Tên gọi và vị trí địa lý
Đền Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) có tên là Khu Độc linh từ là ngôi đền nổi tiếng thờ Đạo Mẫu Tứ Phủ, vị thần được thờ chính là Ông Hoàng Mười.
Từ quốc lộ 1, men theo chân núi Ngũ Mã khoảng 300m, rồi xuôi theo bờ sông vài chục mét là đến đền Củi. Đây chính là nơi dãy Hồng Lĩnh vươn vào dòng sông Lam. Đền tọa lạc trên núi Khu Độc thuộc Ngũ Mã hướng về phương Bắc, tựa lưng vào núi nhìn xuống sông Lam. Các tòa điện cao dần theo thế núi uy nghiêm, đường bệ dưới bóng nhiều cây cối cổ thụ. Trước đền, sông nước mênh mang tạo nên không gian kiến trúc huyền ảo, linh thiêng.
Lịch sử và nhân vật
Đền Củi được tạo dựng từ thời Lê. Qua vài lần tôn tạo nhưng đền vẫn giữ được nét xưa thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi. Tam quan của đền đặt liền bến sông, cao 2 tầng, đường nét tinh xảo và mềm mại uyển chuyển của đôi rồng chầu mặt trăng. Mặt trước Tam quan có câu đối:
Lam giang hiển hách tự thiên thu
Ngũ Mã anh linh chung tú khí”.(1)
Phía trong Tam quan là hồ bán nguyệt ở sân thấp nhất của đền, vòng qua hồ qua 7 bậc thềm đến sân trên, bước thêm 5 bậc thềm nữa là tới đền. Đền Củi được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”, gồm ba tòa nhà, mỗi tòa ba gian. Các tòa thống nhất liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ. Thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, rồi cung Trần Triều.
Ở cung thờ Ông Hoàng Mười có hai bức đại tự “Mẫu Đức Chiếu ảnh” và “Huyền Từ Bố Chững”, cùng câu đối:
Quá giả hóa tồn giả thần vị liệt Nam bang tứ bất
Quốc hữu từ gia hữu danh miếu cao thiên bản lục kỳ.
dịch:
Cái đã qua là hóa, cái còn lại là thần, nước Nam có bốn vị bất tử
Nước có đền, nhà có miếu, trời cao vốn có lục kỳ.
Mặt tiền Hạ điện của ngôi đền có hai tầng mái, trông bề thế nhưng vẫn có nét thanh thoát. Phần giữa hai tầng mái có đề: “Linh từ Thánh Mẫu”. Trước đền và mặt bên của hàng cột hiên có khắc các câu đối ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền.
Xưa nay, người ta truyền tụng đền thiêng, mọi người đến cầu nguyện thường được Ông linh ứng phù hộ. Quanh năm, không riêng người Nghệ – Tĩnh mà muôn phương khách về đây vãn cảnh hành lễ. Hội đền được tổ chức vào ngày 10 tháng 8 âm lịch. Ngôi đền cổ và phong cảnh nên thơ tạo cho du khách những giờ phút thảnh thơi, tinh tại hoặc chìm đắm trong văn chầu và không khí lễ hội truyền thống linh thiêng.
Chú thích
Tham khảo
- Nxb Văn hoá – Thông tin (2013), Tín ngưỡng thờ Mẫu và hầu đồng.