Lược sử
Làng Thái Bình còn gọi là làng Cói Thái Đường. Cũng như đền Yên Thành ở phố Phan Huy Ích (quận Ba Đình) và nhiều đình đền cổ Bắc Bộ khác, đình Thái Bình thờ người phụ nữ quý tộc đầy bất hạnh Lý Chiêu Hoàng (chữ Hán: 李昭皇; 1218-1278, sinh tháng 9, mất tháng 3 âm lịch). Vua Bà tên thật là Lý Phật Kim, con gái út vua Lý Huệ Tông, em Thuận Thiên công chúa Lý Ngọc Oanh. Lên ngôi từ lúc 8 tuổi khi Thái sư Trần Thủ Độ bày mưu ép vua Huệ Tông bỏ đi tu; mấy tháng sau Phật Kim lại bị gả cho Trần Cảnh cũng 8 tuổi.
Ngay sau đó Phật Kim phải nhường ngôi cho chồng, chính thức trao giang san họ Lý về tay nhà Trần và trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu (昭聖皇后). Chưa hết tai họa, sau nhiều năm (1226–1237) chung sống với vua Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; 1218—1278, sinh ngày 16 tháng 6, mất ngày 1 tháng 4 âm lịch) mà không có con, Phật Kim còn bị truất cả ngôi hoàng hậu khi mới 19 tuổi.
Năm 40 tuổi Bà bị gả cho tướng Lê Phụ Trần như một thứ ban thưởng. May mà đoạn kết lại có hậu và đem cho đôi vợ chồng già này hai người con: trai tài giỏi, gái xinh đẹp. Tuy vậy, theo nhiều tài liệu thì cuối đời Bà cũng đã bỏ đi tu như cha và khi từ giã cõi trần tại Bắc Ninh ở tuổi 60 nét mặt vẫn giữ nguyên vẻ hồng hào, phúc hậu.
Không những được nhân dân nhiều nơi lập điện thờ cúng và gọi là Vua Bà để tỏ lòng yêu mến, thương cảm, các triều đại phong kiến tiếp theo đã ban những đạo sắc phong tước hiệu cao quý cho Bà. Tại đình Thái Bình, Bà được vinh danh là Nguyên lý thần hiệu, Phật Kim thượng hoàng thái hậu linh ứng, Phụ quốc hiển hựu khang dân chi thần và tặng phong mỹ tự là công thần.
Kiến trúc
Đình Thái Bình xoay hướng đông-nam, nhìn qua đê ra cánh đồng màu trên đất bãi ven sông Đuống, nơi xưa kia từng có một rừng cây sung. Khi tôi mới đi học, đê Mai Lâm vỡ là một sự kiện chấn động không thể quên, sau đó rừng bị chặt hết. Nhiều anh bộ đội đã hy sinh thân mình trong khi cứu giúp đồng bào giữa dòng nước xiết.
Tam quan đình làm theo kiểu nghi môn với trụ biểu cao to và các câu đối đắp nổi, hai cổng phụ xây hai tầng mái giả lợp ngói ống. Mặt ngoài cổng có đôi voi phù điêu, mặt trong đắp đôi ngựa. Phía sau tam quan là một sân gạch lớn, bức tường bên tả chung với chùa Diên Phúc và thông nhau qua cửa ngách, bên hữu có nhà giải vũ và một cửa ngách 2 tầng giả khác ăn thông lên dốc đê.
Tòa tiền tế rộng tới 5 gian 2 dĩ, dù đã xuống cấp nhưng trông vẫn rất đẹp. Các cột lim đều to cao và lòng đình dễ dàng chứa được hàng trăm người. Hậu cung 3 gian, kết nối với tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Phía sau có sân, bếp và khu phụ cùng với cửa hậu mở ra con đường làng.
Di sản
Trong đình còn bảo lưu được một số di vật quý như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối và các đồ thờ có giá trị.
