Đình – Đền – Miếu Sở Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình – Đền – Miếu Sở Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Toạ lạc bên bờ sông Hồng, phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa là làng Sở Thượng, được hình thành vào cuối thế kỷ XV. Theo hai cuốn Yên Sở truyền thống và cách mạngTên làng xã Việt Nam cuối thế kỷ XIX thì vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1479), những binh lính và tù binh bị bắt trong cuộc chiến tranh Chiêm Thành đã được đưa đến đây, khai khẩn ruộng đất lập lên làng Sở. Hiện nay, Sở Thượng cùng với Yên Duyên trở thành hai làng thuộc xã Yên Sở, nay là phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Cụm di tích đình – đền – miếu được đặt theo tên gọi của làng là Sở Thượng. Bên cạnh đó, đền có tên chữ là Kim Quyết Linh từ, miếu gọi là miếu Cốc. Tương truyền từ xưa mỗi năm mùa cá đến lại có hàng trăm đàn cốc từ các miền bay về đậu trên cây gạo cổ thụ và xà xuống đồng, ao hồ bắt cá, và sau đó ngôi miếu được dân làng Sở Thượng dựng lên thờ thánh Linh Lang nên thường gọi là miếu Cốc.

Lịch sử và nhân vật

Căn cứ vào cuốn Ngọc phả cổ lục do Quản giám Bách Thần Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu 3 (1737) và bản sắc phong niên hiệu Chính Hòa 5 (1684) hiện lưu tại di tích thì đình Sở Thượng và miếu Cốc thờ đức Linh Lang Đại Vương. Cuốn ngọc phả có ghi “… Vào thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), tại giáp Đông Đoàn, xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây, có người họ Nguyễn, huý là Thực, vợ người bản ấp họ Lê, huý là Năng. Vợ chồng vốn giàu có, tâm tính hiền từ nhưng hiếm nỗi chưa có con. Một hôm, bà vợ nằm ở chính tẩm, mộng thấy mây xà âm tinh rơi xuống miệng thì đột nhiên tỉnh giấc, đem chuyện mộng báo với Nguyễn Công. Nguyễn Công nói: Đó là mộng lành, ắt sinh quý nữ. Sau 100 ngày, bà Năng bỗng mang thai, đầy tháng sinh được một cô con gái. Đứa trẻ lớn lên dáng vẻ yểu điệu, mắt phượng, mày ngài, vẻ mặt sáng tươi, thân thể ngào ngạt hương thơm. Cha mẹ rất đỗi yêu quý, đặt tên con là Hạo Nương. Hạo Nương lên 3 tuổi thì cha bệnh mất, bà Năng đưa con gái đến ở với em dì ở phường Thị Tắc, thành Thăng Long, buôn bán tơ tằm kiếm sống. 17 tuổi, Hạo Nương đã là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần khiến chim sa cá lặn, hoa thẹn, trăng nhường, đầy đủ tứ đức lại toàn tài. Một hôm, vua Lý Thánh Tông ngự du thiên hạ, thấy Hạo Nương bên đường đã cảm thấy đây là một cô gái tốt, bèn ban thưởng cho Thái bà 100 dật bạc, nghênh đón Hạo Nương về phủ, lập làm cung phi thứ 9, dựng cung tại phường Thị Tắc. Một ngày, Cung phi ra bến Tây Hồ, bỗng gặp con Giao Long lao tới cuốn quanh mình ba vòng, toả mùi thơm ngào ngạt, rồi trở ra hồ phun đám mây ngũ sắc. Từ đó, bà bỗng mang thai, được 14 tháng, Cung phi đang ngồi bên vườn thượng uyển thì thiếp đi, bỗng thấy một vị đại trượng phu, thân dài 9 thước, đầu đội mũ rồng sáng lạn, thân đeo cẩm bảo diệp ngọc. Trượng phu đến trước Cung phi nói rằng: thần vốn là con của Long Quân, tên là Hoàng Lang. Nay, xuất thế, nhập vào hoàng gia, thác sinh làm con của Hoàng đế. Nói rồi, Cung phi bỗng tỉnh giấc. Đến tháng 12, bỗng một trận giông bão nổi lên, trời đất u ám, hương thơm ngào ngạt, mưa gió ầm ầm, sấm chớp dữ dội suốt 10 ngày, Cung phi sinh hạ một con trai, mắt phượng, cổ rồng, vai hổ, thân hình cao lớn, sau lưng có 28 nốt tựa vảy lân, bụng bắc đẩu sáng tựa ngọc. Sinh được 7 ngày, vua thấy như mộng báo nên đặt tên là Hoàng Lang.”[1]

