Đình Hà Vỹ (Đông Anh, Hà Nội)

Đình Hà Vỹ (Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Đình Hà Vĩ thường được người dân gọi là Đình làng Quậy hay Đình Quậy.

Lược sử

Theo thần tích, đình Hà Vĩ có từ năm 1426, khi vua Lê Lợi cho phép dân làng xây để thờ 5 vị tướng có công giúp nước ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. 3 vị Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng là thuộc tướng của Hai Bà Trưng, Tam Giang là bộ hạ của Triệu Việt Vương và Đông Hải là con ông Đoàn Thượng sống vào cuối đời Lý, đầu đời Trần.

Thờ tự

Đình Hà Vỹ hiện thờ năm vị Thánh có công với dân với nước. Đó là:

Ba vị Thánh thời Hai Bà Trưng (Thủy Hải, Đăng Giang và Khổng Chúng)

Danh tướng Thủy Hải và Đăng Giang là hai anh em sinh đôi cùng ngày 10 tháng Giêng năm Canh Thìn (năm 20 SCN). Thân mẫu của hai ông là bà họ Phùng, thân phụ là ông Trương Long quê ở Đường Lâm, Sơn Tây.

Trong khoảng thời gian ấy ông bà Trương Long đến trang Hà Hào dạy học và sinh ra Thủy Hải và Đăng Giang. Hai ông sinh ra có tư chất khác thường. Đến năm 16 tuổi hai ông đã có vóc người to lớn và sức lực hơn người lại thông minh tài giỏi võ nghệ cao cường. Khi hai ông được 18 tuổi thì cha mẹ đều mất, hai ông chọn đất tốt để mai táng cha mẹ.

Ba năm tang hết cũng là lúc Tô Định đang cai trị nước ta, giết người tàn bạo. Thi Sách – chồng của chúa bà Trưng Trắc – cũng bị chúng giết hại. Trả thù chồng đền nợ nước, chúa bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị đã phất cờ khởi nghĩa kêu gọi muôn dân chống giặc.

Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của hai bà Trưng, hai đức ông Thủy Hải và Đăng Giang nghe chiếu chỉ của động lòng hưởng ứng. Ngay hôm ấy hai ông đã chiêu mộ được 500 binh sĩ rồi đem quân đến thẳng bản doanh chúa bà Trưng Trắc. Nhị chúa Hai Bà Trưng thấy hai ông tài văn, giỏi võ bèn tuyển dụng và phong tước cho hai ông:

  •  Thủy Hải làm Tả tướng quân đô chỉ huy sứ
  • Đăng Giang làm Hữu tướng quân đô chỉ huy sứ.

Sau đó hai ông về trang Hà Hào truyền lệnh cho binh sĩ giữ trại lập đồn đóng quân, sửa sang Miếu thờ và mở tiệc khao quân một ngày, mời cả các cụ trong làng đến dự, hai ông bảo rằng: “Ngày trước, Mẹ ta thường nói với anh em ta: làng này phải thờ các Thần linh ra đời”.

Các cụ nghe thấy rất mừng, làm lễ bái giá, sau đó thấy sứ giả mang tờ chiếu lệnh cho hai ông đi đánh giặc Tô Định. Hai ông Thủy Hải và Đăng Giang cùng với quân của Hai Bà Trưng đồng loạt đánh giặc, giặc thua to, Tô Định chạy trốn về nước. Bà Trưng lên ngôi, xưng là Trưng Nữ Vương, sắc phong cho hai ngài là “Đô chỉ huy sứ kiêm điện tiền phụ chính”.

Đất nước yên bình được ba năm thì nhà Hán lại sai Mã Viện sang xâm chiếm nước ta, Nhị vua Hai Bà Trưng lại giao cho hai ông cầm quân đánh giặc Mã Viện. Trong thời gian ấy ở trang Hà Hào có ông Khổng Chúng cũng có tài thao lược và sức lực hơn người theo Nhị vua Hai Bà Trưng và được Nữ vương Trưng Trắc sắc phong là “Tiền lộ tướng quân”.

Quân Mã Viện đông và mạnh, lại rất tàn bạo, danh tướng Khổng Chúng đem quân đánh thẳng vào đồn Mã Viện nhưng không thành, Binh tướng Nhị vua Hai Bà Trưng và của hai danh tướng Thủy Hải, Đăng Giang chiến đấu kiên cường nhưng không thắng nổi phải rút lui, hy sinh anh dũng vào ngày 10 tháng 7 năm 43 SCN, tướng Khổng Chúng thu được 50 binh sĩ trở về trang Hà Hào cố thủ.

