bị đắm, bà chết đuối.
Dân làng lập Đền thờ tưởng nhớ công đức của bà. Bà được thờ ở Đền Mơ Táo và Đền Lừ (Hoàng Mai) gọi là “Thủy Tinh công chúa”. Trong Đền Mơ Táo có thờ Mẫu thoải – bà Hoàng Thị Chung, thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và thờ tướng Nguyễn Xí – người đã cùng Lê Lễ đem 500 quân chống Vương Thông ở Tây Phù Liệt (1427), mải đuổi giặc, voi của Nguyễn Xí bị lầy ở Mai Động, trước Đền Mơ Táo còn địa danh “Cầu Voi”.
Di vật còn lưu giữ trong chùa đáng chú ý nhất là đôi câu đối niên hiệu Khải Định Nhâm Tuất (1922).
Chùa Mơ Táo
Không biết Chùa Mơ Táo được xây dựng từ thời kì nào nhưng chùa gắn với nhiều biến động của lịch sự quan trọng của nước ta.
Đầu tháng 05/1954, một máy bay quân sự Pháp trúng đạn ở mặt trận Điện Biên Phủ cố bay về đến đây thì rơi xuống vườn Chùa. Chú tiểu trông chùa bị chết. Phật điện, Tiền đường đổ nát. Sau ngày miền Bắc giải phóng, nhân dân sở tại góp gạch, gỗ dựng lại mái chùa đơn sơ.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhận rõ giá trị lịch sử của ngôi chùa, Thượng tọa Thích Viên Thành – trụ trì ở Chùa Hương đã cử người về trông nom. Năm 1997, Phật tử khắp nơi đã đóng góp hơn 900 triệu đồng dựng lại chùa theo kiến trúc cổ.
Di vật còn lưu lại trong Chùa là các tấm bia thời Nguyễn (Tự Đức năm 1860 và Bảo Đại năm thứ 6, năm 1931). Đáng chú ý là quả chuông thời Tây Sơn (niên hiệu Bảo Hưng nhị niên – 1802) đã được biết tới bởi minh chuông đã cho biết đến tình hình tôn giáo, tín ngưỡng vào bối cảnh lịch sử “đặc biệt”. Chuông do Trần Thái An là Hiệp trấn xứ An Quảng đúc. Thân chuông cao 0,69m, miệng rộng 0,48m. Quai chuông đúc hình con bồ lao khá đẹp. Thân chuông chia thành 4 phần. Phía trên khắc chữ Phạn, phía dưới đúc nổi hình rồng, phượng, lá đề. Qua các dòng chữ Hán “Bảo Hưng nhị niên tuế tại Nhâm Tuất tu tạo” chúng ta biết chuông được làm khuôn vào năm cuối cùng của triều Tây Sơn và đến năm sau (1803) khi nhà Nguyễn nắm quyền thống trị trên cả nước, việc đúc chuông mới hoàn thành. Lời văn khắc trên chuông giúp chúng ta tìm hiểu chính sách tôn giáo thời Tây Sơn. Chuông Chùa Mơ Táo là một trong số ít quả chuông Tây Sơn còn giữ niên đại nguyên vẹn đến ngày nay.
Kiến trúc
Đình Mơ Táo
Khuôn viên của Đình đã thu hẹp nhiều so với trước đây. Đình được xây dựng với kiến trúc 3 gian 2 chái.
Đền Mơ Táo
Trước đây trong khuôn viên của Đền có ba cây muỗm cổ kính. Xung quanh di tích này có nhiều truyền thuyết về một di tích có lịch sử lâu đời và rất linh ứng.
Chùa Mơ Táo
Chùa Mơ Táo đặc biệt có tam quan bằng đá xanh tạo tác rất đẹp. Chùa được xây ba gian hai dĩ. Từ sân chùa lên tòa tam bảo phải qua 5 bậc đá. Quanh Tam bảo có hành lang và lan can bằng đá. Lan can chia thành nhiều ô. Mỗi ô đều chạm nổi chim muông, hoa lá.
Ba gian chùa lắp cửa bức bàn. Mỗi cánh được phân ô chạm nổi chim phượng, hoa mai, sen, cúc. Phía trên cửa, gắn các bức chạm hoa văn, ở giữa là các chữ Hán: “Văn tư tu”, “Tín hạnh nguyện”, “Giới định tuệ”. Bộ khung gỗ phật điện làm theo kiểu chồng giường. Trước Phật điện gắn cửa võng, phía trên treo bức hoành “Lưu ly bảo điện”. Nối tiếp tam bảo và phật điện là hai cửa ngách đi ra hành lang tạo sự thông thoáng và thuận tiện cho sự hành lễ của các phật tử. Ở đầu hồi phía ngoài tam bảo, hướng về nhà tổ, có gắn phù điêu tạo bằng đá xanh cỡ 2,6×2,6×0,1m. Chính giữa chạm nổi hình Phật Thích Ca tọa trên tòa sen; hai bên có chữ Học và chữ Pháp.
Sư Thích Minh Nguyệt – trụ trì Chùa Mơ Táo cho biết, các đồ thờ bằng gỗ ở chùa như hương án, hoành phi, câu đối, tượng Phật do thợ giỏi tạo tác và đều được dát vàng. Tổng số tiền chi cho trang trí nội thất hết hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, Chùa đang dựng Tam quan kết cấu toàn bằng đá, quy mô khá lớn. Tam quan có 4 trụ, tạo 3 cửa, trên có mái cổng chạm hình ngói âm dương. Đế chân hai cột chính kích thước 1,15×1,15m; thân cột cỡ 0,70×0,7, cao 3,6m. Phía trên chạm tứ linh. Khi hoàn thành, công trình này dùng hết 80m3 đá mua từ Thanh Hóa. Các thợ đá tỉnh Ninh Bình đảm nhiệm tạo tác.
Lễ hội
Hàng năm, vào sáng mùng 4 Tết, tại sân Đình Mai Động diễn ra hội tưởng niệm Đức thành Tam Trinh. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh xác định Tam Trinh là thủy tổ của môn võ này và hội vật Mai Động diễn ra từ ngày 4 đến 6 tháng Giêng có quy mô lớn nhất Hà Nội. Do vẫn giữ được những miếng vật từ xa xưa nên hội vật Mai Động thu hút rất nhiều đô từ Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định… về đây đua tài. Hội vật Mai Động đã đi vào tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng, đi vào tranh của nhiều họa sĩ tài danh, trong đó có họa sĩ Mạnh Quỳnh…
Tham khảo
- https://nguoihanoi.com.vn/mai-dong-hon-lang-trong-pho_261292.html
- https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/16589/ket-qua-khao-sat-mot-so-di-tich-khu-vuc-mai-djong-hoang-mai-ha-noi.html
- https://mytour.vn/location/435-den-mo-tao.html
- http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/8784/chua-m417%3B-tao