Một thời gian sau, bỗng có giặc Vĩnh Trinh với nghìn vạn quân kéo đến. Một ngày, biên thư báo gấp đến, Vua bèn cho lập đàn tế, truyền trăm cung cầu đảo bách thần, âm phù hộ quốc. Khi ấy, trời đất tối đen, Vua ngự tại cung Thái Hoà, khi thiếp ngủ thì bỗng nghe có tụng “quốc thế nghiêng ngả, đã có thánh tài, trời đã định không phải ưu phiền, cầu được người tài, giặc Vĩnh Trinh chắc phải tẩu tán”. Nghe tụng, Vua bỗng tỉnh giấc, cho là mộng lành, ắt có bách thần báo giúp. Sau đó, nhà vua truyền xá nhân, cầu trong thiên hạ thần dân, anh hùng hào kiệt tứ phương đem tài trí dẹp giặc, ắt sẽ được ban trọng thưởng. Hoàng Lang nghe truyền xá nhân rồi tâu với Vua ban cho một lá cờ, một cán cờ dài 10 trượng, 1 voi khỏe mạnh thì ta sẽ giúp nước trừ giặc, vua không phải lo ngại gì. Xá nhân tâu lại với Vua, Vua mừng rỡ sai làm cán cờ dài 10 trượng, phái 5 nghìn binh lính đến phường Thị Tắc cùng với 112 người bản phường. Hoàng Lang lắc mình, bỗng cao 9 thước, tay cầm cán cờ 10 trượng, cưỡi lên lưng voi và hô to “Ta là tướng nhà trời” rồi thúc voi tiến. Đến sông Bạch Hạc, xã Thích Thượng, bên bờ sông thì trời tối, Hoàng Lang liền xông vào đội hình giặc, quyết trận đại chiến. Tướng giặc Vĩnh Trinh hoang mang, bỏ chạy, một số bị chém, số còn lại bị bắt, cả thảy đến hơn 3 nghìn thủ cấp.

Dẹp yên giặc, Hoàng Lang trở về, Vua vui mừng cho mở tiệc thiết đãi vào ngày 12 tháng 9, phong thưởng cho các tướng sĩ. Sau khi Hoàng Lang trừ giặc được vài tháng, Vua muốn tiến phong vương vị nhưng ngài không nhận. Sau đó Hoàng Lang bị bệnh đậu mùa 3 tháng, các bậc lương y dâng thuốc mà không lành. 

  • Một hôm, Vua ngự thăm nơi nằm của Hoàng Lang thấy bệnh khó chữa bèn nói: “Nếu là con ta thì bệnh trọng cũng tự khỏi hà cớ phải cầu diệu dược lương y.”
  • Nghe lời Vua, Hoàng Lang bèn thưa: “Ta thác làm con của Hoàng gia, không làm con của Hoàng đế. Ta vốn là con của thuỷ quốc Long Quân, do thế quốc lâm nguy mà thừa lệnh Hoàng Thiên thác nhập Hoàng Gia giúp nước. Nay đã trừ xong giặc, ta xin trở lại thuỷ quốc. Thiên đình cho hạn đâu dám trái lệnh.” 
  • Nhà Vua nghe xong, thấy làm lạ rồi phán với Hoàng Lang rằng: “Nay không phải con ta nhưng 1 ngày còn là quần thần có công với quốc gia, không thể không báo đáp. Trẫm muốn cấp thưởng cho tước lộc nhưng không biết làm thế nào.”
  • Hoàng Lang đáp: “Thần muốn, nguyên đất Bồng Lai là nơi mẹ sinh thành, lập 1 đền thờ phụng ân đức của mẹ. Một nơi tại phường Thị Tắc là nơi thần sinh và hoá tại đó.”

Ngày 10 tháng 2, Vua cho bách quan phụng giá đưa Hoàng Lang về đất Thị Tắc, đến đầu miếu, Hoàng Lang liền ngồi trên phiến đá. Vua ngự giá thấy văn võ, bách quan tả hữu, ngựa voi chầu hai bên. Vua hỏi Hoàng Lang: “Quốc thế thanh bình, muốn thưởng công lao cho các nơi thờ cúng thì phải làm thế nào?”. Hoàng Lang đáp: “Vua cha đã có lòng cảm thương sâu lặng, thần xin tung cờ lên, đâu nhìn thấy thì sẽ thờ phụng”. Khi ấy, trời đất bỗng tối đen, trên hồ sóng lớn, giao long nổi trên mặt nước, lại thấy cờ bay đến Sở Thượng. Như vậy, xã Sở Thượng, huyện Thanh Trì cũng là một trong những nơi được phép lập miếu, phụng thờ ngài. 