Mã Viện đuổi theo, ông cùng các quân sĩ – có sự giúp sức của nhân dân Hà Hào – chiến đấu đến cùng. Trong lúc giao chiến Khổng Chúng không may bị ngã ngựa và hy sinh ngày 12 tháng 9 cùng năm (năm 43 SCN). Mộ ngài được đặt ở khu đồng Sứ, Quần Trùng thôn Châu Phong.

Vua Đinh Tiên Hoàng (968 – 979) sắc phong hai đức ông Thủy Hải và Đăng Giang là Thượng đẳng thần.

Đến thời Tiền Lê (980 – 1009), Vua Lê Đại Hành lại sắc phong cho ba đức ông đều đại danh Đại Vương:

  •  Thủy Hải và Đăng Giang: Hiển ứng linh thông Đại vương
  •  Khổng Chúng: Linh ứng sáng triết Đại vương

Đến các thời đại vua sau đều sắc phong cho các ông là Thần và chuẩn y cho dân làng Hà Vỹ phải thờ ba vị Thần.

Vị Thánh thứ tư: Tam Giang thời Lý Nam Đế – Triệu Quang Phục (thế kỷ thứ VI).

Đức ông Tam Giang sinh ngày 5 tháng Giêng năm 522 cha là người họ Trương, mẹ là người họ Đào ở trang Vân Mẫu huyện Quế Lương lộ Kinh Bắc (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Khi Triệu Quang Phục thay Lý Nam Đế đóng quân ở đầm Dạ Trạch. Ông Tam Giang nghe theo chiếu chỉ bèn chiêu mộ quân rồi đến đầm Dạ Trạch giúp Triệu Quang Phục và được Triệu Quang Phục cử làm “Chỉ huy sứ dư tả tướng quân”.

Ông Tam Giang đã về trang Hà Hào đóng quân, thiết lập đồn trại để đối phó với quân của Trần Bá Tiên. Đến năm 550 nhân nhà Lương có loạn to ông đã cùng với Triệu Quang Phục đánh thắng quân nhà Lương. Triệu Quang Phục lên ngôi Vua, xưng là Triệu Việt Vương. Hai mươi năm sau, (năm 571) Lý Phật Tử phản trắc đoạt quyền, Triệu Việt Vương phải chạy ra cửa biển tuẫn tiết.

Ông Tam Giang không theo Lý Phật Tử mà trở về An Phú, Hương La trang đến đầu bến Giang Tân gần ngã Ba Xà sông Như Nguyệt (sông Cầu) gieo mình xuống dòng sông tự vẫn ngày 10 tháng 4 năm 571 vì không muốn “hai lòng” thờ hai Vua. Dân Hà Hào đã tế lễ đón Thần về thờ ở Đình làng.

Thánh Tam Giang là người tài giỏi có khí tiết nên các đời vua sau đều sắc phong cho ông là “Phổ trạch Đại vương” và “Thượng đẳng thần”.

Vị Thánh thứ năm: Đông Hải – đầu thế kỷ thứ XIII (cuối Lý đầu Trần).

Ông Đông Hải sinh ngày 12 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1210), cha là Đoàn Thượng (làm quan to nhà Lý), mẹ là Phùng Thị Chinh người làng Hồng Thị, Châu Giang, Hải Dương.

Khi mới sinh, Đông Hải đã khôi ngô tuấn tú, khi lớn lên đi học lại thông minh, mới 16 tuổi đã hiểu rộng, đọc kỹ binh thư và có võ nghệ cao cường. Khi ông 21 tuổi thì nhà Lý đã suy. Lý Chiêu Hoàng lên ngôi được hai năm thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh dưới sự xếp đặt của Trần Thủ Độ (năm Ất Dậu – 1225).

Ông Đông Hải thấy nước nhà chuyển sang triều Trần không quang minh chính đại nên ông bất đồng căm phẫn có trí phục thù. Năm Canh Dần (1230) ông chiêu dụ các triều thần đồng quan điểm và xây dựng lực lượng luyện tập binh mã chờ cơ hội để giành lại ngôi Vua cho họ Lý.

Ông đã chiêu mộ được 5 vạn quân sĩ rồi tiến quân sang đạo Kinh Bắc phủ Từ Sơn huyện Đông Ngàn làng Hà Vỹ (tên cũ là Hà Hào). Đến Hà Vỹ, ông thấy ở đây “non nước quanh co, địa thế hiểm trở” rất tốt cho việc xây dựng căn cứ để đánh lại nhà Trần.

