Đình Văn Lãng (Gia Bình, Bắc Ninh)

Đình Văn Lãng (Gia Bình, Bắc Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý 

Đình Văn Lãng tọa lạc tại làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia, Đại Bái có hai đình đặt cạnh nhau là đình Văn Lãng thờ thành hoàng làng và đình Diên Lộc thờ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền, nhưng bị phá trong thời Kháng chiến chống Pháp. Bởi vậy, khi hoà bình lập lại, nhân dân gom vật liệu xây dựng còn lại dựng một ngôi đình chung thờ cả Tổ nghề và thành hoàng làng. Về sau, nhân dân làng Đại Bái xây dựng đình Văn Lãng sang phía đối diện bên kia đường với đình Diên Lộc, toạ lạc tại xóm Sôn, làng Đại Bái, xã Đại Bái. 

Lịch sử và nhân vật

Theo văn bia của đình Văn Lãng niên hiệu Khánh Đức thứ 2 (1650), ngôi đình này vốn được ngài Nguyễn Công Hiệp chức Dực vận tán trị công thần đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân công đức xây dựng. Tuy phú quý hiển vinh, nhưng tấm lòng của ông luôn nhớ về quê hương; đã đem 2 sào đất cùng tiền của dựng lên ngôi đình tặng cho dân làng để mãi mãi làm nơi thờ phụng, hội họp, lại đem 10 mẫu ruộng công đức vào đình làm ruộng hương hỏa.

Bản gia phả chi pháp của họ Nguyễn Công làng Đại Bái ghi chép khá đầy đủ về thân thế Tướng quân Nguyễn Công Hiệp. 

Nguyễn Công Hiệp sinh năm Hoằng Định thứ 17 (1616), là con ông bà Nguyễn Công Thận và Nguyễn Thị Ngọc Luân, gia đình có sáu anh em, gồm bốn trai, hai gái. Nguyễn  Công Thận làm quan dưới thời vua Lê Thần Tông, Chân Tông, đến chức Thái Bảo. Nguyễn Công Hiệp lớn lên vào hầu phủ chúa, được phong tước Kiểu Lộc Bá, tài kiêm văn võ. Trong một cuộc dẹp loạn ở kinh thành, ông lập công nên được phong Đô Đốc Thiêm sự tước Gia Quận Công. Đời Lê Thần Tông, ông được theo chúa Trịnh vào đánh phương Nam, cầm cự với quân chúa Nguyễn nhiều lần. Lần cuối cùng thì bị chúa Nguyễn Hiền bắt, đưa về giam ở Phú Xuân. Nhiều lần chúa mua chuộc nhưng ông đều từ chối. Giai thoại kể thêm là ông đã bí mật mưu tính với một nhà sư để liên lạc với quân Trịnh phía Bắc. Nhưng việc bại lộ, ông bị bỏ thuốc độc mù mắt, sống trong cảnh tật nguyền cho đến khi mất. Được tin này triều đình Lê – Trịnh truy phong. Nhân dân các làng Đại Bái, Đoan Bái đều thờ ông làm Á Thần, lập miếu ở phía nam đình Văn Lãng, ngày giỗ là ngày 10/2 âm lịch. Ông cũng có một số công lao với làng nghề gò đồng.

Vì có công lao lớn như vậy, Đô đốc Nguyễn Công Hiệp đã được phối thờ ở đình làng là Hậu thần. Nhưng đáng tiếc, ngôi đình cổ kính ấy đã bị phá trong kháng chiến chống Pháp. Đến năm 2004, dân làng Đại Bái đã cùng nhau công đức xây dựng lại ngôi đình Văn Lãng.

Đình Văn Lãng thờ thành hoàng làng là Lạc Long Quân. Gia Bình là vùng đất cổ phù sa màu mỡ bên sông Đuống, nên từ ngàn xưa đã có cư dân Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp và để lại dấu ấn là những khu cư trú mộ táng, địa danh, di tích và tín ngưỡng. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở xã Lãng Ngâm có di chỉ cư trú và mộ táng với những di vật bằng đồng như: rìu, búa, giáo, mác thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4000 năm). Đó còn là hiện tượng tín ngưỡng, hàng loạt các làng xã nằm ven sông Đuống và sông Bái Giang thờ “Lạc Thị đại vương” (tức dòng dõi Lạc Long Quân) là các bậc thuỷ tổ dân tộc, tiêu biểu là đình Văn Lãng của thôn Đại Bái  thờ “Lạc Thị đại vương” còn giữ được sắc phong niên đại Cảnh Hưng 44 (1783) cho biết khá rõ về người được thờ như sau: “Sắc phong cho ba vị đại vương thuộc dòng dõi Lạc Long Quân linh thiêng ở Đại Việt. Là tinh khí tạo thành, do núi sông hun đúc. Gốc từ trăm trứng mà ra, lập ra cơ đồ ở cõi trời Nam. Mở nền thịnh trị một phương, từ phía Bắc trở lại trừ diệt tai ách, khiến cho mạch nước được yên, từng che chở cho dân ta, tiếng tăm lừng lẫy, thật là đáng được ca ngợi. Vì nhà vua mới lên ngôi báu, trông coi việc chính sự, xét về lễ là được nâng bậc, nhà vua phong cho mỹ tự, lại gia phong cho là Đại Việt Lạc Thị linh ứng phong công trí đức cương nghị ba vị đại vương”.

