Đình An Thái (Tây Hồ, Hà Nội)

Đình An Thái (Tây Hồ, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình thờ ông bà Dầu – Vũ Phục được dựng tại huyện Quảng Đức (triều Gia Long đổi là Vĩnh Thuận), gần góc thành Thăng Long, nay là đình An Thái toạ lạc tại số 650 đường Thuỵ Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đình còn có tên là đình thôn Đoài để phân biệt với đình thôn Bái Ân cũng thờ ông bà Dầu làm thành hoàng làng. 

Lịch sử và nhân vật

Theo truyền thuyết, dưới thời Lý Nhân Tông, chỗ hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, nước xoáy vào chân thành Thăng Long làm xói mòn, có nguy cơ sạt lở. Nhà vua sai đắp đê ngăn nước nhưng không thành. Lúc này có thần báo mộng, sáng sớm hễ thấy có một người đến bến sông này trước nhất thì nên theo ý muốn của người ta mà tiếp đãi một cách đầy đủ rồi quẳng người ấy xuống sông và phong cho làm thần, lập miếu thờ tự thì mới có thể trấn áp được. Quả nhiên sau có vợ chồng ông bà Vũ Phục bán dầu đi tới, ông bà Vũ Phục khảng khái nhận lời liền đó tự gieo mình xuống nước. Từ đó trở đi, dòng sông phẳng lặng. Nhà vua trước đó vì lo lắng nên bị đau mắt nay vui mừng nên bệnh cũng khỏi, cảm kích công đức của vợ chồng Vũ Phục nhà Vua cho lập miếu thờ và sắc phong làm Chiêu Ứng Phủ Vận Đại vươngThuận Chính Phương Dung Công chúa.

Truyền thuyết ông bà Dầu – Vũ Phục, phần nào nói lên cuộc đấu tranh sống còn giữa nhân dân Thăng Long xưa với nạn hồng thuỷ đương thời. Từ xưa không ít danh sĩ sáng tác thơ ca bày tỏ niềm thương xót ông bà Vũ Phục đã hy sinh thân mình cứu thành Thăng Long khỏi nạn hồng thuỷ. Trong đó, có thể nhắc tới bài “Vịnh Chiêu Ứng đại vương từ” của Tiến sĩ Trần Bá Lãm: 

Nguyên văn chữ Hán

此生誰料波濤地,
一死憐哉婦與夫。
雲雨幾經朝暮色,
幽魂猶繞二江流。

Phiên âm 

Thử sinh thuỳ liệu ba đào địa,
Nhất tử liên tai phụ dữ phu.
Vân vũ kỷ kinh triêu mộ sắc,
U hồn do nhiễu nhị giang lưu

Dịch nghĩa

Kiếp sống này ai liệu được cảnh đất bằng sóng gió,
Một cái chết thật đáng thương, cả vợ lẫn chồng.
Gió mưa mấy độ sớm chiều ảm đạm,
Mà u hồn vẫn còn quấn quýt nơi dòng chảy hai con sông này.

Thần phả và văn bia cho biết đình được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), đến niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) được đại trùng tu. Từ đó về sau đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào niên hiệu Thành Thái (1889 – 1907), Duy Tân (1907 – 1916)… Sau mỗi lần tu sửa, dân làng đều dựng bia ghi lại sự việc. Ngoài chức năng thờ tự, đình An Thái còn được sử dụng làm trường học rất nổi tiếng trong vùng. 

Kiến trúc cảnh quan

Đình An Thái được xây dựng trên khu đất cao, thoáng đãng theo hướng Tây Nam. Trước đây, đình có quy mô kiến trúc lớn và hoàn chỉnh, rất tiếc một số công trình đã bị phá bỏ. Hiện đình bao gồm: Cổng Tam quan lớn ở phía trước, Tả – hữu mạc, các lớp học và khu thờ tự.

Tam Quan giáp với mặt phố Thụy Khuê, đối diện chợ Bưởi. Tam Quan xây kiểu 3 gian 2 mái, bên trên có một bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Mỹ Tục Khả Phong”. Bước qua cổng vào sẽ thấy một sân gạch lớn với hai dãy Tả, Hữu vu 5 gian rộng rãi.