Nhân dân Hà Vỹ đã giúp đỡ nghĩa quân và ủng hộ ông. Ông Đông Hải đã đem quân đánh Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Thái Tông không đánh mà đưa thư giảng hòa và phong tước cho ông, Đức ông tự xưng là Đông Hải Vương chiếm giữ vùng Đông Ngàn nhưng chỉ được ba năm thì mất (ngày 10 tháng 11 năm Nhâm Thìn – 1232).

Năm 1427 Lê Lợi đã đóng quân ở làng Hà Vỹ, đêm ngủ mộng thấy các thần âm phù đánh giặc “xuất quân chiến đấu là thắng to”. Hôm sau Lê Lợi cử tướng Trần Lưu đem quân đi đánh giặc Minh xâm lược. Quân Minh thua lớn, Liễu Thăng bị chém đầu ở ải Chi Lăng.

Năm Mậu Tý (1428) Lê Lợi lên ngôi tức là Vua Lê Thái Tổ đã gia phong cho Đông Hải, Thủy Hải là linh ứng Đại Vương còn Đăng Giang là hiệu ứng Đại Vương.

Kiến trúc

Tổng quan

Đình Hà Vỹ được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng và cao ráo nằm ngay sát con đường làng; mặt quay về hướng tây. Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng, lớn nhất là vào các năm 1520, 1744, 1900 và 2000. Dáng dấp mà ta thấy ngày nay mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Kiến trúc ngôi Đình Hà Vỹ theo bố cục chữ công (工) bề thế to lớn uy nghi, gồm toà đại đình rộng 7 gian 2 dĩ với hậu cung 3 gian. Mái đình lớp ngói ta, ở giữa đắp lưỡng long triều nguyệt. Bên dưới có kết cấu khung gỗ do hệ thống xà ngang, xà dọc ăn mộng với nhau.

Nghệ thuật điêu khắc trong Đình được sử dụng trang trí chủ yếu trên các bức cốn và đầu dư. Cốn mặt tiền gian giữa được chạm bằng “Rồng phun nước”, mặt bên chạm “Phượng vờn mây”; Các cốn hậu gian giữa chạm trang trí với nhiều hoa tiết đẹp mắt.

Các đầu dư đều chạm lồng các hình đầu rồng với nhiều vẻ nhiều kiểu dạng, thể hiện tài nghệ kiến trúc chạm khắc: Hoa, xoắn rau trơn… Hai đầu kẻ gian giữa chạm lân hóa, các tàu được chạm nổi lên.

Tam quan

Tam quan được xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu.

Sân đình

Sân Đình rất rộng (khoảng 450m2) xây toàn bằng gạch vuông to do làng Bát Tràng sản xuất, hai bên sân có trồng hai cây bàng ( nay vẫn còn) trước sân là ao Đình có bờ xây gạch, sát bờ là bệ vàng dùng để đốt vàng mã hóa chân hương, hai góc sân có bến rửa chân (ao Đình đã lấp cùng với ao cổng Sứ để làm chợ Quậy như ngày nay). Sân trong hơi nhỏ nhưng có 2 cây bàng cổ thụ che mát, hai bên có 2 nhà tả, hữu mạc.

Toà đại đình

Tòa đại Đình có bảy gian hai dĩ (Đình cũ có năm gian hai dĩ) với chiều dài cả hiên là 29,7m, rộng 14,5m, cao hơn 6,5m với tổng diện tích là 432m2.

Vì kèo của tòa đại Đình được thiết kế theo kiểu tứ trụ, kẻ chồng, cốn đội hoành, một kiến trúc chắc khỏe với kết cấu lục hàng châu. Hệ thống các cột của Đình khá lớn và bố trí không đều, cột cái to nhất với đường kính 0,85m và các cột con đường kính từ 0,65 đến 0,75m. Các chân cột đều có tảng đá kê khít với chân và làm chìm xuống nền Đình. Xung quanh làm hiên thoáng, trên làm đao cong, dưới thả kẻ tạo sự cân bằng và vững chắc cho ngôi Đình.

Mái Đình do độ cong của bốn đao, bốn góc và trang trí nổi “lưỡng Long chầu Nguyệt” trên bờ nóc, cho ta cảm thấy như chiếc thuyền rồng, phần mái của hậu cung trổ cao thoáng, cân xứng với tòa đại Đình phía trước.

Hậu cung

Hậu cung có chiều dài 10,8m, rộng 7,5m, gồm ba gian. Diện tích sử dụng là 81m2. Các gian của Đình bố trí không đều nhau: Gian giữa rộng 4m, gian cạnh 3,4m và 3m, cân xứng sang hai bên, dĩ 1,85m và hiên 1,2m.

