Đình làng Phúc Hậu (Đông Anh, Hà Nội)

Đình làng Phúc Hậu (Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Lược sử

Đình thờ Tam Lang đại vương, một công thần thời Lý. Theo Ngọc Phả thì Tam Lang là con Lý Khánh Vân (Vạn Hạnh), khi đó Lý Công Uẩn là con nuôi. Trong sự nghiệp xây dựng vương triều nhà Lý, ông đã lập được nhiều công lớn, ngay cả trong cuộc phản loạn của Đông Chinh Vương, Dục Thánh Vương, Lý Đức Vương. Tam Lang đã cùng các triều thần trấn trị giữ yên việc nối ngôi của thái tử Phật Mã (Lý Thái Tông). Tam Lang được phong ấp ở vùng Hậu Trại và mất ở vùng này nên được nhân dân thờ phụng. Ngày nay Hậu Trại được đổi tên thành Phúc Hậu. Vì miếu thờ ngày xưa không còn nữa nên nhân dân làng Phúc Hậu thờ ở đình.

Thời Lê Thái Tổ sau khi bình định giặc Minh đã phong sắc là Hiển Ứng đại vương. Qua sắc phong thời Lê, tượng phỗng và các mảng chạm, đình đã xây dựng từ lâu. Trong thời kháng chiến chống Mĩ, đình bị hư hại nhiều, sau thời hoà bình nhân dân đã cho tu sửa lại, trở thành nơi diễn ra các buổi hội họp. 

Kiến trúc

Tổng quan                       

Hiện nay đình gồm có: đại đình 5 gian nối liền với hậu cung; trước đại đình có tam quan. Đình được xây dựng trong một không gian vô cùng nên thơ trữ tình. Trước đình là một chiếc ao cùng hàng cây xanh mát bao phủ xung quanh. Đứng từ xa có thể thấy mặt như một tấm gương trong vắt phản chiếu hình ảnh ngôi đình. 

Cổng đình

Cổng đình lát gạch nâu đơn sơ, cổ kính, được thiết kế theo dạng tam quan có gác, gác gồm hai tầng. Rìa mái gác được chạm khắc hình rồng công phu, tỉ mỉ. Ba lối vào chính và phụ có dạng cửa vòm. Riêng cổng chính được xây dựng dạng 4 cột trụ.

Phía trong đình

Sân đình khá rộng, được lát gạch đỏ. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân làng Phúc Hậu. Hai bên chánh điện là hai bồn cây tạo cảnh quan xanh mát cho ngôi đền.

Kiến trúc đình theo lối kiến trúc gỗ truyền thống với những cột bằng gỗ và các mảng cốn. Đầu dư, đầu bẩy ở đại đình đều được chạm trổ. Các mảng chạm còn nhiều chỗ giữ phong cách nghệ thuật thời Lê với những nét chạm trau chuốt nhưng mạnh mẽ và dứt khoát. 

Di vật

Hiện nay đình Phúc Hậu còn giữ được nhiều đồ thờ có giá trị và 19 đạo sắc. 

Hoạt động – Sự kiện

Cụm di tích đình và chùa Phúc Hậu đã được bộ Văn hoá – thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 5/2/1994.

Tham khảo

  • Trích từ Sách “Đình và đền Hà Nội”, Nguyễn Thế Long, NXB Văn hoá – Thông tin ( 2005 – Tái bản lần thứ nhất có sửa chữa)

 

Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)