Có nguồn tài liệu khác lại ghi rằng khi quân Tống sang đánh, Linh Lang (Hoằng Chân) xin vua cấp 5000 quân và voi trận ra dẹp được. Sau tiệc mừng thắng trận, vua Lý Thánh Tông tỏ ý muốn nhường ngôi cho Hoàng tử Hoằng Chân, nhưng ông không nhận. Sau đó ít lâu, Hoằng Chân lâm bệnh nặng và qua đời.

Ngoài thờ phụng đức Linh Lang Đại Vương, hiện tại đình Sở Thượng còn thờ phụng đức Thái Phu Đại Vương đề trên bài vị tại Đại Bái đình “Đương cảnh thành hoàng Thái Phu Đại Vương từ hạ”. 

Đền Kim Quyết Linh thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc TuấnTam Thánh Mẫu

Kiến trúc cảnh quan

Đình Sở Thượng toạ lạc ở đầu làng, nhìn theo hướng Tây Nam, bao gồm các hạng mục Nghi Môn, Đại Bái, Trung Cung và Hậu Cung. Đại Bái gồm 5 gian 2 dĩ với bốn đao uốn cong. Các bộ vì liên kết thống nhất kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ côn, kẻ bảy hiên”. Trung Cung gồm 3 gian nối với ba gian giữa Đại Bái và Hậu Cung. Hậu Cung là không gian thiêng gồm 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc.

Đền Kim Quyết Linh cũng gồm các hạng mục Nghi Môn, Đại Bái, Trung Cung và Hậu Cung. Đại Bái được thiết kế kiểu tường hồi bít đốc với 3 gian 2 chái. Bên cạnh việc bài trí các di vật, đồ thờ như hoành phi, câu đối, nhang án, tượng Đức Thánh Trần, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng Ngũ vị Tôn Ông, tượng Tứ phủ công đồng… trong đền còn kiến tạo một động “Sơn nhạc giáng thần” khá cầu kỳ.

Miếu Cốc tọa lạc trên một gò đất cao, liền khuôn viên với đền. Đền – miếu được nối với khu đình – chùa và khu dân cư bằng một con đường nhỏ có cây cầu đá dài 5,1m, rộng 2,4m, ba nhịp được tạo ghép bởi 12 phiến đá xanh hạt mịn và hai thanh cột dài tạo kiểu hình rồng đỡ các phiến đá lớn. Cây cầu có niên đại thời Lê trung hưng thế kỷ XVII – XVIII.

Miếu được kiến thiết gồm hai hạng mục chính là Đại Bái và Hậu Cung trên mặt bằng chữ Đinh. Đại Bái gồm 3 gian kiểu tường hồi bít đốc với bộ vì đỡ mái trên quá giang gối tường kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi”. Hậu Cung xây cuốn vòm với không gian thiêng bài trí đồ thờ liên quan đến vị thành hoàng làng. Đây là công trình kiến trúc mới được tu sửa khá khang trang.

Hiện vật

Hiện nay, trong đền còn lưu giữ 15 pho tượng tròn được tạo tác công phu, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, một bức hoành phi đề “Kim Quyết Linh từ” và nhiều đồ thờ tự khác.

Lễ hội

Lễ hội truyền thống của làng Sở Thượng được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn, tài đức của vị Thành hoàng làng Linh Lang Đại Vương và Thái Phu Đại Vương.

Phần lễ, các nghi thức tế, lễ được tổ chức tại đình – miếu một cách  trang trọng, mang đậm bản sắc truyền thống, thể hiện sự thành kính, tôn nghiêm với các vị thành hoàng làng, cầu mong Đức Thánh phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc. 

Phần hội được tổ chức với các chương trình văn nghệ, trò chơi đặc sắc như hát quan họ dưới thuyền, hát chèo, kéo co, đập niêu, bắt vịt… qua đó đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội. 

Chú thích

[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hoá quận Hoàng Mai, Nxb Văn hoá Thông tin, 2010, tr. 403 – 404.

Tham khảo

TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hoá quận Hoàng Mai, Nxb Văn hoá Thông tin.

5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)