Lễ giỗ Nguyên Từ Quốc Mẫu (28/9 AL)

Lễ giỗ Nguyên Từ Quốc Mẫu (28/9 AL)

Thông tin cơ bản

Tưởng nhớ công ơn


Nguyên Từ Quốc Mẫu Trần Triều (hiệu là Thiên Thành Thái Trưởng) là con gái trưởng của vua Trần Thái Tông. Đức Quốc Mẫu nhân từ, tư chất tài hoa, quyền quý. Năm Tân Hợi (1251), công chúa Thiên Thành sánh duyên cùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Từ đó, Đức Quốc Mẫu rời chốn hoàng cung, cùng phu quân đồng cam cộng khổ, chăm lo việc nước, tham gia kháng chiến…

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân Đại Việt ở thế kỷ 13 đã ghi danh công lao to lớn của Đức Quốc Mẫu. Vào các năm 1285, 1288, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, Quốc Mẫu được vua Trần giao trực tiếp quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc đi lánh nạn và vận động nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm tiêu hao sinh lực địch. Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu phụ trách hậu cần, lo việc quân lương, tổ chức sản xuất, tận dụng địa thế núi rừng, sông ngòi hiểm yếu để phòng bị, tích trữ lương thảo, khí giới phục vụ quân doanh trong mọi tình thế. Người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca: “Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh, Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê”.

Ngày nay, khu vực thung lũng phía đông nam thuộc các làng Bến, Gạo, Thanh Tân, Thanh Tảo, Trung Quê còn nhiều di tích, địa danh gắn liền với tên gọi các kho hậu cần, quân lương của Quốc Mẫu như: chùa Gạo, hố Lợn, bãi Tàn, bãi Quạt, nghè Dím…

Đức Quốc Mẫu có tài năng trồng và làm thuốc nam để chữa bệnh cho nhân dân, quân sĩ. Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã giao cho phu nhân trực tiếp chỉ đạo trồng vườn thuốc nam trên núi Dược Sơn. Vườn thuốc đã chữa bệnh, trị thương cho nhiều binh sĩ, bảo vệ sức khoẻ cho quân và dân Đại Việt. Dân trong vùng truyền rằng, thuốc trồng ở Dược Sơn có công dụng kỳ lạ. Hơn 7 thế kỷ qua, vào ngày giỗ Đức Quốc Mẫu, con dân đất Việt có tục đến đền Kiếp Bạc xin thuốc của Quốc Mẫu về chữa bệnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép: “Các châu huyện Lạng Giang bị bệnh chẩn đậu (bệnh đậu mùa), nhiều người kêu cầu đều ứng nghiệm”. Nghề làm thuốc nam ở Dược Sơn cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền đến ngày nay.

Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu, điển hình của phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, xứng danh với câu ca: “Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu/ Anh linh liệt nữ thế gian vô”. 

Ngày 28.9 năm Mậu Tý (1288), Đức Quốc Mẫu từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn, vua Trần sắc phong tước hiệu Trần triều Bảo Thánh Nguyên Từ Quốc Mẫu, Thiên Thành Thái trưởng công chúa và sắc chỉ cho nhân dân tạc tượng, phụng thờ tại đền Kiếp Bạc.

Tiệc Nguyên Từ Quốc Mẫu


Đã thành truyền thống, cứ vào ngày 28.9 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương lại tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Mẫu theo nghi lễ truyền thống. Nhân dân làm các loại bánh cổ truyền dâng cúng, thể hiện tấm lòng thơm thảo với Đức Quốc Mẫu. Đồng thời xin Quốc Mẫu ban thuốc để trị bệnh, sức khỏe dồi dào, che chở cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc…

Chiều 27.9 âm lịch, Ban Quản lý di tích phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương dâng lễ phẩm, gồm lễ chay, lễ mặn… tại đền Kiếp Bạc để tổ chức Lễ cáo yết, xin Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương, Đức Quốc Mẫu tổ chức lễ giỗ, đồng thời mời Phật, Thánh, Hội đồng bách quan cùng dự. Nghi lễ này trước đây không tổ chức thường xuyên, nhưng từ năm nay sẽ được duy trì bảo đảm trang nghiêm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

Tối 27 và 28.9 âm lịch, tại đền Kiếp Bạc diễn ra diễn xướng hầu Thánh mừng tiệc Đức Quốc Mẫu.

Tham khảo


http://baohaiduong.vn/le-hoi/nang-tam-le-gio-duc-quoc-mau-99064

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Nâng Tầm Lễ Giỗ Quốc Mẫu

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)