Tên gọi và vị trí địa lý
Di tích đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đó là nơi hợp lưu của hai dòng sông Thiên Trù và Tô Lịch. Sông Thiên Trù còn gọi là sông Đà La nay đã bị lấp, chỉ còn dấu tích là hệ thống ao hồ trũng kéo dài lên Xuân Tảo.
Đền cách Trung tâm TP Hà Nội (Hồ Gươm) chừng 6km về phía Tây Bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: cuối các phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám (tuyến 14, 45).
Lịch sử và nhân vật
Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, vốn là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa. Thần đã phò tá Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn[1]. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại vương”. Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là một cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên bờ phải sông Mã thuộc địa phận làng Đan Nê (Đan Nê trước kia còn có tên là Khả Lao, gọi là Khả Lao phong (phong là đỉnh núi) rồi gọi tắt là Khả Phong, có thể bao gồm cả ấp Xuân Thái ngày nay), xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Tương truyền, năm 986, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh giặc Chăm ở phương Nam tại sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Khi thắng trận, Lê Hoàn đã tạ ơn và ghi cho đền câu đối:
Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh,
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt hồ.
Sách Việt điện u linh (của Lý Tế Xuyên người thời Trần, soạn từ thế kỷ XIV), truyện “Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu đại vương” cho biết: “Sách Báo Cực Truyện nói rằng Vương vốn là thần núi Đồng Cổ, núi ấy ở tỉnh Thanh Hóa, tên tục là núi Khả Phong. Xưa kia, khi Lý Thái Tông còn làm Thái tử, có được vua Thái Tổ sai đem binh đi đánh Chiêm Thành,. Lúc quân kéo đến Trường Châu, gặp đêm tối, phải đóng lại nghỉ.
Tối hôm ấy, đến khoảng canh ba, giữa lúc mập mờ, bỗng nhiên thấy một dị nhân, thân cao tám thước,mày râu như chỉa như chông, áo mão chững chạc, mình khoác nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu khép nép tâu rằng:
– Thần là chủ núi Đồng Cổ, nghe Hoàng Quân nam chinh nên chẳng từ gian hiểm, cố để xin theo trợ linh Vương Sư, ngõ hầu khiếp phục cha ký được đám hồ man, đặng có lập chút ít công mọn.
Lý Thái Tông cả mừng, liền vỗ tay chịu cho ngay. Kế giật mình tỉnh dậy, té ra là một giấc chiêm bao. Rồi, trận ấy quả nhiên đại thắng.
Khi Thái Tông khải hoàn, liền sai sắm đủ lễ đem đến tạ ơn. Nhân đó mới rước thần về Kinh Sư, để nhờ bảo quốc hộ dân. Đoạn sai người tìm khắp, chọn nơi để lập đền thờ; nhìn từ phía đấy đai ngoài vòng Kinh Kỳ, vẫn chưa quyết định được nơi nào. Bỗng trong một đêm lành nọ, thần báo mộng cho Quân Thượng, xin chọn chỗ đất ở trong Đại Nội về bên hữu phía sau chùa Thánh Thọ. Lại có nói:
– Chỗ ấy tinh khiết, mà lại nhìn xem hùng tráng, xét cho tường duyên cớ, là bởi vì đã có sẵn nhân duyên cũ vậy.
Quân Vương liền nghe theo, bèn cho sửa sang xây cất, chẳng mấy ngày mà đã thành công.
Khi Lý Thái Tổ (băng), Thái Tông tức vị. Một đêm nọ, Đại Vương lại thác mộng sớm, báo cho Thái Tông biết:
– Ba vị Vương tử lâu đã hoài bảo dị chí, muốn dấy động binh đao, nhà vua nên sớm lo để phòng, ngõ hầu tránh khỏi hậu hoạn.
Nhà vua thức dậy, cũng chưa tin cho lắm. Đến khi trời vừa rạng sáng thì quả đúng như trong mộng đã nói. Lý Thái Tông hết sức lấy làm kinh dị, liền ban chiếu phong thần làm Thiên Hạ Minh Chủ Thần, lại thêm cho tước Đại Vương. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, có sắc phong Linh Ứng Đại Vương. Qua năm thứ 4, thì gia phong hai chữ Chiêu Cảm. Niên hiệu Long Hưng 21, lại còn phong thêm hai chữ Bảo Hựu.”[2]
Sách Việt Sử Tiêu Án cũng có lược chép chuyện này coi như một sự thực: thần Đồng Cổ bào vua rằng 3 vị Vương sẽ gây ra biến loạn, phát đánh mã binh cho mau. đến khi có việc ấy rồi, vua liền ban sắc phong tước vương cho vị thần ấy, lập miếu thờ ở… phía hữu La Thành (nay về phường An Thái, thuộc làng Bưởi, huyện Vĩnh Thuận).
Các sách chính sử cũng có ghi việc này, Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lý, trong mục ghi các sự kiện xảy ra năm 1028 có đoạn tả: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4.”[3]
Tục lệ đó được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở Triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề. “Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, [4b] tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết.”
Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.”[4]
Tục lệ này được giữ suốt đời Trần. Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãn và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề. Hội thề Đồng Cổ và hội thề Đốn Sơn đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đưa vào tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Sang thời Lê, đổi nơi thề ra bờ sông, sai quân đến tế ở đền Đồng Cổ.
Tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757-1815) từng sáng tác bài “Vịnh Đồng Cổ đàn” nhắc tới sự hiển linh của thần Đồng Cổ.
Phiên âm:
Liên hoa bát diệp mộng sơ tinh,
Hà xứ sơn thần tự hiển linh.
Tha niên Trần Cảnh di thần khí,
Dao vọng minh đàn thảo sắc thanh.
Dịch thơ:
Hoa sen tám cánh, mộng không thành,
Thần núi nơi nào tự hiển linh?
Trần Cảnh năm xưa dời trống thánh,
Đàn thề xa ngắm: cỏ màu xanh.
Kiến trúc cảnh quan
Đền Đồng Cổ nằm trên khu đất cao trông ra sông Tô Lịch ven đường Thụy Khuê. Từ thế kỷ XX, khúc sông này bị thu hẹp dần. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhân dân đã chuyển trống đồng về nhà Hội đồng, đến thời kỳ chống Mỹ thì bị mất trống, còn ngôi đền thì bị thực dân Pháp phá hủy, vì thế mãi đến năm 2000 dân làng mới góp công sức xây dựng lại đền.
Ngày nay, trên nền đất xưa là một ngôi đền nhỏ xây theo kiểu chữ “Đinh”, được trùng tu lại năm 2009 – 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Từ ngoài vào, kiến trúc của đền được bố trí như sau:
Tam Quan xây dựng theo lối kình trụ, hai trụ cửa chính cao chừng 5m, trên có đắp hình trái dành cách điệu, rồng phượng. Hai mặt trước và sau cột trụ đắp các câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần:
Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp,
Thiên tải hậu, Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim cương.
Tạm dịch:
Tám đời vua, Đồng Cổ lời xưa, lịch đại bao phong lưu điển tịch,
Ngàn năm trải, Đàn Thề chứng tỏ, một lòng trung hiếu ánh vàng sơn.
Hai bên cửa Tam Quan đắp nổi hai con ưng bằng xi măng. Bên trái Tam Quan có cây đại sum suê, tạo cảnh quan di tích thêm cổ kính, linh thiêng. Chính giữa của Tam Quan, đặt một chiếc đỉnh bằng xi măng to, cao để cho khách thập phương đến đền thắp hương. Qua khỏi sân lên hai bậc gạch là khu vực chính của di tích gồm: Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế trước đây là nơi tọa đàm của các chức dịch hàng tổng và hàng xã, nay là nơi hội họp tiếp khách của các cụ phụ lão và Ban Bảo vệ di tích. Trên bức ván mê (nối giữa gian Trung Tế và Tiền Tế) có bức hoành phi để bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ”. Hai bên cửa phụ thông với gian trung tế có câu đối:
Toàn bằng Thanh Hoá Sơn Đông linh tích trứ,
Bất hủ Hoàng Long Thành Đồng ngưỡng tiên truyền.
Tạm dịch:
Dựa vào Thanh Hoá Nê Sơn linh tích nổi,
Bất hủ Long thành Đồng Cổ hội thề lưu.
Trung Tế là ngôi nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc đơn giản. Hệ thống kèo xà được bào trơn, ở bức ván bưng chính giữa (nối giữa Trung Tế và Hậu Cung) có bức hoành phi lớn đề bốn chữ: “Thiên cổ linh từ” (Đền thiêng muôn thuở). Dọc hai bên cửa đi vào Hậu cung có câu đối nói lên sự tích, công ơn của thần Đồng Cổ đối với quốc gia và nhân dân.
Hậu Cung nối liền với Trung Tế và Tiền Tế tạo thành kết cấu hình chữ “Công”. Hậu Cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu quá giang. Chính giữa là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị, áo mũ của thần Đồng Cổ.
Hiện vật
Hiện đền còn giữ được một bản chữ Hán trích văn tế của đền và 12 đạo sắc phong trải qua các triều đại: Cảnh Hưng năm thứ hai (1741) hai đạo; Chiêu Thống nguyên niên (1787) hai đạo; Quang Trung năm thứ ba (1790); Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) hai đạo; Thiệu Trị năm thứ chín (1849) hai đạo; Tự Đức năm thứ tám (1855) hai đạo.
Lễ hội
Cho đến nay đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “Trung hiếu” truyền thống. Cứ ngày 4/4 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân lại mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.
Lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức với nhiều nghi lễ truyền thống như: rước Nhị vị Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ, rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ, dâng hương nữ hoặc nam tại đền Đồng Cổ và các hoạt động văn nghệ, thể thao.
Năm 2023, nhân lễ Kỷ niệm 995 năm Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ, Hà Nội), đền đã đón nhận Quyết định ghi danh Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Xếp hạng
Ngày 31/01/1992 đền được công nhận Di tích lịch sử quốc gia.
Chú thích
[1] Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1993, Hồ Tôn sau chính là Chiêm Thành.
[2] Ngọc Hồ – Nhất Tâm, Việt Điện u linh, Nxb Cửu Long, 1992, tr. 149 – 150.
[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 89.
[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 161.
Tham khảo
- Ngọc Hồ – Nhất Tâm (1992), Việt Điện u linh, Nxb Cửu Long, 1992, tr. 149 – 150.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
- Lưu Minh Trị (2011), Hà Nội danh thắng và di tích, tập 1, Nxb Hà Nội.