Cuối sân có nhà bia và phương đình áp gần sát đầu hồi Đại Bái. Tòa Đại Bái gồm 5 gian 2 chái, kết nối với Trung Cung và Hậu Cung theo hình “chữ Đinh”. Hàng hiên và bộ khung được các cột tròn cao khỏe khoắn đỡ lấy, bên trên có các mái lợp ngói ta. Bờ nóc của tam quan và đại bái có đắp tượng các cặp linh thú chầu vào vòng âm dương. Hậu cung 3 gian, trong có đặt long ngai và bài vị của hai vị thành hoàng làng. Hai bên treo câu đối nói lên tình cảm anh em và tình cảm vợ chồng của nhà Vũ Phục:

Phu phu tất giao, tình thân bích hải
Huynh đệ cốt nhục, nghĩa trọng thanh sơn. 

Tạm dịch:

Chồng vợ keo sơn, tình sâu như biển
Anh em cốt nhục, nghĩa trọng tựa non.

Hiện vật

Trong đình hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị: 18 đạo sắc phong thần của các vương triều Lê – Nguyễn; các cổ vật quý giá như rồng đá, hương án, mũ thờ, hổ phù, sắc phong, thần phả… Đáng chú ý là tấm bia “Thuỷ tạo thạch kiều bi ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759), bia “An Thái phường Tây thôn trùng tu đình vũ bi ký” (Bài ký trên bia trùng tu đình vũ thôn Tây phường An Thái) dựng năm Minh Mệnh thứ hai (1821).

Cổng đình có đôi câu đối ca ngợi ông bà Dầu:

Bạch Hạc tâm đầu lưu thánh tích/ Thăng Long thành giác kỉ thần công.

Tạm dịch:

Bạch Hạc tâm đầu lưu dấu thánh/ Thăng Long thành góc chép công thần.

Trong đình treo một đôi câu đối khác:

Đức mậu an dân công tịnh hiệp/ Danh lư vĩnh thế quốc gia phong.

Tạm dịch:

Đức thịnh yên dân nhờ hợp sức vợ chồng/ Tiếng thơm muôn thuở được sắc phong nhà nước.

Lễ hội

Truyền thuyết kể rằng trước khi mất, ông bà Dầu có dặn lại là “ngày xuân mà tụ hội ca hát thì ta sẽ vui lắm”. Bởi vậy, hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng Hai Âm lịch, làng An Thái tổ chức lễ Tế xuân còn gọi là lễ Nghênh thần để tưởng nhớ công lao hy sinh vì nước của hai vị thành hoàng làng. Theo Minh Đô sử của Lê Trọng Hàm, người vợ nhảy xuống nước rồi người chồng mới nhảy theo. Vì thế hàng năm vào ngày tế thần, lúc nghênh giá thì kiệu vợ đi trước, kiệu chồng đi sau.

Một điểm đặc biệt trong dịp lễ hội là lễ vật dâng lên thành hoàng làng mà nhân dân trong vùng gọi là “Hèm”. Ông Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình An Thái cho biết: “Trước khi ông Dầu, bà Dầu trẫm mình xuống sông, sứ giả có hỏi rằng: Ông thích ăn gì? Bà thích ăn gì? Thì ông nói rằng: Tôi thích ăn xôi dẻo – bò béo, cơm nếp – gà mái đẻ… hai món này không thể thiếu được trong lễ hội.”[1]

Xếp hạng

Đình An Thái đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá năm 1994.

Chú thích

[1] VOV2, “Đình An Thái – Nét đẹp đình làng cổ”, trong chương trình Đất nước ngàn năm, phát sóng ngày 26/11/2018.

Tham khảo 

  1. Nguyễn Chí Công, “Đình – Đền An Thái”, https://360.hncity.org/
  2. Lưu Minh Trị (Chủ biên), 2011, Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội.
  3. VOV2, “Đình An Thái – Nét đẹp đình làng cổ”, trong chương trình Đất nước ngàn năm, phát sóng ngày 26/11/2018.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)