Thái sư Lý Đạo Thành (? – 1081)

Thái sư Lý Đạo Thành (? – 1081)

Thông tin cơ bản

Thái sư Lý Đạo Thành (? – 1081) là vị đại thần phụ chính dưới hai triều vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.

Thân thế

Trong chính sử, không tìm được năm sinh, thân thế của Thái sư Lý Đạo Thành nhưng theo thần tích thôn Thụy Lân, xã Đông Xá, tổng Tử Dương, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên còn lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì ông có cha họ Lý tên Kính, mẹ họ Tạ tên Cẩn, đều là người hiền lành, lương thiện, gia tiên đều được thụ phong, ấm phong, hai nhà môn đăng hộ đối. Thần phả ghi ông sinh năm Quý Tỵ (1053?). Ông sinh ra thông minh, dĩnh dị, tướng mạo khác thường, 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, tính hay kính nhường, 7 tuổi nhập học, 13 tuổi đã thông kinh sử tử tập, lại giỏi cả võ nghệ, được khen là thần đồng.

Theo Đại Nam nhất thống chí: “Lý Đạo Thành người xã Đông Ngàn, huyện Tiên Du[1] là tôn thất nhà Lý, làm quan dưới triều Thánh Tông và Nhân Tông trải làm Thái phó, Bình chương Quân quốc trọng sự, hết lòng làm việc, chính sự trong triều, mưu kế ngoài biên, có nhiều điều bổ ích, là danh thần một đời.”[2]

Trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng Thái sư Lý Đạo Thành là một trong bốn vị danh thần, “phò tá có công lao và tài đức”. Sách chép rằng: “Ông người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), là tôn thất nhà Lý. Thời Thánh Tông ông đã được vua yêu mến chú ý; trải thăng đến chức Thái sư và được dự vào việc nhận mệnh vua ký thác. Khi Nhân Tông lập lên, Thái hậu Linh Nhân buông mành đương lấy việc nước. Ông nói việc trái ý thái hậu, bị truất xuống Tả gián nghị đại phu, ra coi châu Nghệ An. Lúc ở trấn ông cảm nhớ vua trước, có lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương thánh ở châu ấy; đặt tượng Phật và bài vị Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng.”[3]

Đại thần triều Lý

Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển III chép: “Kỷ Dậu, 1069, mùa Xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.

Mùa Hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa Thu, tháng 7, vua từ Chiêm Thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước”[4].

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có lời phê về sự việc này như sau: “Bấy giờ há lại không có đại thần để cho ở lại giữ nước hay sao? Mà phải đến đàn bà can dự chính sự, để chuốc lấy tiếng khen! Sử nói không đúng sự thực, đại loại như thế đấy!”[5]

Qua những ghi chép trên, ta có thể hình dung việc triều chính, nội trị, hậu phương của nhà Lý đã được củng cố, nề nếp và rất ổn định trong thời gian nhà vua thân chinh ở chiến trường. Dù vai trò của Nguyên phi Ỷ Lan là vô cùng quan trọng nhưng chắc hẳn Thái sư Lý Đạo Thành cũng có công lớn trong việc giữ vững triều chính, cung cấp quân lương cho tướng sĩ nơi sa trường.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng. Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi khi mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc. Bi kịch của Lý Đạo Thành bắt đầu từ đây. Trong triều đình diễn ra cảnh tranh chấp quyền lực giữa Thượng Dương Thái hậu và Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Đạo Thành đứng về phía Thượng Dương Thái hậu và cũng do tính trực ngôn nên trong một số việc ông đã làm trái ý Ỷ Lan. Năm 1073, sau khi nắm được quyền nhiếp chính lần hai, Ỷ Lan đã giáng Lý Đạo Thành xuống chức Tả Gián nghị Đại phu, về coi sóc việc ở châu Nghệ An.

Dù làm quan ở Nghệ An nhưng lúc nào ông vẫn giữ trọn tấm lòng trung quân ái quốc. Tại đây, ông đã lập viện Địa Tạng trong miếu Vương thánh, đặt tượng Phật và bài vị của vua Lý Thánh Tông mà thờ phụng, bày tỏ lòng trung thành và thể hiện nổi u uất của một vị quan thanh liêm vì trực tính trực ngôn nên không được tin dùng, một nhân tài không có điều kiện góp sức mình cho dân cho nước.

Năm 1074, trước nguy cơ xâm lược từ nhà Tống đang đến gần, Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã cùng với danh tướng Lý Thường Kiệt mời Lý Đạo Thành trở lại triều đình giúp sức, ông được phong trở lại chức Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự (tham gia bàn việc nước). Lý Đạo Thành vẫn bỏ qua hiềm khích, vì nghĩa lớn, một lần nữa đứng ra gánh vác việc nước và đã thể hiện tài năng xuất chúng của mình. Ông lại là người trông coi việc triều chính, việc hậu phương để vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt yên tâm chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi. Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục chép: “Giáp Dần, năm thứ 3 (1074)… Lại dùng Lý Đạo Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự (tức Tể tướng, nhưng được trọng hơn). Đạo Thành là người thẳng thắn, mỗi khi dâng tấu sớ thì thể nào cũng nói đến sự lợi hay hại ở dân gian. Đối với quan lại nào là người hiền tài, ông đều cất dung. Đời bấy giờ rất kính trọng ông.”[6]

Có thể nói rằng, trong cuộc kháng chiến chống Tống (1077 – 1078), trong khi Lý Thường Kiệt là chỉ huy của chiến tuyến Như Nguyệt thì Lý Đạo Thành lo việc triều chính, coi việc quan lại, góp sức mình vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Trong Lịch triều Hiến chương loại chí có viết về ông như sau: “Năm Thái Ninh thứ 3 (1074) lại được triệu về làm Thái phó, Bình chương Quân quốc Trọng sự, ông giúp rập nhà vua, hết lòng với hoàng gia. Khi trước, Lý Thượng Cát cậy mình được thân yêu, bàn chõ vào việc chính, ông không hòa hiệp với y, mới bị bổ ra ngoài. Đến khi lại vào giúp chính sự, ông hết lòng sắp đặt. Việc chính trị trong triều, kế hoạch ngoài biên, ông giúp ích rất nhiều” [7].

“Tháng 10, mùa đông (1081). Thái phó Lý Đạo Thành mất. Đạo Thành lấy tư cách là đại thần cùng họ với nhà vua, giúp chúa thơ ấu, từ chính sự trong triều đình đến kế hoạch nơi biên giới, ông có nhiều điều xây dựng sáng suốt; đến đây, ông mất, ai cũng thương tiếc”[8]. Vua Lý Nhân Tông ghi nhận công lao của ông nên sai người đến nhà tế lễ và phong ông là “Đạo Thành đại vương Thượng đẳng thần”. Nhà vua còn truyền lệnh nơi nào lúc trước Lý Đạo Thành đến dạy dỗ, giáo hóa và sau này có lễ nghĩa thì được đón mỹ tự về lập miếu phụng thờ. Nhân dân ghi nhớ công ơn ông nên có nhiều nơi lập thờ ông làm Thành hoàng.

Chú thích

[1] Nay tương ứng với địa giới thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và một phần các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 135 – 136.

[3] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Nxb Giáo Dục, 2005, tr. 259.

[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 107 – 108.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 134.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tr. 139.

[7] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Sđd, tr. 259.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tr. 143.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Nxb Giáo Dục, 2005, tr. 259.
  2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội. 
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 135 – 136.
  4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 134.
5/5 (2 bình chọn)

Địa điểm liên quan

Chia sẻ
Thai Su Ly Dao Thanh

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)