Kiến trúc cảnh quan

Hiện nay, đình Văn Lãng được dân làng Đại Bái phục dựng lại theo dáng vẻ cũ gồm các hạng mục: Nghi Môn, Phương Đình và Đại Đình. Bước qua Nghi Môn và một khoảng sân là đến Đại Đình. Trước cửa Đại Đình có treo bức đai tự chữ Hán bằng đồng rát vàng: Văn Lãng đình. Đại Đình là một nếp nhà 5 gian có ban thờ Thành hoàng làng Lạc Long Quân, Á thần Nguyễn Công Hiệp và Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, trên các mảng tường có treo bản sao một số sắc phong mà đình còn lưu giữ được.

Hiện vật

Điều quý báu là đình Văn Lãng còn bảo lưu nhiều tài liệu cổ vật quý giá: 11 sắc phong, bức Trướng văn được khắc vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 23 (1762), có nội dung ca ngợi đất Đại Bái với những thuần phong mỹ tục, đặc biệt cho biết rõ những bậc công thần người làng, từng làm “trụ cột” của quốc gia. Nội dung bức Trướng văn có đoạn như sau:

“Đình Văn Lãng xã Đại Bái ở làng quê nổi tiếng phía Bắc, là mạch chính của cõi trời Nam. Nơi thắng địa trời sinh nhiều người hiền tài từng làm trụ cột, gánh vác nhiều trọng trách triều đình. Trở lại đời xưa, tính những người có công lao to lớn như Phạm Tiên Sinh (tức Phạm Hoảng đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính-1535) đường thanh vân nắm giữ Hộ tào, số hộ khẩu ngày thêm đông đúc; Nguyễn Tiên Sinh (tức Nguyễn Trầm đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị-1667) trông nom Điển lễ, nghi lễ càng đầy đủ tôn nghiêm; Nguyễn Tôn Công (tức Nguyễn Ngạn Hằng đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch-1550) giữ trọng trách dòng văn, chức Hình bộ Thượng thư, được phong Thiếu bảo; Nguyễn Lệnh Công (tức Nguyễn Kỳ Phùng đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành-1580) tài văn rực rỡ, lãnh Đông Các hiệu thư kiêm việc Hàn lâm, ông họ Nguyễn vốn nho học uyên thâm cũng được triều đình trọng hậu; Đỗ Công (tức Đỗ Viết Thành đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ-1661) tính người cương trực, đàn hặc uy nghiêm, so với Triệu ngự sử còn hơn, phán xét công minh, đáng thay lời Thánh Vương ủy thác; quan Hiệu thảo họ Nguyễn (tức Nguyễn Công Tạo đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa-1640) tài văn tựa gấm thêu, tiếp bước đăng khoa, truyền mệnh lệnh vua ban; Hiến sát họ Nguyễn được tuyên triệu vào kinh, giúp lập cơ đồ vững mạnh; Nguyễn Quận Công (tức Nguyễn Công Hiệp) văn võ kiêm toàn, làm Đô Đốc nắm việc quân lại, soạn tu quốc sử, được quân chủ cậy trông, coi là nanh vuốt, Thái tử xem là mẫu mực phải theo; Thám hoa Nguyễn Tướng Công (tức Nguyễn Văn Thực đỗ  thám hoa năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ-1659) tài văn chương cái thế, chức binh bộ Thượng thư, phong tặng thêm Lại bộ Thượng thư, quốc gia trông cậy làm cốt cán, triều đình làm mẫu mực biểu dương. Tích đức đã lâu, nổi tiếng hiền tài, công đức lớn lao, đó là cái văn của khoa cử, của sự nghiệp, của đạo đức. Lấy chữ Văn Lãng đặt tên cho đình thật đúng là như vậy.

Đình linh thiêng sinh ra nhiều kẻ sĩ. Nhiều kẻ sĩ xuất hiện, dùng tài đức tô đẹp cho đất nước, quê hương. Văn chương kinh bang tế thế lại xuất hiện ở kẻ sĩ hôm nay, rồi tiếp bước cho tương lai. Trước sau lừng lẫy, công danh rạng rỡ, há chẳng phải từ gốc của đức thiêng âm phù che chở mà đạt được chăng!”.

Vậy là các bậc tiền nhân người Đại Bái đã từng viết nên những trang sử vàng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, dưới đường lối đổi mới của Đảng, người Đại Bái đang từng ngày nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đã phát triển nghề thủ công truyền thống gò đúc đồng thành một ngành mỹ nghệ nổi tiếng và viết tiếp những trang sử vẻ vang cho quê hương, đất nước.

Tham khảo

  1. Di tích xã Đại Bái, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, ngày 9/12/2015.
  2. Lịch sử hình thành địa danh huyện Gia Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, ngày 14/10/2015.
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
152776532 2480342842268610 8958179727336987084 N

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)