Lịch sử
“Thổ Khối” giải nghĩa theo Hán Việt có nghĩa là khối đất được liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính mảnh đất này trải qua năm tháng của lịch sử đã trở thành một làng quê thân thương.
Theo lời kể của dân Thổ Khối thì vào thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) có ông Đào Duy Chinh (Trình) vốn người huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này lập thành ấp Vạn Thổ. Về sau dân cư ngày càng đông đúc lập thành làng Thổ Khối. Khi người họ Đào qua đời, dân làng Thổ Khối ghi nhớ công ơn khai sinh lập ấp, bèn thờ làm Thành hoàng trong đình.
Một tích khác kể rằng, ông là người Thổ Khối, huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Ông có công giúp vua Lê thoát nạn, sau đó được triều đình cho phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây. Nếu có bị vỡ đê, lũ lụt thì được phép viện binh cứu hộ từ Tuần Phủ Thái Bình đến Tuyên Quang. Sau khi ông mất, dân làng thờ ông làm Thành hoàng và được triều đình phong sắc.
Lại còn sự tích nữa kể rằng, sinh thời ông là người có đức hạnh, làm nghề ngư nghiệp bằng thuyền. Một đêm, Thần báo mộng cho ông hay, sáng sớm hôm sau nên chở thuyền ra sông đón vua. Ông tuân theo và quả nhiên khi bơi thuyền tới giữa dòng sông thì gặp vua chạy loạn tới. Ông rước vua qua sông bình yên. Sau này khi ông mất, được phong làm Thành hoàng làng. Vua còn trả ơn, miễn cho người dân Thổ Khối có việc sang qua sông Hồng từ Bát Tràng đến bến đò Dâu không phải trả tiền đò.
Thờ tự
Đình Thổ Khối thờ 6 vị thành hoàng làng là: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng
Kiến trúc
Đình Thổ Khối được xây trên một khuôn viên rộng lớn có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng ở hướng tây qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng, dân không có giếng riêng. Sân đình rất rộng với 2 dãy tả hữu vu hai bên. Phía bắc có nhà bia và đền Xuân Dung phu nhân, ở giữa là cổng cho ô tô ra vào. Phía nam có bậc thang rộng đi lên mặt đê, dưới sườn đê bên kia đường ĐT378 là ngôi chùa làng Thổ Khối, tên chữ Sùng Phúc Tự.
Đình Thổ Khối hiện nay là một kiến trúc khá đồ sộ gồm các dãy nhà nằm song song và nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây 2 tầng. Tòa đại đình 5 gian 2 chái, cung ngoài 3 gian, hậu cung 3 gian.
Di vật
Di vật ở trong đình rất phong phú, đặc biệt tại hậu cung còn giữ được nhiều sắc phong của các triều đại từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, sắc cổ nhất ghi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730). Tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 đặt tại bên trái trung đường cho biết ngôi đình đã được tu sửa vào năm 1785.
Lễ hội
Dân làng Thổ Khối tổ chức lễ hội mùa xuân theo truyền thống vào 3 ngày 8, 9, 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, mồng 9 là chính hội. Mở đầu hội là lễ rước nước từ giữa sông Hồng về đình, trên đoạn đường gần 2km. Làng có 6 giáp nên mỗi năm các giáp phải xin âm dương để xác định giáp nào được đảm nhận vinh dự này. Xưa kia cứ 3 năm thì mở hội lớn một kỳ, nay 5 năm một lần.
Sự kiện
Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9.1.1990
Tham khảo
- ĐÌNH THỔ KHỐI, http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/03/dinh-tho-khoi/
- Đình Thổ Khối phường Cự Khôi, Hà Nội thờ ai?, http://360.hncity.org/?%C4%90inh-Tho-Khoi
- Đình Thổ Khối, https://tienamphu.com/dinh-tho-khoi/