Trước giường hành trong cung được chạm nổi lên bức “Thiều châu trương nhĩ”, chạm nổi “lưỡng Long chầu Nguyệt” sơn son thiếp vàng. Hai diềm dọc theo cột hậu chạm “Rồng phun nước”, ngoài cửa vào cung cấm cũng là một bức “Thiều châu trương nhĩ”. Chạm “lưỡng Long chầu Nguyệt”, diềm hai bên chạm “Rồng phun nước”, trên bức “Thiều châu” là cốn chạm “Nạ đội nóc”, hai bên cửa cấm có cốn chạm “Rồng ngậm hoành”, dưới cửa cấm là bức gỗ chạm “Lan đằng”, chính giữa chạm nổi thiếp vàng ba chữ: “Tối linh từ”.

Hai bên cửa vào cung đều chạm rồng hóa, chân đạp long mã và chạm “tứ qúy” trên một khung gỗ. Gian chính giữa được bưng kín với màn giếng sơn son. Các góc và cạnh đều trang trí các hình hoa, hài hòa và trang nhã.

Đặc biệt cửa võng của Đình Hà Vỹ làm rất kỳ công, được sơn son thiếp vàng miêu tả “tứ linh, tứ quý”, các hình khắc sống động. Ngoài hệ “tứ linh, tứ qúy”, cửa võng còn có chạm “Lan đằng”, hoa lá, long mã. Trên cửa võng chạm nổi bốn chữ “Thánh cung vạn tuế”.

Di vật

Trong đình lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị và các đạo sắc phong, mang niên hiệu sớm nhất là đạo sắc năm Cảnh Hưng 44 (1783), nhiều đồ thờ qúy làm bằng gỗ, sứ và đồng đặt ở các ban thờ trong Đình.

Cửa cấm (hậu cung) có: 5 long ngai bằng gỗ trên ban thờ, tay đầu rồng sơn son thếp vàng, biểu tượng cho chỗ ngồi của 5 vị thần, trước mỗi ngai là một hòm sắc phong của các triều Vua trước đây.

Hiện nay ở Đình còn lưu được 42 đạo sắc phong của 10 triều đại Vua nước ta phong tặng 15 lần cho các Thánh ở Đình. Đạo sớm nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đạo gần đây nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924).

  •  Thần tích: 2 quyển – làm năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), sao lại năm Thành Thái thứ 19 (1907) và các tài liệu như hương ước, mục lục…
  •  Sập hội đồng hình chữ nhật kích thước: 2m x 1,8m x 0,55m, chân quỳ, chiện, bốn mặt chạm dạ cá, mặt sập 4 góc bao lan hình chiện.
  •  Một số đồ thờ: Mâm bồng bằng đồng, mâm bồng bằng gỗ hình vuông, hình tròn, sơn son thiếp vàng, chân quỳ dạ cá, chóe sứ, lục bình, đài nến, hạc đồng, nồi hương…
  •  Bàn thờ bệ hạ có mâm bồng bằng gỗ hình bầu dục, mâm bồng bằng đồng, nồi hương.
  •  Hoành phi trong hậu cung ghi bốn chữ: “Ngũ nhạc giáng thần”.

Ngoài cửa cấm có:

  • Sập hội đồng chân quỳ bằng gỗ hình chữ nhật có cổ chạm lan đằng dạ cá, chân quỳ.
  • Giá gỗ sơn son thiếp vàng có 9 thanh kiếm gỗ liền bao cũng sơn son thiếp vàng.
  • Hương án đặt chính giữa dưới cửa võng được sơn son thiếp vàng có kích thước lớn: 2,3 m x 1,11m x 2m, chạm trổ bốn mặt công phu, trên mặt bốn góc có 4 bao lan chạm lưỡng long, ô cổ chạm cúc, trúc, thông, mai tiếp đến là rồng chầu nạ.

Hai bên là nạ đội bệ, xà dưới bệ chạm chiện lá, ô giữa chạm rồng chầu nguyệt, quy vờn mây, bộ tứ linh và chạm nạ, các ô bên chạm long mã, phượng lân hý cầu, hai bên chạm thất sự, ô giữa chạm rồng quấn, hai bên chạm long, mã rồi đến các ô cạnh phần dưới chạm trúc mai, nạ đội ô giữa và lèo chạm mây tan.

  •  Nồi hương sành da lươn lớn đặt trên hương án.
  • Trước hương án có giá đèn bằng sắt như một cây hoa. Hai bên là hai con hạc bằng gỗ cao to đứng trên lưng con rùa.
  • Hiên án có 6 bức hoành phi sơn then chữ vàng.
  • Xưa có tới hơn 30 đôi câu đối treo ở các cột Đình.

