Chùa Hoa Vân – Đền Thượng – Động Hoàng Xá (Quốc Oai, Hà Nội)

Chùa Hoa Vân – Đền Thượng – Động Hoàng Xá (Quốc Oai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Động Hoàng Xá nằm trong núi đá vôi Hoàng Xá (xã Quốc Oai, Hà Nội), thuộc quần thể “Thập lục đại danh sơn” của phủ Quốc xưa, gồm 16 quả núi lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là núi Thầy.

Núi và động Hoàng Xá


 

Núi Hoàng Xá (núi Tượng Linh – hình voi phủ phục, núi Ba Ngai – 3 ngọn núi hình 3 chiếc ngai) nằm ở địa phận thôn Hoàng Xá ( còn gọi là thôn Đình Tổ), tiếp giáp các thôn Du Nghệ và Hoa Vôi của thị trấn Quốc Oai.

Theo quan niệm địa lý cổ thì toàn bộ hệ thống núi đá vôi ở khu vực này đều là chi long, mà gân mạch bắt nguồn từ núi tổ Tản Viên (Ba Vì), uốn lượn nổi chìm theo địa long mạch, kéo dài hàng chục ki-lô-mét để tạo nên vùng núi non đột khởi.

Động được hình thành do quá trình vận động tạo sơn của địa tầng, động có 2 cửa. Sau cổng động Hoàng Xá là một khu vườn nhỏ mở ra hai lối đi. Bên phải vào chùa Hoa Vân, lối kia hướng lên núi. Hoàng Xá là “động thủng” xuyên từ sườn bên này sang sườn bên kia, nên động được chiếu sáng theo hai hướng chính là Đông và Tây Bắc. Khi có ánh nắng mặt trời rọi vào, động lung linh kỳ ảo sắc màu của nhũ đá…

 

Dong Hoang Xa (8)

 

Động thoáng rộng với vòm cao gần 100m và thông với tầng lộ thiên. Nền động có nhiều phiến đá tự nhiên ghép lại thành tảng lớn. Tương truyền xa xưa đây là chỗ cho tiên đánh cờ. Ngày nay, phiến đá rộng là điểm lý tưởng để du khách nghỉ chân, tận hưởng cảm giác khoan khoái khi đón nhận luồng gió mát từ cửa động thổi vào.

Phía bên trong động có các khối nhũ tạo hình voi đứng, voi nằm, có kích cỡ gần bằng voi thật. Chẳng thế mà nhiều người ví von động Hoàng Xá là chốn bồng lai bị quên lãng.

Vách lớn nhất của động Hoàng Xá khắc tượng ông Cao Xuân Dục (1842 – 1923) – một vị quan chính trực và là danh sĩ đời Duy Tân triều Nguyễn. Khi Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên vua, Cao Xuân Dục đã không ký. Ông bị gièm pha và bị giáng chức về làm tri phủ Quốc Oai. Sau khi ông mất, dân tạc tượng thờ ở giữa Động Hoàng. Quãng thời gian ông về làm tri phủ Quốc Oai tuy ngắn ngủi nhưng ông đã truyền bá tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và truyền thống hiếu học cho người dân phủ Quốc.

Trước cửa động có 2 ngọn tháp xây dựng vào năm Thành Thái thứ 7 (1895). Trong khu vực núi và động có đền Văn Xương Đế Quân, đền Hạ ( bị quân xâm lược Pháp đốt cháy những năm 1949), chùa Hoàng Kim, chùa Hoa Vân (chùa Cả) xây dựng thời Hậu Lê, tạo thành một quần thể đền chùa độc đáo, phù hợp với cảnh trí thiên nhiên mĩ lệ.

Từ chùa Cả, theo mấy chục bậc đá lên thăm đền Thượng ở lưng chừng núi.

Trước cửa hang động, sát với đường liên xã là hồ sen rộng , thường được gọi là Giếng Cả, hình con cá chép khổng lồ nằm ghếch đầu về phía cửa động. Giữa hồ cá là rốn cá (ngư đỗ), có mô đất nổi, trên xây dựng một ngôi quán gọi là Quán Gió, nối với bờ bằng một cây cầu hình bán nguyệt.

Bên ngoài giếng Cả, qua đường liên xã, là Gò Mãng Xà, giống hai con rồng chầu, hướng về phía cửa động. Nay khu vực này là Nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Phía trước mặt động, chếch sang bên phải là đình Hoàng Xá. Sau đình là quán thờ tướng Lữ Gia, người được tôn làm thành hoàng làng.

Lịch sử 


Có thuyết cho rằng vào tháng 12 năm 1854, tại khu vực động Hoàng Xá này, Cao Bá Quát chỉ huy nghĩa quân chiến đấu với quân nhà Nguyễn do Lê Thuận lãnh binh Sơn Tây lãnh đạo đã tử trận.

Những năm Cao Bá Quát ở Quốc Oai, ông có những ấn tượng đẹp đẽ về một vùng non nước Hoàng Xá nằm trong một phủ có quần thể thập bát sơn, có núi Thầy, chùa Thầy và nhiều danh lam thắng cảnh khác. Ông đã có 4 bài thơ đề trên vách núi Sài Sơn và để lại bút tích trong động Hoàng Xá. Bài thơ của ông về động Hoàng Xá được coi là một thiên tuyệt bút:
NGẮM NÚI HOÀNG
Đồng bằng mọc núi lạ lùng thay
Lầu gác lô nhô bóng xế tây
Mười dặm đường dài còn vẻ biếc
Lưng trời chim mỏi chở chiều bay
Cây lồng xóm mạc xa xa thấy
Mắt lóa phong trần bước bước gay
Cái thú chơi non thường vẫn có
Bên mây đủng đỉnh một sư thầy.

Động Hoàng Xá còn được biết đến với tên tuổi của một vị quan chính trực và là danh sĩ đời Duy Tân triều Nguyễn đó là Cao Xuân Dục (1842 – 1923). Khi Tổng đốc Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên vua, Cao Xuân Dục đã không ký. Ông bị gièm pha và bị giáng chức về làm tri phủ Quốc Oai. Sau khi ông mất, người dân nơi đây đã tạc tượng thờ ở giữa động Hoàng Xá.

Động Hoàng Xá còn là di tích cách mạng, khi là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến khu II.

Năm 1947 trước khi lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã nghỉ tại chùa Một Mái ngay dưới chân núi Hoàng Xá.

Ngày 12/4/1949, giặc Pháp huy động lực lượng lớn gồm 2.000 quân, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm trợ tấn công vào khu núi và động Hoàng Xá. Tại đây, dân nhân đã phối hợp với đại đội 385 bộ đội địa phương tổ chức chống càn.

Trong các cuộc kháng chiến động Hoàng Xá cũng là nơi Chính phủ chọn để cất giữ ngân khố và đặt Đài phát thanh phụ khi đài chính bị địch dội bom.

Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày nhân dân trong vùng tổ chức giỗ trận tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ những người đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất núi Hoàng Xá.

Tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng kiến trúc chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách ( huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) là là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt.

4.7/5 (6 bình chọn)

Video

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)