Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Ông tọa lạc ở thôn Đông, làng Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Nơi đây vốn là làng My Động, Cổ Mai rồi sau đổi thành Hoàng Mai.
Lược sử
Theo lời kể của các cụ cao niên: “Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long có dừng chân nghỉ tại nơi đây. Vốn là vùng đất trù phú, nhân tình đông vui, vua liền cho tạc bốn thạch khuyển trấn giữ bốn mặt của làng (hiện chỉ còn hai) để cầu cho dân an, thịnh phát. Kể từ đấy, dân làng quần tụ ngày càng đông đúc… vào thời Lý Thánh Tông, trong triều đình hội tụ nhiều hiền thần làm rạng danh vương triều Lý. Một trong những nhân vật trác việt ấy chính là Thái sư Lý Đạo Thành (? – 1081), một con người mẫn cán, trung trinh, trọn một đời vì dân vì nước. Ông là người có công khai trí cho nhân dân nơi đây nên sau khi ông mất, dân làng My Động đã lập đình phụng thờ ông ở Hoàng Mai.”[1]
Đến thời Trần, sau khi Trần Khát Chân có công bình Chiêm và giết được Chế Bồng Nga, triều đình đã ban vùng Hoàng Mai cho ông làm thực ấp. Sau khi Trần Khát Chân qua đời, dân làng Hoàng Mai lập ông làm thành hoàng làng, thờ phụng tại đình cạnh chùa Nga My nên linh vị của Thành hoàng – Thái sư Lý Đạo Thành được giao cho giáp Đông, giáp Đoài phụng thờ tại đình Ông như hiện nay.
Thân thế Thái sư Lý Đạo Thành
Theo phần Nhân vật chí trong Đại Nam nhất thống chí: “Lý Đạo Thành người xã Đông Ngàn, huyện Tiên Du[2] là tôn thất nhà Lý, làm quan dưới triều Thánh Tông và Nhân Tông trải làm Thái phó, Bình chương Quân quốc trọng sự, hết lòng làm việc, chính sự trong triều, mưu kế ngoài biên, có nhiều điều bổ ích, là danh thần một đời.”[3]
Nhà sử học Phan Huy Chú lại chép rằng: “Ông người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), là tôn thất nhà Lý. Thời Thánh Tông ông đã được vua yêu mến chú ý; trải thăng đến chức Thái sư và được dự vào việc nhận mệnh vua ký thác. Khi Nhân Tông lập lên, Thái hậu Linh Nhân buông mành đương lấy việc nước. Ông nói việc trái ý thái hậu, bị truất xuống Tả gián nghị đại phu, ra coi châu Nghệ An. Lúc ở trấn ông cảm nhớ vua trước, có lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh ở châu ấy; đặt tượng Phật và bài vị Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng. Năm (Thái Ninh) thứ 3 (1074), lại được triệu về làm Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, ông giúp rập vua, hết lòng với hoàng gia. Khi trước, Lý Thượng Cát là chức ngự trụ cậy mình được thân yêu, bàn chõ vào việc chính. Ông không hòa hiệp với y, mới bị bổ ra ngoài. Đến khi lại vào giúp chính, ông hết lòng xếp đặt. Việc chính sự trong triều, kế hoạch ngoài biên, ông giúp ích rất nhiều. Được 7 năm (1081) ông chết, người ta đều tiếc.”[4]
Dưới triều vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), với tính cách cương trực, liêm khiết, tài đức vẹn toàn, ông được vua yêu mến và được phong đến chức Thái sư, cùng với Nguyên phi Ý Lan lo việc triều chính mỗi khi Lý Thánh Tông đem quân đi tảo tặc trừ gian.
Năm 1072, trước khi vua Lý Thánh Tông băng hà đã ký thác cho Lý Đạo Thành giúp đỡ người kế vị là vua Lý Nhân Tông. Sau khi Lý Thánh Tông mất, trong triều đình diễn ra sự tranh chấp quyền lực giữa Thượng Dương Thái hậu và Nguyên phi Ý Lan. Lý Đạo Thành đứng về phía Thượng Dương Thái hậu và cũng do trực ngôn nên trong một số việc ông đã làm trái ý Ỷ Lan. Một năm sau, khi chính thức tại vị Hoàng Thái hậu, Ỷ Lan đã mượn lệnh vua giáng Lý Đạo Thành xuống chức Tả Gián nghị Đại phu, về coi sóc việc ở châu Nghệ An. Dù làm quan ở Nghệ An ông vẫn giữ trọn tấm lòng trung quân ái quốc. Tại đây, ông đã lập viện Địa Tạng trong miếu Vương Thánh, đặt tượng Phật và bài vị của vua Lý Thánh Tông thờ phụng, bày tỏ lòng trung thành và thể hiện nỗi u uất của một vị quan thanh liêm không được tin dùng, một nhân tài không có điều kiện góp sức mình cho dân cho nước.