Ngày 22-8-1967, đình bị máy bay Mỹ ném bom làm bao chỗ cùng tư liệu quý bị hủy hoại và thất lạc. May sao hiện vẫn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc gỗ tài hoa mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII—XIX và mấy tấm bia cổ. Bia “Lý gia linh thạch” khắc năm Cảnh Hưng (1793) ghi mẹ vua Lý Công Uẩn là người họ Phạm ở Hoa Lâm. Còn bia “Hoa Lâm Tam Bảo thị” do tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) là Đồng Nhân Phái (1581–?), người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn soạn, nói về việc trùng tu chợ Tam Bảo v.v..
Sự kiện – Lễ hội
Nhân dân thôn Thái Bình hàng năm vẫn tổ chức 3 lễ hội đình làng long trọng và thu hút rất đông quan khách. Dịp mở hội mùa xuân có lễ sinh thần vào tiết Thanh minh ngày 12 tháng ba âm lịch. Hội làng Cói nghe nói xưa kia thường kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra còn có lễ hóa thần tổ chức vào mùa đông trong hai ngày 12-13 tháng chạp âm lịch và lễ mộng thần vào ngày 25-7 âm lịch.
Ngày 31-01-1992 đình Thái Bình và chùa Diên Phúc Tự đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
_________________________
Các ngôn ngữ khác
Tiếng Anh (English)
Thai Binh Village, also known as Coi Thai Duong Village, is famous for the Thai Binh Temple, dedicated to Ly Chieu Hoang, a noblewoman tragically prominent in the final years of the Ly Dynasty. Born in 1218, she ascended to the throne at the age of 8 and had to yield it to her husband, Tran Canh. She was deposed as queen after 11 childless years. At the age of 40, she was married to General Le Phu Tran and bore two children, but eventually she also entered religious life. Thai Binh Temple is built with unique architecture and preserves many precious artifacts. Despite being bombed by the United States in 1967, the temple still houses many 18th-19th century artworks. Annually, the village holds three temple festivals that attract many visitors. On January 31, 1992, Thai Binh Temple and Dien Phuc Pagoda were recognized as national historical, architectural, and artistic relics.
Tiếng Trung (Chinese)
泰平村,又称泰阳村,以泰平庙闻名,供奉着李昭皇,是一位在李朝末期备受关注的贵族妇女。她于1218年出生,8岁登基,后不得不将王位让给丈夫陈景。在11年的无子女生活后,她被废为王后。40岁时,她嫁给了将军黎扶陈,并生下两个孩子,但最终也出家修行。泰平庙建筑独特,保存着许多珍贵文物。尽管在1967年遭受美国轰炸,但庙宇仍保存着许多18至19世纪的艺术品。每年,该村举办三次庙会,吸引了许多游客。1992年1月31日,泰平庙和殿福寺被承认为国家历史、建筑和艺术遗迹。
Tiếng Pháp (French)
Le village de Thai Binh, également connu sous le nom de village de Coi Thai Duong, est célèbre pour le temple de Thai Binh, dédié à Ly Chieu Hoang, une femme noble tragiquement célèbre dans les dernières années de la dynastie Ly. Née en 1218, elle monta sur le trône à l’âge de 8 ans et dut le céder à son mari, Tran Canh. Elle fut déchue de son titre de reine après 11 ans sans enfant. À l’âge de 40 ans, elle épousa le général Le Phu Tran et eut deux enfants, mais elle entra également dans la vie religieuse. Le temple de Thai Binh est construit avec une architecture unique et conserve de nombreux artefacts précieux. Malgré les bombardements américains en 1967, le temple abrite toujours de nombreuses œuvres d’art des XVIIIe et XIXe siècles. Chaque année, le village organise trois festivals du temple qui attirent de nombreux visiteurs. Le 31 janvier 1992, le temple de Thai Binh et le pagodon de Dien Phuc ont été reconnus comme des reliques historiques, architecturales et artistiques nationales.