Đình Hà Vỹ trước đây có cửa bức bàn bưng kín xung quanh và có sàn gỗ lim nhiều bậc lát khắp các gian (trừ ba gian giữa lòng đình). Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, người ta đã dỡ sàn, dỡ cửa và các câu đối của Đình để lấy gỗ làm hầm.

Sự kiện – Thành tựu

  • Đình Hà Vĩ hợp với di tích thành Cổ Loa, đền Sái làm một tuyến du lịch không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội. Đình đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1989.
  •  Năm 2004, Lãnh đạo hai thôn huy động tiền cung tiến của các hội đồng niên và một số gia đình hảo tâm cho lát lại sân Đình bằng gạch ép xi măng màu.
  •  Năm 2005, nền trong Đình được lát lại bằng gạch nung vuông (30×30) do gia đình ông Ngô Văn Ninh thôn Đại Vĩ cung tiến.
  • Năm 2007: Hội đồng niên Canh Tuất (sinh năm 1970) cung tiến 01 bộ lư hương bằng đồng; Hội đồng niên Mậu Thân (sinh năm 1968) cung tiến 01 bộ đỉnh hương bằng đồng; Hội đồng niên Canh Tý (sinh năm 1960) cung tiến kinh phí để làm cửa gỗ ở hai đầu hồi Đình. Cuối năm 2007, Ban Quản lý di tích cho cải tạo ao Đình, xây gạch bờ ao, làm đường xung quanh.
  • Đầu năm 2008, sân Đình (ngoài tường Bạch mã) được lát lại bằng gạch ép xi măng màu do gia đình ông Lê Văn Vĩnh thôn Giao Tác cung tiến;
  • Tháng 10 năm 2008, Hội đồng niên Ất Tý (sinh năm 1965) cung tiến bộ gươm trường bát bửu bằng gỗ sơn son thiếp vàng…

Lễ hội

Ở đình làng Hà Vỹ hàng năm thường tổ chức Lễ Hội từ ngày 12 đến ngày 30 tháng Giêng. Theo lệ từ ngày 1 Tết Nguyên đán, cụ thủ Điện làm lễ động thổ ở đình. Ngày 10 tháng Giêng, các ông chạ làm lễ mộc dục (rửa đồ thờ)

Ngày 12 bắt đầu Lễ Hội ( Cũng ngày 12 tháng Giêng làng làm lễ lên lão cho những người đến tuổi 50 – tuổi mụ).

Từ ngày 13 đến ngày 29, hàng ngày đều có tế lễ với lễ vật được quy định và phân cho các Giáp phải làm. Trong những ngày đó đều có các chầu hát (hát chầu văn, ca trù…) phục vụ các cụ bô lão, các vị chức sắc và quan viên của làng ăn uống tại đình rất tốn kém.

Ngày 30 mãn tịch đóng cửa đình.

Ngoài kỳ hội chính còn có các ngày lễ (theo âm lịch) sau đây:

  • Giỗ các vị Thánh vào các ngày 10 tháng Tư (giỗ Tam Giang), 10 tháng Bảy (giỗ Thuỷ Hải và Đăng Giang), 12 tháng Chín (giỗ Khổng Chúng) và 10 tháng Một – tháng 11 (giỗ Đông Hải)
  • Xuân tế và Thu tế vào ngày 13 tháng Hai và tháng Tám tế tại Văn Chỉ của làng để cầu mong cho làng có nhiều người đỗ đạt.
  •  Thanh minh (mồng 3 tháng Ba) do các Giáp làm, cỗ có xôi và bánh chay.
  • Trung thu (rằm tháng Tám) cũng do các Giáp biện lễ như lễ Xuân tế.
  • Ngày Lễ Hội ở đình Hà Vĩ thường rất vui, ngoài tế lễ hát chầu văn, ca trù còn có hát tuồng (thường do đoàn tuồng cổ của Châu Phong diễn), chọi gà, cướp chài, đấu vật,… có năm còn đốt pháo bông. Trong những ngày hội hè người dân thường nghỉ công việc đồng áng mà đi xem hội, nhiều người còn chơi cờ , tổ tôm, chắn, thò lò, tam cúc… cả làng ăn uống vui chơi thoải mái.

Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở thế hệ tiếp nối ghi nhớ, trân trọng công ơn của các vị thành hoàng làng hết lòng vì dân, vì nước, lễ hội đình Hạ Vĩ ngày nay còn là dịp để những người con xa quê về với quê hương, về với nguồn cội. Đặc biệt, lễ hội còn là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xóm, thể hiện quyết tâm biến những khát vọng, mong cầu về một cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn trở thành hiện thực.

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)