Năm 1074, trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống gần kề, Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã cùng với danh tướng Lý Thường Kiệt mời Lý Đạo Thành trở lại triều đình giúp sức. Ông trở lại chức Thái phó, Bình trung quân quốc trọng sự, tham gia bàn việc nước. Sự dung hợp quyền lực của ba nhân vật Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành đã đem đến sự đoàn kết trong triều đình, tạo nên sức mạnh đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Tống (1077 – 1078), trong khi Lý Thường Kiệt là Tổng chỉ huy của chiến tuyến Như Nguyệt thì Lý Đạo Thành là người lo việc triều chính, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Năm 1081, Lý Đạo Thành mất, mọi người đều thương tiếc. “Vua Lý Nhân Tông ghi nhận công lao của ông nên sai người đến nhà tế lễ và phong ông là “Đạo Thành đại vương Thượng đẳng thần”. Nhà vua còn truyền lệnh nơi nào lúc trước Lý Đạo Thành đến dạy dỗ, giáo hoá và sau này có lễ nghĩa thì được đón mỹ tự và lập miếu phụng thờ. Nhân dân ghi nhớ công ơn ông nên có nhiều nơi lập thờ ông làm Thành hoàng”[5].
Kiến trúc
Đình Ông kết cấu theo kiểu chữ Công, theo hướng Đông – Nam, ngay sát ngã ba của khu phố 5, bao gồm các hạng mục: Đại Bái, Trung Cung và Hậu Cung.
Đại Bái là ba gian nhà ngang làm theo kiểu tường hồi bít đốc trụ biểu. Trụ biểu tiếp giáp ngay sát trục đường của khu (đồng thời cũng là sân đình), đỉnh trụ là đôi nghê chầu đăng đối quay mặt vào nhau, phần dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ bằng các tiết diện hình học, đế trụ thắt cổ bồng.
Mặt trước gian giữa của Đại Bái là cửa bức bàn được làm theo kiểu “thượng song hạ bản”, hai bên là hai cửa sổ. Vào bên trong là bốn bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “Kèo kẻ quá giang” trên hai hàng chân cột. Từ đầu hai hàng chân cột là một quá giang chạy ngang; trên quá giang là hai trụ trốn đứng trên đấu kê đỡ lấy câu đầu. Từ hai đầu quá giang là hai thanh xà ngoạm chặt đỡ lấy thượng lương, hoành và các cấu kiện khác, tạo thành thế liên hoàn, vững chãi. Trong đình bài trí một số câu đối chữ Hán, có câu khái quát về lịch sử của ngôi đình:
Bất tri chung dục hà triều đại
Do ký anh linh tự tích kim
Tạm dịch:
Không biết ngôi đình này được xây dựng từ triều đại nào
Nhưng vẫn nhớ ơn đức thánh linh thiêng từ xưa tới nay
Trung Cung là một gian nhà dọc nối liền từ Đại Bái tới Hậu Cung, ở đây người xưa đã làm hai bộ vì có kết cấu giống ở Đại Bái nhằm tạo ra không gian linh thiêng để bài trí một ban thờ gồm câu đối, hoành phi, hương án, long ngai, bát hương để người dân bái lễ.
Hậu Cung đình Ông khá nhỏ, được cuốn vòm theo kiểu tò vò, chia làm 6 phần hình vòm cầu. Kiểu thức này mang đậm dấu ấn kiến trúc cuối Nguyễn. Tại hạng mục này xây bệ nhị cấp để đặt hương án, long ngai, bát bửu và một số đồ thờ tự khác.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 252.
[2] Nay tương ứng với địa giới thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và một phần các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 135 – 136.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Nxb Giáo Dục, 2005, tr. 259.
[5] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Sđd, tr. 256.
Tài liệu tham khảo
- Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Nxb Giáo Dục.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa.
- TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.